Khi lãnh đạo tỉnh nghe cán bộ cơ sở nói

04/05/2021 | 07:43 GMT+7

Lần đầu tiên lãnh đạo tỉnh tổ chức gặp gỡ với cán bộ chủ chốt cấp xã - một hoạt động cầu thị muốn nắm chắc hơn tình hình thực tế, nhất là những khó khăn, hạn chế, điểm nghẽn ở cơ sở, qua đó để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững tỉnh nhà như mục tiêu Hậu Giang đề ra.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Mạnh dạn chia sẻ những vấn đề khó khăn, điểm nghẽn trong quá trình lãnh đạo, điều hành ở đơn vị mình, phát biểu không sợ “đụng chạm, bị ghi sổ”, nhiều cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn đã mạnh dạn nói lên điều cần nói, những khó khăn gặp phải. Không khí dân chủ, cởi mở đã được phát huy...

Mạnh dạn nói lên khó khăn

Là người đầu tiên phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Lê Văn Hổ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, bày tỏ băn khoăn vì hiện nay không có người phụ trách công an ấp khi thực hiện sắp xếp theo Nghị định số 34 của Chính phủ, dẫn tới nhiều khó khăn trong giữ gìn an ninh trật tự địa bàn. Trong khi đó, việc đưa công an chính quy về xã dẫn tới dôi dư một số công an viên nhưng không thể sắp xếp vào các vị trí khác vì đã đủ người. Đây cũng là khó khăn chung của cấp cơ sở hiện nay, do đó ông Hổ mong muốn tỉnh hướng dẫn để tháo gỡ.

Nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng việc chủ trương, chính sách, nghị quyết của Trung ương, tỉnh, huyện đều do cấp cơ sở thực hiện, tuy nhiên số lượng cán bộ ở cơ sở ngày càng ít nên việc đưa chủ trương, nghị quyết vào cuộc sống có phần chậm. Bà Nguyễn Thị Hồng Như, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường III, thành phố Vị Thanh, cho biết, thực hiện Nghị quyết số 27 của HĐND tỉnh, 1 cán bộ không chuyên trách cấp xã phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ như: cán bộ văn phòng đảng ủy kiêm tổ chức đảng; cán bộ tuyên giáo kiêm dân vận… “Phụ trách nhiều việc nhưng phụ cấp thấp thì rất khó để cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ”, bà Như chia sẻ.

Do đó, bà Như đề xuất cần có sự sắp xếp, điều chỉnh số lượng cán bộ không chuyên trách cơ sở cho phù hợp theo hướng tăng về số lượng hoặc tăng mức trợ cấp hỗ trợ hàng tháng cho lực lượng này. Có như vậy thì cán bộ không chuyên trách mới thực sự an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đa số ý kiến phát biểu tại buổi đối thoại đều nêu lên thực trạng khó khăn của cán bộ cơ sở, được lãnh đạo tỉnh ghi nhận, đánh giá xuất phát từ sự chân thành, thẳng thắn với tinh thần xây dựng.

Tháo gỡ và tiếp tục lắng nghe

Trước ý kiến phản ánh nhiều cán bộ không chuyên trách cơ sở lớn tuổi nhưng khó tìm được người thay thế, vì người trẻ sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng thường tìm những công việc có thu nhập ổn định, ít ai chịu làm cán bộ không chuyên trách thu nhập thấp, ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng có không ít người trẻ muốn phục vụ cho sự phát triển của địa phương, vấn đề là chúng ta tiếp cận họ như thế nào để mời gọi, tạo điều kiện, khuyến khích, động viên họ tham gia.

Về chế độ phụ cấp dành cho cán bộ không chuyên trách cơ sở hiện nay còn thấp, ông Lê Tiến Châu cho biết một số chế độ thực hiện theo quy định của Trung ương nên không thể khác, nhưng có khoản hỗ trợ tỉnh lo và có những khoản hiện nay tỉnh hỗ trợ vượt khung Trung ương cho phép.

Bí thư Tỉnh ủy thông tin năm 2021, việc thu thuế nội địa của tỉnh sẽ tăng rất cao so với nghị quyết đề ra; do đó, đề nghị UBND tỉnh vào những tháng cuối năm điều chỉnh lại nguồn thu, đối với khoản thu vượt kết dư thì nghiên cứu đề xuất HĐND tỉnh tăng mức hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách cơ sở…

Sau hội nghị này, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều hơn nữa ý kiến mang tính hiến kế cho lãnh đạo tỉnh từ lực lượng cán bộ chủ chốt cơ sở. Nhấn mạnh đội ngũ này có vai trò rất quan trọng trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở địa phương, tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng còn không ít cán bộ khả năng nhận thức, tổ chức thực hiện và xử lý tình huống phát sinh ở địa phương còn khá lúng túng; tinh thần trách nhiệm trong xử lý công việc còn hạn chế, thiếu chủ động trong việc đề ra các biện pháp cải thiện đời sống người dân…

Do đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nếu có mắc phải những hạn chế, yếu kém kể trên thì cần sớm khắc phục để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương.

Để tháo gỡ khó khăn cho cấp cơ sở, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh phối hợp với Đảng đoàn HĐND tỉnh tổ chức các đoàn đi làm việc với xã, phường, thị trấn để tiếp tục lắng nghe, nắm bắt tình hình thực tế việc thực hiện chủ trương kiêm nhiệm một số chức danh không chuyên trách ở cấp xã, cũng như chế độ chính sách dành cho lực lượng này, trên cơ sở đó tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy đưa ra giải pháp chỉ đạo phù hợp. Cùng với đó, phối hợp rà soát các điều kiện về phương tiện làm việc ở cơ sở, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc ở cấp này.

Bên cạnh đó, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy rà soát tổng thể việc phân bổ biên chế của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị trong toàn tỉnh, cân đối nhu cầu phân bổ biên chế của từng cấp tỉnh, huyện, xã theo phương châm hướng về cơ sở, ưu tiên địa bàn đất rộng, người đông, địa bàn phức tạp, nhiều việc.

Hậu Giang đang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực trong giai đoạn tới. Theo Bí thư Tỉnh ủy, để đạt được mục tiêu đề ra thực sự là thách thức, yêu cầu đội ngũ cán bộ của tỉnh, nhất là cán bộ chủ chốt cấp xã phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, trình độ đủ sức nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh cả trong hiện tại và những năm tiếp theo…

Bí thư Tỉnh ủy Lê Tiến Châu: “Tôi kêu gọi cán bộ chủ chốt cấp xã cần phát huy hơn nữa kinh nghiệm trong công tác và lòng nhiệt huyết, tiếp tục cống hiến tài năng, sức trẻ để làm giàu cho quê hương Hậu Giang, để người dân có cuộc sống ấm no và hạnh phúc”.

 

 Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>