Gắn lý luận với thực tiễn vào giảng dạy chính trị

24/07/2018 | 07:54 GMT+7

Đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy theo phương châm “Lý luận gắn liền với thực tiễn” luôn được Trường Chính trị tỉnh chú trọng thực hiện trong nhiều năm nay.

Cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh hàng năm đều phải tham gia hoạt động nghiên cứu thực tế.

Hàng năm Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên các phòng, khoa của trường. Trong đó, nhà trường đặc biệt chú trọng việc nâng cao kiến thức và năng lực thực tiễn cho đội ngũ giảng viên đứng lớp.

Hiện nay, đội ngũ giảng viên của trường đa số là giảng viên trẻ, năng động, nhiệt tình trong công tác, có kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy tốt. Tuy nhiên, đối với kiến thức thực tế, chuyên sâu về các ngành, lĩnh vực ở một số giảng viên trẻ còn hạn chế. Do đó, tính thuyết phục trong việc truyền đạt kiến thức của họ đến với học viên đôi lúc chưa cao, chưa tạo được sự hứng thú cho người học.

 Để khắc phục hạn chế đó, các khoa đều xây dựng kế hoạch và tổ chức cho lãnh đạo, giảng viên đi nghiên cứu thực tế cơ sở từ 10-15 ngày. Nhờ vậy đã giúp cho cán bộ, giảng viên từng khoa nắm thêm những vấn đề thực tiễn về kết quả hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; kinh nghiệm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; tham quan tìm hiểu các mô hình, điển hình, cách làm hay của địa phương…

Bà Dương Thị Hoàng Phúc, Phó trưởng Khoa Dân vận, cho biết: “Song song với hoạt động giảng dạy thì hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế là nhiệm vụ không thể thiếu của cán bộ, giảng viên. Bởi thông qua các hoạt động nghiên cứu thực tế sẽ giúp cho cán bộ, giảng viên có điều kiện nắm sát tình hình hoạt động ở cơ sở, vận dụng bổ sung những kiến thức thực tiễn phong phú vào bài giảng, làm tăng thêm tính thuyết phục của nội dung bài giảng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của học viên”.

Còn theo ông Nguyễn Hiệp Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, hàng năm trường đều triển khai kế hoạch cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế theo quy định của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Riêng năm 2018 này, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy, đổi mới hình thức nghiên cứu thực tế của giảng viên ngày càng thiết thực, hiệu quả, trường đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện để giảng viên đến nghiên cứu thực tế.

Mặt khác, nhà trường còn ban hành kế hoạch cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh thông qua việc tham dự các cuộc họp, hội nghị sơ kết, tổng kết có liên quan đến những nhiệm vụ chính trị mà trường đảm nhận và lĩnh vực chuyên môn của giảng viên.

Ngoài việc tổ chức cho cán bộ, giảng viên của khoa đi nghiên cứu thực tế theo kế hoạch thường niên của trường, đầu năm đến nay, Khoa Xây dựng Đảng đã cử nhiều lượt giảng viên trực tiếp đứng lớp đi nghiên cứu thực tế tại các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị, thành trong tỉnh bằng hình thức tham dự các cuộc họp, hội nghị cũng như các hoạt động do địa phương tổ chức; nghiên cứu các mô hình hay, cách làm sáng tạo của đơn vị, địa phương.

Ông Hoàng Phi Giàu, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, cho rằng: “Thông qua việc trực tiếp tham dự hội nghị sơ kết, tổng kết của các ngành, địa phương sẽ giúp cho giảng viên có thêm nguồn tư liệu thực tế, tạo sự phong phú, đa dạng cho bài giảng bên cạnh những kiến thức sẵn có về lý luận. Xác định tầm quan trọng của kiến thức thực tế trong bài giảng của giảng viên, nên nhà trường và lãnh đạo khoa luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các giảng viên có cơ hội đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở ngày càng nhiều hơn”.

Không thể phủ nhận hiệu quả thiết thực từ hoạt động nghiên cứu thực tế đối với công tác giảng dạy của đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh. Thế nhưng, hoạt động nghiên cứu thực tế thời gian qua của nhà trường vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, như giảng viên chưa thực sự chủ động cao trong hoạt động nghiên cứu thực tế, việc nghiên cứu chỉ tập trung chủ yếu vào việc thu thập số liệu, nghe báo cáo…

“Thời gian tới, Ban Giám hiệu trường tiếp tục nghiên cứu thực hiện các giải pháp giúp đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp nghiên cứu cho cán bộ, giảng viên; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát quá trình nghiên cứu thực tế, giúp giảng viên tự nâng cao nhận thức, chủ động bám sát cơ sở, hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu thực tế hàng năm. Qua đó có cơ sở vận dụng các kiến thức thực tiễn vào bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy”, ông Nguyễn Hiệp Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, thông tin.

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>