Khi cán bộ công an, quân đội làm nhà báo

16/06/2022 | 08:22 GMT+7

Tuy không phải là nhà báo chuyên nghiệp, nhưng mang trọng trách tuyên truyền trong lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, các anh đã luôn cố gắng vượt qua khó khăn, bám sát sự kiện, sự việc để kịp thời đưa thông tin “nóng hổi”, chính xác nhất đến với độc giả gần xa.

Thượng úy chuyên nghiệp Đặng Văn Nguyễn, Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tác nghiệp tại một khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19 năm 2020.

Người mà chúng tôi nhắc đến là thiếu tá Trần Thế Phong, cán bộ Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an tỉnh và thượng úy chuyên nghiệp Đặng Văn Nguyễn, Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Gặp, nghe hai anh kể, tâm tư trong những ngày này thì mới thấy làm báo trong lực lượng vũ trang cũng đầy khó khăn, áp lực. Nhưng với sự yêu nghề và trách nhiệm của người cầm bút, hai anh gặt hái nhiều thành công cho riêng mình.

Phải tự học, tự nghiên cứu

Tuy quen biết nhưng khó lắm phóng viên mới hẹn gặp được thiếu tá Trần Thế Phong. Khi gặp, thấy đôi mắt, gương mặt ửng đỏ, tay cầm máy quay và chân máy, phóng viên hỏi đùa:

- Anh mới đi nhậu về hả ?

- “Không. Anh vừa tham gia ghi hình phá một chuyên án, quay hơn một buổi, hơi mệt”.

Một hồi trò chuyện, thiếu tá Phong trải lòng. Anh sinh ra và lớn lên tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Năm 2003, anh tốt nghiệp ngành kỹ thuật môi trường của Trường Đại học Cần Thơ, sau đó làm cho một công ty tư nhân. Khoảng năm 2006, anh bắt đầu “bén duyên” với nghề viết lách khi thi đậu vào Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thường trú tại đồng bằng sông Cửu Long. Vào đây, anh được phân nhiệm vụ là phóng viên, biên tập viên, nên có nhiều thời gian “lăn lộn” các tỉnh, thành phố trong khu vực để đưa thông tin đến người xem. Năm 2010, anh xin về Công an tỉnh Hậu Giang và sau đó được phân công về Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị phụ trách tuyên truyền đến nay.

Theo thiếu tá Phong, khi về đây, anh gặp nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn. Đó là có kinh nghiệm trong việc viết lách nhưng chưa hề biết về cách quay và dựng hình, chụp hình. Với tinh thần chịu khó, trách nhiệm, anh không ngần ngại hỏi những anh chị trong phòng và một số đồng nghiệp báo, đài địa phương, dần dần tự quay, tự dựng hình. “Tuy nay đã thành thục nhưng tôi vẫn không ngừng nghiên cứu cách chụp, cách quay, cách dựng để làm nổi bật nhân vật, vấn đề cần phản ánh. Làm tuyên truyền mà, mỗi ngày phải đổi mới nên sẽ không ngừng học hỏi, rèn luyện”, thiếu tá Phong cho biết.

Những năm gần đây, công việc ngày càng nhiều, trong khi lực lượng phụ trách tuyên truyền của Phòng mỏng, nên thiếu tá Phong nói riêng, cán bộ phụ trách tuyên truyền của Phòng nói chung gặp không ít áp lực. Cụ thể, hàng tuần, anh bám lịch công tác của Ban Giám đốc để tuyên truyền, chưa kể các sự kiện của Công an tỉnh, phòng chuyên môn, công an cấp huyện triệt phá chuyên án bất kể ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ anh đều có mặt. Nhiều vụ chuyên án triệt phá lúc nửa đêm khi được phân công anh cũng không ngại mưa gió xách bộ đồ nghề “tác chiến” với anh em.

“Khi tham gia quay chuyên án tôi đều quay từ đầu đến cuối. Bởi ngoài công tác tuyên truyền, thì còn phải quay để phục vụ điều tra phá án của phòng chuyên môn. Do đó, nhiều lúc tôi tham gia quay đến 3-4 giờ sáng, nhưng sáng hôm sau tôi vẫn đến cơ quan làm nhiệm vụ”, thiếu tá Phong tâm sự.

Theo thiếu tá Phong, mỗi tin, bài anh phản ánh đều rất đắn đo, trăn trở. Bởi không phải vụ án, sự việc gì cũng đưa cụ thể, chi tiết, mà phải có định hướng giáo dục, tuyên truyền, xây dựng. Nếu không khéo vô tình chỉ dẫn cho người khác thực hiện hành vi phạm tội, hay ảnh hưởng đến một cơ quan, đơn vị. Vậy nên, khi đưa nội dung ngoài chắt lọc, anh còn tham khảo phòng chức năng để truyền tải hiệu quả. “Những tin, bài tôi truyền tải có thể giảm tính “giật gân”, nhưng vẫn mang thông điệp giáo dục, định hướng người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật. Do đó, khi tin, bài được đăng, phát, tôi rất vui vì “đứa con tinh thần” được chấp nhận”, thiếu tá Phong cho biết thêm.

Với trách nhiệm trên, từ khi công tác tại Công an tỉnh đến nay, anh nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Công an, UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh. “Thời gian tới, công việc ngày càng nhiều, ngoài không ngừng học hỏi, trau dồi, tôi sẽ cố gắng xử lý tin, bài trong ngày để ngày hôm sau làm công việc khác, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, thiếu tá Phong trao đổi quyết tâm của mình. 

