Đồng tình cao với quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ

16/11/2021 | 21:26 GMT+7

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Cán bộ, đảng viên trong tỉnh rất đồng tình với quy định này, họ cho rằng từ nay không còn chuyện cán bộ năng lực yếu kém nhưng vẫn khư khư giữ ghế.

Ông Phạm Văn Bi (đứng), Phó Bí thư Chi bộ ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, đánh giá Quy định số 41 sẽ góp phần xây dựng cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức.

Quy định số 41 của Bộ Chính trị một lần nữa cho thấy công tác cán bộ được Đảng hết sức coi trọng để xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh. Đáng chú ý, cả việc miễn nhiệm và từ chức được xử lý nhanh, trong vòng 10 ngày và không kéo dài quá 15 ngày.

Như vậy, sẽ không còn lý do để dây dưa, nhùng nhằng ảnh hưởng đến công việc chung. Quy định đó cũng chặn trước tất cả những tác động nào đó có thể làm tình hình trở nên phức tạp, cả với trường hợp miễn nhiệm lẫn từ chức.

Ông Hồ Chánh Tông, Bí thư Chi bộ ấp Long Lợi, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, cho rằng, Quy định số 41 hướng tới việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ, qua đó xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự có đức, có tài để gánh vác việc dân, việc nước. “Quy định số 41 nhằm tạo ra được những thay đổi nhận thức trong việc đánh giá cán bộ. Mục đích cuối cùng là tăng cường trách nhiệm cán bộ, để lựa chọn, rèn luyện cán bộ theo những yêu cầu về năng lực, phẩm chất đáp ứng với tình hình mới”, ông Tông nói.

Cũng theo ông Tông, với những cán bộ không có đủ năng lực, uy tín để đảm đương chức vụ thì nên tự giác xin rút khỏi vị trí đang đảm nhiệm, tránh trở thành “mắc xích” yếu làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Ông Phạm Văn Bi, Phó Bí thư Chi bộ ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, cũng đồng tình cao với Quy định số 41.

Theo ông Bi, để thực hiện tốt quy định này thì rất cần sự đánh giá trung thực của tập thể đối với năng lực, phẩm chất của cán bộ. Bởi lâu nay vẫn tồn tại tình trạng vì kiêng nể, sợ mất lòng nên cán bộ cấp dưới không dám nhận xét, phê bình trung thực, khách quan đối với cấp trên, do đó nhiều cán bộ dù năng lực kém, mức độ hoàn thành nhiệm vụ không cao nhưng vẫn được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm. “Tôi nghĩ các cán bộ không đủ năng lực, uy tín thì nên tự giác nhận ra và tự nguyện xin lui về. Chứ để bị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm chức vụ thì lúc đó mất danh dự, uy tín của bản thân”, ông Bi cho biết.

Cũng theo ông Bi, những cán bộ làm không được việc nhưng vẫn giữ những vị trí quan trọng trong cơ quan, đơn vị khiến cho nhiều cán bộ trẻ có trình độ, năng lực không thể phát huy. Đó là vấn đề bất cập trong việc bố trí, sử dụng cán bộ hiện nay. Cơ quan, đơn vị nào gặp phải tình trạng này thì kết quả thực hiện nhiệm vụ chắc chắn sẽ không như mong muốn. Do đó, ông hy vọng rằng Quy định số 41 sẽ dần từng bước tạo nên sự chuyển biến trong “văn hóa từ chức” với cán bộ khi mắc khuyết điểm. Từ đó, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có điều kiện thể hiện năng lực bản thân.

Quy định số 41 quy định rõ, việc xem xét miễn nhiệm cán bộ được căn cứ vào một trong các trường hợp sau: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao; bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm; có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác; bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm. Việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào một trong các trường hợp sau: Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; vì lý do chính đáng khác của cá nhân.

Việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực căn cứ vào một trong các trường hợp sau: Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng; người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức; cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Có thể nói, với Quy định số 41 và những quy định khác của Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chống chạy chức, chạy quyền thì sẽ không còn đất cho những cán bộ tha hóa, lợi dụng chức quyền gây bè kéo cánh để trục lợi. Việc miễn nhiệm, từ chức là bước phát triển mới để rèn luyện cán bộ, chấm dứt việc đợi đến hết nhiệm kỳ thì “hạ cánh an toàn”...

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>