Khát vọng hòa bình - Khát vọng phồn vinh

29/04/2022 | 08:11 GMT+7

Ngày 30-4 này, anh Trần Văn Ga dọn vô ở trong căn nhà mới khang trang, bề thế được cất từ tiền để dành của cha mẹ và vợ chồng anh. Anh Ga có cha là Hai Trung tham gia du kích, sau là bộ đội anh dũng đánh Mỹ - ngụy, được Chủ tịch nước tặng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. Ông Trung và anh Ga có thể là đại diện cho 2 thế hệ dân tộc Việt Nam của thế kỷ XX luôn khát vọng hòa bình, thế kỷ XXI khát vọng giàu có, phồn vinh.

Và khát vọng ấy đã, đang được rất nhiều người con yêu nước ở Hậu Giang đêm ngày nhân lên để góp phần cho nước nhà sớm thống nhất, phát triển hùng mạnh. 

Ảnh: TRUNG QUÂN

Khát vọng hòa bình

Ông Hai Trung (Trần Văn Trung), ở ấp 12, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, năm nay 81 tuổi, còn nhớ nhiều về ký ức cùng đồng đội vào sinh ra tử đánh đuổi Mỹ - ngụy.

Mười mấy tuổi đầu, khi quê hương Vĩnh Viễn chịu nhiều bom đạn của quân thù, ông đã tự giác tham gia lực lượng du kích xã, lập nhiều chiến công nên tổ chức điều động tham gia lực lượng chủ lực giết giặc ở thị xã Vị Thanh, góp phần cho giải phóng thị xã ngày 1-5-1975.

Hai Trung kể, ngày đêm ém quân ở xã, luôn trông gặp địch để tiêu diệt; là bộ đội, khi có lệnh, dù biết chết sống trong gang tấc nhưng không bao giờ thoái chí. “Tôi không bao giờ có suy nghĩ phải đào ngũ, đầu hàng địch; tổ chức tin tưởng mình thì mình phải quyết chí; đánh ngày đánh đêm cũng phải đánh. Những năm 1973-1974, bắt “la dô” nghe thông tin địch càng yếu dần nên càng hăng đánh chúng để quê hương sớm hòa bình”, ông Trung kể lại.

Năm tháng chiến đấu với kẻ thù, Hai Trung luôn kỳ vọng một ngày hòa bình không xa. Ông thấu hiểu, để ngày ấy càng gần thì càng phải quyết tâm cao độ, chắc tay trước họng súng quân thù. 

“Niềm tin là một ngày mai non nước chung một màu cờ” càng rõ ràng hơn với ông Tư Yên (Nguyễn Văn Yên), ở ấp 5, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, nguyên Chính trị viên Đại đội Trinh sát Trung đoàn 1 U Minh.

Ông Tư kể, thuở nhỏ khi chứng kiến cậu ruột bị bắt đi lính, bà ngoại can ngăn thì tên lính đá và chửi thậm tệ; những ngày làm du kích ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh giết chóc, chặt tay chân dân mình, đã nung nấu trong ông lòng hận thù nên quyết chí làm thật tốt những gì tổ chức giao để góp phần cho cách mạng sớm giải phóng miền Nam.

Với nghề trinh sát nguy hiểm trùng trùng nhưng khi được giao thì ông và đồng đội bắt tay ngay vào thực hiện. Đó là phải bí mật vào tận hang ổ địch nắm rõ đường đi, quân số, sinh hoạt, súng đạn… để báo cho tổ chức triển khai nhiệm vụ tấn công tiêu diệt. “Hồi đó, kỷ luật găng gắt, xác định đi là hy sinh cũng phải đi chứ không một lời từ nan. Có khi tối vào được đồn chúng rồi đến sáng mới bò ra được vì chúng canh gác rất cẩn trọng, pha đèn và bắn liên tục ở chỗ nghi ngờ, vì vậy, có lúc phải ngồi im 1 chỗ chừng 2 tiếng đồng hồ, rất căng thẳng”, ông Tư Yên nói.

Năm 1972, khi nhiệm vụ trinh sát đồn xong, Tư Yên được giao dự bị để đánh đồn Trực Thăng, xã Vĩnh Viễn và ông đã cùng đồng đội chiến đấu “dưới lằn tên lửa đạn” như mưa trút của địch. Ông nói: “Lính nó bắn con biết cỡ nào không? Cầm súng lên là chúng siết la phan, hết băng này nó vô băng khác. Đạn nó bắn ra liền như bàn tay, hụt thì cháy xém cả quần áo, vô cùng khốc liệt”.

Không nao núng trước mưa bom bão đạn, hễ chúng vừa ngớt là ông và đồng đội bắn trả; những lúc không thể đối đầu thì tìm cách diệt theo cách khác. “Khi chúng bắn, đêm sẽ thấy họng súng đỏ lửa, ta không thể đối diện mà bò sang góc lệch để chọi lựu đạn hay bắn nơi lửa phun ra, vậy là gây sát thương cao”, ông Tư Yên cho biết cụ thể.