Dù công việc nhiều áp lực, nhưng thiếu tá Trần Thế Phong luôn cố gắng học hỏi để nâng cao tay nghề.

Bước ngoặc từ một tấm hình được đăng 

Công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đến nay khoảng 15 năm, trong đó 10 năm làm tuyên truyền, thượng úy chuyên nghiệp Đặng Văn Nguyễn, Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết: “Lúc đầu, tôi không nghĩ sẽ phục vụ ở bộ phận tuyên truyền, nhưng là lính Bộ đội Cụ Hồ, trong mọi tình huống, hoàn cảnh, tôi đã, đang và sẽ không ngại khó khăn, vất vả để cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Thượng úy Nguyễn kể, năm 2004, anh tham gia nghĩa vụ quân sự tại một đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Năm 2005, anh được cử đi tập huấn quay phim, chụp hình, sau đó được phân công qua nhiều phòng, ban của Bộ Chỉ huy Quân sự. Đến năm 2010, anh được điều động về Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, phụ trách tuyên truyền trong lực lượng quân đội.

Thời gian đầu phục vụ tại đây, anh khá nhiều bỡ ngỡ trong việc viết lách, bởi trái ngành học (anh Nguyễn học ngành tài chính ngân hàng), nhưng vì trọng trách, nhiệm vụ của lính Bộ đội Cụ Hồ anh không ngần ngại học hỏi, nghiên cứu, trau dồi. Cùng với đó, anh tham gia một số lớp tập huấn về quay phim, chụp ảnh do Quân khu, địa phương tổ chức, nhưng vẫn chưa mạnh dạn cộng tác tin, bài. Thế nhưng, năm 2012 đánh dấu bước ngoặc trong nhiệm vụ viết lách của anh.

Theo đó, thời gian này, trong một lần về nguồn của đơn vị, anh viết tin, sau đó gửi cộng tác lên Báo Quân khu 9 và được đăng. “Lúc đó, hay tin của tôi được đăng, tôi rất mừng và phấn khởi lắm, vì sản phẩm của mình đã được công nhận. Từ đây về sau, tôi rút ra nhiều kinh nghiệm trong viết lách”, thượng úy Nguyễn chia sẻ.

Qua hơn 10 năm phục vụ tuyên truyền ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thượng úy Nguyễn chia sẻ, dù tin, bài được đăng hay không, nhưng khi thực hiện nhiệm vụ phải đặt trách nhiệm và tâm của người làm tuyên truyền lên trên hết. Bởi có tâm và trách nhiệm sẽ không ngại khó khăn, vất vả và “thổi hồn” vào “đứa con tinh thần” của mình một cách đầy đủ, trọn vẹn.

Với tinh thần đó, dù mưa nắng, sớm tối, khi lực lượng quân đội trên địa bàn tỉnh có hoạt động gì thiết thực, anh đều có mặt, tác nghiệp đầy trách nhiệm. Mỗi năm anh viết trên 100 tin, bài phản ánh các hoạt động của lực lượng quân đội trong tỉnh như: huấn luyện; giúp dân làm đường, cầu, khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch bệnh… Tuy mỗi môi trường, hoàn cảnh tác nghiệp khác nhau, nhưng khi nhận nhiệm vụ anh đều “xông pha”, sau đó thông qua “đứa con tinh thần” anh truyền tải khá đầy đủ các hoạt động của lực lượng đến độc giả, khán giả.

Cụ thể, năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh thành lập nhiều bệnh viện dã chiến, khu cách ly. Nhằm phản ánh những vất vả, gian lao của lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và nơi ăn nghỉ của người cách ly, anh tác nghiệp những nơi đây, cho ra đời gần 100 tin, bài. “Lúc đó cũng sợ nhiễm bệnh lắm, nhưng vì trách nhiệm phải tuyên truyền nên tôi biến nỗi sợ thành động lực phục vụ người xem, bạn đọc”, thượng úy Nguyễn chia sẻ.

Sau khi tác nghiệp tại đây, anh trăn trở, đắn đo, rồi cùng với một đồng nghiệp bên Báo Hậu Giang cho ra tác phẩm phản ánh cuộc sống, sinh hoạt nơi đây, kết quả là đạt giải nhì trong cuộc thi Giải báo chí tỉnh Hậu Giang năm ấy. 

10 năm dấn thân với nghề, vui buồn lẫn lộn, trong đó có lần gặp sự cố nhớ đời. Thượng úy Nguyễn kể: Có lần đi tác nghiệp cùng với anh em báo, đài địa phương và nhờ cầm micro khi phỏng vấn nhưng khi ấy anh em không bật chế độ thu, về mới phát hiện chỉ có hình mà không có tiếng nên phải chạy xuống gặp nhân vật ghi hình lại. Tuy mất thời gian nhưng thấu hiểu nhiệm vụ của anh mà nhân vật vui vẻ nhận lời.

Anh Nguyễn cho biết đang có nhiều ấp ủ cho những tác sản phẩm báo chí khắc họa hơn nữa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong tương lai. Muốn được vậy và anh sẽ không ngừng học hỏi nghiệp vụ để nhanh nâng cao tay nghề…

Mặc dù ở mỗi nơi có thuận lợi, khó khăn riêng, nhưng thiếu tá Phong, thượng úy Nguyễn luôn say mê, nhiệt huyết, cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>