Hậu Giang có nhiều thời cơ và thuận lợi để phát triển

16/11/2021 | 08:39 GMT+7

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh biểu quyết thông qua định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (chuyên đề) mới đây đã thông qua định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Định hướng chiến lược này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần định hướng các chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong trung và dài hạn.

Phóng viên Báo Hậu Giang đã ghi nhận ý kiến phát biểu của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành tại hội nghị và trao đổi với một số đại biểu về tầm quan trọng, điểm mới, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới được nêu trong định hướng chiến lược.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: Đây là thời điểm để tỉnh cất cánh

- Theo Bí thư Tỉnh ủy, tỉnh hiện tại còn một số nút thắt, điểm nghẽn trong phát triển. Cụ thể là chi đầu tư cho phát triển rất thấp, danh mục chi dàn trải, chi cho các mục tiêu không sinh lời rất nhiều. Trong khi đó, nguồn kinh phí của tỉnh thấp, trông chờ vào sự điều tiết của Trung ương. Từ thực tế đó, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng muốn phát triển thì tỉnh phải tự tạo ra nguồn ngân sách. Do đó, tới đây, tỉnh sẽ khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tập trung chi đầu tư cho phát triển.

Bên cạnh nút thắt, điểm nghẽn, tỉnh cũng có nhiều thời cơ và thuận lợi để phát triển. Bí thư Tỉnh ủy phân tích, khu vực ĐBSCL đang được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm. Thể hiện qua việc các tuyến đường cao tốc đang được đầu tư rất mạnh mẽ vào khu vực này. Trong khi đó, sự dịch chuyển chuỗi sản xuất có xu hướng từ các nước đổ vào Việt Nam; ở trong nước thì có sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất từ các trung tâm, đô thị, thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… về các tỉnh, thành ĐBSCL. Như vậy, ĐBSCL vừa đón các tuyến đường cao tốc, vừa đón sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất nên đang có điều kiện phát triển tốt.

Vị trí của tỉnh Hậu Giang là trung tâm của Nam Sông Hậu nên sẽ được thừa hưởng những thuận lợi đó. Hiện tại, tỉnh có các điều kiện thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Đây là thời điểm để tỉnh cất cánh. Chính vì thế, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh phối hợp với đơn vị tư vấn để xây dựng định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, tỉnh đang lựa chọn tư vấn để xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch bài bản nhất, lần đầu tiên tỉnh xây dựng. Quy hoạch này sẽ đề ra chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong trung hạn và dài hạn của tỉnh trong giai đoạn tới.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, việc xây dựng định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là vô cùng quan trọng, căn cứ vào chiến lược này để điều chỉnh các chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy cho biết thêm, cùng với xây dựng định hướng chiến lược, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghị quyết về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025. Đây là nghị quyết cụ thể hóa định hướng chiến lược phát triển của tỉnh, đồng thời khẳng định chủ trương nhất quán của tỉnh là tập trung nguồn lực phát triển 4 trụ cột trọng tâm (công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch) để lan tỏa, tạo nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của tỉnh trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Ưu tiên phát triển lĩnh vực công nghiệp

- Trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra, tỉnh cần có những đột phá mới, giải pháp mới và cách nhìn mới. Điều này đã được thể hiện rõ trong định hướng chiến lược.

Chia sẻ về những nhận thức mới thể hiện trong định hướng chiến lược, ông Trương Cảnh Tuyên cho biết, tính từ thời gian năm 2020 trở về trước, tỉnh chỉ đề ra định hướng phát triển trong ngắn hạn, thực hiện quy hoạch trong 10 năm, kế hoạch của 5 năm và hàng năm để tổ chức triển khai thực hiện. Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra mục tiêu phát triển dài hạn đến năm 2045. Trên tinh thần đó, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo phải thay đổi nhận thức, cụ thể đưa ra một định hướng chiến lược trong trung hạn và dài hạn, đồng thời giao cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì xây dựng định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong định hướng chiến lược này, mục tiêu đề ra đảm bảo tính lâu dài, trước hết là trong 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Định hướng chiến lược là cơ sở hết sức quan trọng để tỉnh triển khai quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030.

Một điểm mới nữa trong định hướng chiến lược là xác định lại lĩnh vực cần ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới. Ông Trương Cảnh Tuyên thông tin, trong các nhiệm kỳ từ năm 2020 trở về trước, tỉnh ưu tiên xác định nông nghiệp là nền tảng mũi nhọn, đột phá, tuy nhiên qua đánh giá thực trạng nền kinh tế của Hậu Giang trong thời gian vừa qua thì có nhiều điểm bất cập. Chẳng hạn như quy mô nền kinh tế nhỏ, thu ngân sách không đáp ứng yêu cầu, không tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, dẫn tới tình trạng di dân rất lớn trên địa bàn tỉnh đi đến các tỉnh, thành khác. Trên cơ sở đó, trong định hướng chiến lược, tỉnh có xác định lại sẽ tập trung ưu tiên cho lĩnh vực công nghiệp và phát triển đô thị để từng bước khắc phục những hạn chế mà nền kinh tế của tỉnh đang gặp phải. Nếu lĩnh vực công nghiệp phát triển được thì quy mô nền kinh tế sẽ tăng nhanh và gia tăng thu ngân sách cũng như là giải quyết việc làm cho người lao động.

Ông Trương Cảnh Tuyên cho biết thêm, trên cơ sở định hướng chiến lược, tỉnh đang triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có Nghị quyết về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025. UBND tỉnh sẽ triển khai thực hiện bằng những kế hoạch hết sức cụ thể, chi tiết, trong đó đưa ra các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, đồng thời giao nhiệm vụ hết sức cụ thể cho từng sở, ngành, đảm bảo tổ chức thực hiện những công việc được giao trong các kế hoạch của UBND tỉnh sẽ ban hành thời gian tới.

Ông Lê Công Lý, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Một định hướng chiến lược phát triển lâu dài

- Trao đổi với phóng viên, ông Lê Công Lý cho biết, qua 17 năm thành lập, tỉnh mới xây dựng được một định hướng chiến lược phát triển lâu dài, có tầm nhìn trung và dài hạn, việc xây dựng định hướng chiến lược này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Định hướng chiến lược đã xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, những cơ hội, thách thức, đặc biệt là định vị được vị trí của tỉnh Hậu Giang đối với các tỉnh, thành trong khu vực và trong cả nước; đồng thời đề ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất (2021-2025) là giai đoạn xây dựng nền tảng cho phát triển, đặt ra mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%. Giai đoạn thứ hai (2026-2030) là giai đoạn tăng tốc phát triển, đặt mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn này là từ 8-10%. Giai đoạn thứ ba (2031-2050) là giai đoạn ổn định và phát triển bền vững, mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn này là 7%.

Theo ông Lý, để hiện thực hóa được định hướng chiến lược này, đòi hỏi tỉnh phải xác định những đột phá chiến lược nhằm huy động được nguồn lực thực hiện. Đặc biệt, tỉnh sẽ không đầu tư dàn trải mà tập trung đầu tư cho phát triển, tạo ra nguồn lực phát triển cho những năm tiếp theo. Cụ thể, vào đầu nhiệm kỳ, tỉnh tập trung bố trí nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng công nghiệp để đến hết nhiệm kỳ thu lại được thêm nguồn lực từ sự đầu tư này, sau đó tiếp tục đầu tư cho các lĩnh vực khác. Như vậy sẽ tạo điều kiện và cơ sở quan trọng để thực hiện thắng lợi định hướng chiến lược phát triển của tỉnh…

TRƯỜNG SƠN ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>