Ông Tư tâm sự về những quyết tâm ban đầu của mình khi tham gia đánh giặc đó là khi căm thù càng nhiều thì thiện cảm với Việt Cộng càng cao. Khi mục đích theo cách mạng đã rõ ràng là cùng nhau đánh đuổi quân thù để giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương thì trinh sát mọi giá, đánh bằng mọi giá; được giao thì quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thương vong ít và không có càng tốt.

Khát vọng, ham muốn ngày hòa bình được Hai Trung, Tư Yên và đồng đội được thực hiện bằng hành động sắt đá, quyết chiến, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Quyết tâm đó đã đem đến cho nước nhà niềm vui đại thắng 30-4-1975.

Bên hố bom B52 của Mỹ ngày nào, ông Tư Yên cải tạo lại cho ra thành quả ngọt ngào.

Khát vọng phồn vinh

Khi “đất nước trọn niềm vui”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh; thực hiện tốt lời dặn của Bác “… thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Và minh chứng hùng hồn là “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Để Việt Nam phát triển hùng cường, phồn vinh hơn nữa, Đảng ta tiếp tục đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đến năm 2030, 2045 với từng chỉ tiêu cao hơn. Và mong muốn ấy phải được thực hiện với quyết tâm sắt đá như những chí sĩ yêu nước thế kỷ XX - ngày nay là những người con nước Việt có trình độ, nhận thức cao về phát triển, hội nhập.           

Nói rõ hơn trường hợp anh Trần Văn Ga, sau khi thừa hưởng gia sản từ ông bà Hai Trung đã chí thú làm ăn, tích lũy ngày càng nhiều, từ một gia đình có của ăn của mặc nay có của ăn của để.

Với 20 công đất ruộng (của nhà 13 công, mướn 7 công), anh chị thức khuya dậy sớm trồng trọt, chăm sóc; còn thời gian rảnh, anh Ga đi làm mướn quanh xóm để dư thêm. “Nông dân mà, cứ làm lụng có tiền là làm chứ không nề hà gì hết”, anh Ga tâm sự và nói thêm: “Cả nhà tôi cố gắng làm để giàu có, xóm này ai giàu thì mình mừng thêm”.

Tân gia trong căn nhà mới, vợ chồng anh Ga nhớ lại, hồi đó nhà nhỏ, nhờ biết nuôi mộng làm giàu mà có dư được căn nhà đẹp như vầy.

Với ông Nguyễn Minh Trường (Ba Trường), Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường III, thành phố Vị Thanh, khát vọng hòa bình đã được cả dân tộc hiện thực hóa, sau năm 1975 dân tộc Việt Nam tiếp tục trỗi dậy.

Quê ông Trường ở Đồng Tháp, năm 1983 xuôi về Hậu Giang với 2 bàn tay trắng, chọn nơi đây để nuôi khát vọng khá giả cho bằng anh em xóm giềng. Ngày nay, gia đình ông có đến 15 công đất ruộng, nhà cửa đàng hoàng. Bằng lòng với mục đích mà khát vọng mình đặt ra, nay ông Trường suy nghĩ cho cộng đồng.

Ông nói, nghe Tỉnh ủy thông qua Nghị quyết 4 trụ cột, ông rất đồng tình, đây là khát vọng tiếp tục vươn lên từ một tỉnh trung bình lên tỉnh khá.

Ở trụ cột đô thị, Ba Trường cho biết, tuy là phường nhưng chưa phát triển xứng tầm nên bà con ở đây mong muốn tỉnh, thành phố sớm đầu tư hoàn thiện về hạ tầng giao thông để đi lại, giao thương; khi triển khai, chắc chắn người dân ai cũng sẽ ủng hộ. “Tôi còn có mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm hơn trong kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân, tránh tình trạng được mùa mất giá; thực hiện tốt hơn đào tạo và sử dụng nhân lực”, ông Ba nói thêm.

Với ông Tư Yên, nhìn lại thành quả cách mạng của dân tộc, ông rất hài lòng, nhưng dân tộc ta đánh đổi quá nhiều. “Trên con đường phát triển hôm nay, tôi luôn tự lực trồng trọt, canh tác; mong các cấp ủy, chính quyền khi đề ra đường lối, chủ trương phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, nói phải đi đôi với làm, đó là một trong những giải pháp thiết thực để Hậu Giang sớm đi đến phồn vinh”, ông Nguyễn Văn Yên gửi gắm.

Không một quốc gia, dân tộc nào không khát vọng hòa bình, khát vọng phồn vinh. Với Việt Nam, để có được hòa bình, phải chịu nhiều hy sinh, mất mát; để phồn vinh - phát triển tốt đẹp, tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần tiếp tục phát huy; người người, nhà nhà tích cực hơn nữa nhân lên tinh thần yêu nước sắt đá vốn có ngàn năm.

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>