Đối thoại - dân chủ - tiến bộ

10/08/2017 | 08:38 GMT+7

Bác Hồ từng nhắc nhở những người đại diện cho dân phải nhận thức đúng vị trí, trách nhiệm công bộc của mình trong thực hiện chức trách được dân ủy nhiệm, nếu không rất dễ rơi vào tình trạng “lạm quyền”, “đứng trên dân”, “ức hiếp dân”.

Anh Nguyễn Thanh Vinh (giữa) kể, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh rất gần gũi với dân.

Ở Hậu Giang, qua từng năm kiến thiết, sức dân được khai thác, trân trọng; lòng dân được củng cố, nhiều buổi tâm tình giữa cán bộ với dân diễn ra. Qua đó, chữ “tín” trong dân của người lãnh đạo được vun bồi thêm và chữ “trọng” của dân với cán bộ thêm được củng cố.

Lắng nghe tiếng lòng

Năm năm trước, khi Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh còn là Chủ tịch UBND tỉnh, lúc ấy (gần Tết Nguyên đán năm 2012), nghe bà con ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành thắc mắc chuyện bồi hoàn nên ông cùng mấy cán bộ tỉnh xuống ngồi nghe dân nói.

Yêu cầu của bà con là nâng giá bồi thường đất, hoa màu, hỗ trợ tái định cư… Sau đó, cán bộ thị trấn, huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch UBND tỉnh tâm tình với dân. Từng vấn đề được giải quyết với mốc thời gian rõ ràng.

Sau đó, ông Trần Công Chánh móc bóp lì xì tết cho bà con mình. Nghĩ mãi không ra, đây là một lần công cán hay là lần thăm dân khi tết đến xuân về?...

Liên tục gần đây, cấp ủy, chính quyền tỉnh, cấp huyện thường tổ chức các buổi đối thoại để nghe dân nói, giải quyết những gì dân bức xúc.

Ông Hậu, ở ấp Phú Bình, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, kể hôm gặp Bí thư Tỉnh ủy (cuối năm 2011 - PV) đề nghị nhiều thứ, trong đó có hệ thống đèn chiếu sáng ở quốc lộ đi qua địa bàn ấp luôn trong tình trạng hư hỏng. Sau buổi trao đổi ấy và sau ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy, một ngày sau, đêm về đèn đường lại sáng.

 Còn anh Nguyễn Thanh Vinh, ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, không ngớt lời khen khi hôm ấy ông Trần Công Chánh ăn nói tử tế, dễ hiểu. Vấn đề ông Vinh thắc mắc nhiều năm về tái định cư hộ phụ, khiếu nại cả chục lần được Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Câu chuyện đối thoại với hộ nghèo ở thị xã Ngã Bảy có lẽ nhiều người cũng biết. Chủ trương này được triển khai từ khoảng năm 2011 và được duy trì đến nay, mang lại nhiều kết quả nhân văn.

Từ đối thoại - nghe dân nói mà vợ chồng anh chị Nguyễn Văn An, Võ Kim Phượng, ở ấp Mang Cá, xã Đại Thành, thoát nghèo.

Hộ anh An không có ruộng đất, phải làm mướn quanh năm kiếm sống. Qua việc tổ chức lắng nghe… dân nói mà chính quyền địa phương biết hộ này thiếu vốn làm ăn nên tín chấp cho vay 20 triệu đồng để nuôi cá (trên đất của cha mẹ), và anh An trích một ít tiền mua xe máy đi làm mướn. Nhờ vợ chồng chịu khó mò ốc cho cá ăn để giảm chi phí, duy trì nghề vác cát mướn,… mà vài tháng sau anh chị có cuộc sống ổn định. Chị Phượng nói: “Sự hỗ trợ của chính quyền đã tạo cho gia đình tôi động lực ham làm ăn hơn, cộng với nỗ lực của vợ chồng nữa nên cuộc sống giờ khỏe rồi”. 

