Kinh tế - xã hội khởi sắc

06/07/2018 | 09:13 GMT+7

Việc thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2018 đạt nhiều kết quả nổi bật, là đánh giá chung của các đại biểu tại ngày họp đầu tiên của Kỳ họp thứ chín HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.

Trung tâm Hành chính công tỉnh đi vào hoạt động đã tạo bước đột phá mới cho công tác cải cách hành chính tỉnh nhà.

Bởi trong 19 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2018, đến nay có 4 chỉ tiêu vượt và 3 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Ấn tượng là không ít chỉ tiêu đạt cao hơn nhiều so với cùng kỳ.

Kinh tế tăng trưởng khá     

Ông Nguyễn Văn Thân, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,01%, tăng 3,67% so với cùng kỳ là kết quả đáng phấn khởi. Từ đó giúp Hậu Giang đứng thứ tư trong vùng ĐBSCL về tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm, sau tỉnh Long An, Kiên Giang và Đồng Tháp.

Trong đó, từng khu vực cụ thể cũng có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra, như khu vực I tăng 5,77% (cùng kỳ là 1,48%, kế hoạch đề ra 2,2%), khu vực II tăng 16,14% (cùng kỳ là 6,58%, kế hoạch 11%), khu vực III tăng 5,3% (cùng kỳ là 5,03%). Điều này chứng tỏ cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch khá tích cực, cho thấy việc tái cơ cấu kinh tế theo chiều sâu đã có tác động tích cực, công nghiệp đang vươn lên, nông nghiệp đang phục hồi.

Còn Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh thông tin, tổng thu ngân sách nhà nước được 5.346 tỉ đồng, đạt 83,1% dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao, tăng 25,56% so với cùng kỳ là kết quả rất đáng khích lệ. Để có được kết quả này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, đầy đủ các giải pháp thu ngân sách nhà nước ngay từ đầu năm; tập trung phân tích, rà soát từng khoản thu, sắc thuế, nhằm đánh giá nguyên nhân tác động để khai thác tốt các nguồn thu tiềm năng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế và xử lý nợ đọng thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính thuế.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, mặc dù bị tác động về giá, thị trường tiêu thụ, nguyên liệu đầu vào và một số yếu tố khác, nhưng đa số các doanh nghiệp trong tỉnh phát triển tương đối ổn định. Trong đó, các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, như: sản xuất giày dép, hóa chất, hóa dược liệu,... đầu tư mở rộng nhà máy, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh đã góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực II theo giá so sánh 2010 là 16,14%, tăng gần 10% so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều khởi sắc. Ấn tượng nhất phải kể đến hoạt động du lịch. Theo đó, nhờ công tác xã hội hóa đầu tư du lịch có chuyển biến; một số khu, điểm du lịch được đưa vào khai thác hoặc được nâng cấp, mở rộng, nên tổng lượt khách đến tỉnh tăng cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, đã thu hút trên 230.000 lượt khách du lịch, tăng 24% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế là 9.200 lượt, tăng 66%; khách nội địa 220.800 lượt, tăng 23%; doanh thu đạt 81 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Đây là kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Cùng với đó, công tác xây dựng chính quyền năng động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng được quan tâm. Đặc biệt, Trung tâm Hành chính công tỉnh Hậu Giang được thành lập và đi vào hoạt động đã cho thấy quyết tâm của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh trong lộ trình xây dựng nền hành chính công hiện đại, chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả. Đây cũng là một trong những khâu đột phá nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, khắc phục những hạn chế liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính.

“Hậu Giang là một trong số ít tỉnh, thành trong cả nước đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công. Đây được xem là bước tiến của tỉnh trong việc hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính công hiện đại, hiệu quả và chất lượng. Tại đây, người dân và doanh nghiệp đến liên hệ công việc sẽ được hướng dẫn thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính tận tình, nhanh chóng, thuận tiện nhất”, ông Trương Minh Tác, Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh, chia sẻ.

Không lơ là, chủ quan

Tuy phấn khởi với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, nhưng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh cho rằng các cấp, các ngành không nên có tư tưởng lơ là, chủ quan trong những tháng cuối năm, bởi tỉnh nhà đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đáng lo là sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ rất thấp; việc thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp ngoài tỉnh, các doanh nghiệp nước ngoài còn hạn chế; một số công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chậm tiến độ, trong đó có một số công trình thiếu vốn.

Mặt khác, tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, kinh doanh trái phép ngày càng xuất hiện nhiều với hình thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp; tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí... Dù khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều, nhưng tỉnh quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8-7,2% và hoàn thành 19 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đề ra trong năm.

Sáu tháng đầu năm nay, khu vực I đạt mức tăng trưởng 5,77%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (1,48%).

Để đạt mục tiêu này, các cấp, các ngành trong tỉnh đang thể hiện quyết tâm cao, đề ra biện pháp phù hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể trên lĩnh vực nông nghiệp, ngành chuyên môn sẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu, trong đó chỉ đạo thực hiện thắng lợi sản xuất vụ lúa Hè thu và Thu đông; đẩy mạnh sản xuất rau màu sạch, cây ăn trái, nhất là các cây trồng có lợi thế cạnh tranh cao, có thị trường tiêu thụ tốt để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn đến Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội để xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho nông sản của tỉnh. Đặc biệt là công bố công khai quy hoạch của ngành nông nghiệp ở từng khu vực giúp người dân nắm rõ và chịu trách nhiệm về quy hoạch đó. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho người dân.

Ông Đồng Văn Thanh thông tin thêm, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình số 05 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 27 của Chính phủ và Kế hoạch số 35 của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại để nhiều sản phẩm chủ lực có thêm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, chú trọng chỉ dẫn địa lý; chủ động xúc tiến đầu tư đi vào thực chất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án.

Ngoài ra, tăng cường công tác đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp, xem doanh nghiệp vừa là bạn đồng hành, vừa là đối tượng phục vụ. Chủ động kêu gọi thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; hoàn thiện các cơ chế, chính sách về khuyến công, phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Chú trọng công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế, lấy người bệnh làm trung tâm và hướng tới sự hài lòng của người bệnh, phấn đấu đưa tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt trên 85%. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi, tạo chuyển biến trong nhận thức thực hiện công tác giảm nghèo; tích cực thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”…

“Dự báo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2018 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức do tác động của biến đối khí hậu, biến động của thị trường, nhất là giá xăng, dầu và nông sản. UBND tỉnh đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương quyết liệt vào cuộc, tăng cường giám sát, phối hợp hành động, nỗ lực phấn đấu, tạo chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa trên các mặt công tác, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018”, ông Đồng Văn Thanh nhấn mạnh.

Trong 19 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2018, đến nay có 4 chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế, thông tin truyền thông và nhà ở, chỉ số giá tiêu dùng đều vượt kế hoạch; 3 chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch, tỷ lệ xử lý chất thải đạt kế hoạch; 5 chỉ tiêu về thu ngân sách, dân số, lao động việc làm, y tế, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 50% kế hoạch; 4 chỉ tiêu về giá trị sản xuất, kim ngạch xuất nhập khẩu, xây dựng nông thôn mới, giáo dục đạt gần 50% kế hoạch; 3 chỉ tiêu về tỷ lệ hộ nghèo, quốc phòng, an ninh được xét vào cuối năm.

Với sự khởi đầu ấn tượng trong 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Thân, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 của tỉnh hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đề ra là 6,8-7,2%.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>