Giúp dân phát triển kinh tế

06/11/2017 | 07:45 GMT+7

Những năm qua, Đảng bộ xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, đã nỗ lực lãnh đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương. Nhờ đó, đời sống người dân đã và đang không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn cũng ngày một khởi sắc.

Ông Trần Văn Ấm với vườn chanh không hạt do chính ông ươm tạo.

Mười tháng đầu năm 2017, Đảng bộ xã Đông Thạnh hoàn thành 8/12 chỉ tiêu nghị quyết năm đề ra, trong đó, riêng chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp, về sản lượng và diện tích vượt khá cao; toàn xã hiện có vườn cây ăn trái lên đến 990ha. Đạt được kết quả trên chính là nhờ vào sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng ủy xã và nỗ lực, cố gắng của chính người dân Đông Thạnh.  

Là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Châu Thành, đến nay, thu nhập bình quân đầu người xã đạt gần 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.

Ông Trần Văn Mười, Bí thư Đảng ủy xã Đông Thạnh, cho biết: “Hiện nay, trong các chỉ tiêu nghị quyết đề ra thì chỉ tiêu phát triển kinh tế luôn được xã đặt lên hàng đầu, vì khi người dân có thu nhập ổn định, mức sống tăng sẽ kéo theo các nội dung khác nâng lên. Từ đầu năm đến nay, bên cạnh việc vận động bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp với quy hoạch thì việc đào tạo, giới thiệu việc làm cho người dân là một trong những nhiệm vụ được Đảng ủy xã rất quan tâm”.

Ngày nay, người dân Đông Thạnh đã hiểu biết hơn trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ chỗ canh tác lúa diện tích lớn thì nay giảm dần, thay vào đó kinh tế vườn phát triển khá mạnh. Hiện diện tích đất nông nghiệp với những loại cây trồng giá trị kinh tế cao ngày càng được mở rộng, trong hơn 990ha trồng cây ăn trái của xã chủ yếu là các loại cây chủ lực như chanh không hạt, cam sành, mít, nhãn…

Bên cạnh đó, trên địa bàn xã cũng thành lập nhiều hợp tác xã nông nghiệp với mục đích hỗ trợ thêm kỹ thuật cho người dân, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo liên kết đầu ra ổn định.

Nhanh nhạy trong việc nắm bắt kỹ thuật canh tác, từ một nông dân chân lấm tay bùn với hơn 5 công đất lúa, được xã tạo điều kiện cho đi học tập kỹ thuật trồng trọt, ông Trần Văn Ấm, ở ấp Phước Tiến, xã Đông Thạnh, đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trên sang canh tác chanh không hạt, rồi chuyển sang kinh doanh cây giống.

Với ông Ấm, hành trình hơn 15 năm gắn bó với cây chanh đã tạo ra thay đổi lớn đối với gia đình ông. Ông Ấm tâm sự: “Ngày xưa, vùng này nhà nào trồng lúa nhiều lắm cũng chỉ đạt 25 giạ/công, thu nhập rất bấp bênh. Tuy nhiên, từ khi xã tạo điều kiện cho nhiều nông dân được học tập kỹ thuật trồng trọt, chúng tôi đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, trong đó, nhờ cây chanh không hạt mà nhiều gia đình từ chỗ thiếu ăn đã vươn lên khá giả. Hiện nay, với mỗi cây chanh giống bán được giá từ 7.000-9.000 đồng đã giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định”.

Dù còn khá trẻ, nhưng anh Trần Quốc Thanh, ở ấp Phước Tiến, đã có thâm niên gắn bó nhiều năm với cây chanh không hạt. Anh Thanh cho biết, do được học từ các lớp kỹ thuật canh tác nên việc trồng và xử lý trái đối với loại cây trồng này đều nằm trong khả năng của nhiều nông dân trong ấp. Thu nhập từ cây chanh hiện cũng khá ổn so với loại cây trồng khác, tuy nhiên không vì vậy mà người dân Đông Thạnh không tìm tòi, học hỏi để phát triển các giống cây trồng mới.

Còn ông Nguyễn Long Hải, cán bộ nông nghiệp xã Đông Thạnh, chia sẻ: “Hiện nay, khi các địa phương khác mới bắt đầu trồng chanh không hạt thì nhiều người dân tại xã đã tìm đến những loại cây trồng khác cho thu nhập cao hơn, điển hình như nhãn Ido đang được nhiều gia đình trồng thử nghiệm và bước đầu có hiệu quả tích cực”. 

Dù đã đạt được những phát triển nhất định trên nhiều lĩnh vực, nhưng theo Đảng ủy xã Đông Thạnh thì do ảnh hưởng của thiên tai, giá cả nông sản không ổn định nên đời sống của người dân vẫn sẽ còn nhiều khó khăn. “Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp với quy hoạch của địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với các phương thức canh tác tiến bộ, tạo liên kết trong sản xuất hàng hóa để nâng cao chất lượng và phát triển kinh tế gia đình”, ông Trần Văn Mười cho biết thêm.

Tin rằng, với những cố gắng của đảng bộ, chính quyền xã Đông Thạnh và sự nhanh nhạy, nỗ lực của người dân, kinh tế của xã nhà sẽ ngày càng phát triển bền vững trong tương lai.

Theo Đảng ủy xã Đông Thạnh, từ đầu năm đến nay, toàn xã đã giới thiệu việc làm cho 288 lao động, đạt 121% chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, xã cũng mở được 1 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 25 học viên là lao động nông thôn. Toàn xã hiện còn 222 hộ nghèo (chiếm 9,97%); trong 10 tháng đầu năm, Đảng ủy xã đã vận động mạnh thường quân xây dựng được 2 căn nhà tình thương, hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa, với giá trị mỗi căn nhà trên 40 triệu đồng, qua đó giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.

 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>