Nhiều lần đối thoại ở thị xã Ngã Bảy luôn kết thúc có hậu khi chính quyền quyết định hỗ trợ cho hộ này thẻ bảo hiểm y tế, hộ kia về nhà ở, hay vốn vay, nhà vệ sinh… Biện pháp giải quyết đa chiều đã giúp bà con thoát nghèo bền vững. Bà Bùi Thị Lệ Hoa, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã, nói từ chủ trương đối thoại mà hộ nghèo giảm nhanh hơn. “Bởi từ việc nghe dân nói mà địa phương có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ đúng nhu cầu của bà con mình”, bà Hoa cho biết.

Còn Huyện ủy Châu Thành cũng luôn chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm đi cơ sở để biết dân mình cần gì. Ông Nguyễn Văn Bảy, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, ngoài nhiệm vụ đại biểu dân cử phải tiếp xúc cử tri còn thường xuyên xuống xã, ấp nghe dân nói. Có trường hợp khiếu nại gay gắt, ông Bảy ngồi nghe dân nói tận đáy lòng rồi ông tâm sự lại, cho biết sẽ xử lý đến nơi đến chốn.

Ông Trương Tấn Thành, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đông Thạnh, bày tỏ chuyện đối thoại với dân của lãnh đạo huyện và xã này giờ không còn hình thức, hứa cho qua mà hứa là làm. “Điện, đường, trường, trạm ở xã hiện không còn bức xúc nữa; nội bộ dân tình không có tình trạng bằng mặt mà không bằng lòng, hầu hết đều đoàn kết”, ông Thành khẳng định.

“Dân yên ổn thì mình mới an tâm phục vụ và đã an dân rồi thì mình càng phải biết lo cho đời sống dân thêm tiến bộ”, ông Nguyễn Văn Bảy, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, đúc kết.

Dân chủ và tiến bộ

Rất nhiều người vẫn còn nhớ rõ dự án bờ kè kênh xáng Xà No triển khai trên địa bàn thành phố Vị Thanh những năm đầu sau thành lập tỉnh. Chủ trương này là một thách thức đối với ai chưa đồng tình kiến tạo diện mạo thành phố; và làm khó hàng trăm hộ dân vốn quen buôn bán cặp mé kênh từ rất lâu đời.

Thế rồi, các cấp, các ngành liên quan đã áp dụng phương pháp đối thoại với bà con để nắm rõ nguyện vọng. Bên cạnh đó là công tác vận động trong nội bộ Đảng, chính quyền và trong đoàn thể; tổ chức hàng trăm cuộc họp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con muốn gì, muốn như thế nào, dân chủ được phát huy tối đa, qua đó để chính quyền vận dụng sáng tạo, đầy đủ chủ trương, quy định, chính sách về bồi thường, hỗ trợ cho dân… Gút mắc được dần tháo gỡ, từ đây, những đoạn kè nối nhau thành hình.

Chuyện cũ nhắc lại để thấy rằng, một công trình lớn của Hậu Giang muốn thành hình đẹp đẽ đã phải dựa vào dân, vì lợi ích của dân, và tại đây, quyền làm chủ của dân được xem trọng (tất nhiên là phải chính đáng, hợp pháp).

Bài học này được các xã, phường ở thành phố Vị Thanh áp dụng triệt để. Nội dung dân biết, dân bàn, dân quyết định trong quy định về dân chủ được thực hiện công khai nhiều nơi, khá tốt vì các cấp, các ngành luôn tôn trọng dân. Sự tôn trọng ấy ở nhiều địa phương đã “hái được quả ngọt”.

Điều đó được chứng minh ở công trình mở rộng, nâng cấp đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường IV, thành phố Vị Thanh. Tuyến lộ này được bê tông hóa nhiều năm rồi, tuy nhiên, qua thời gian khai thác, với lại lượng phụ huynh, học sinh Trường Tiểu học Him Lam đi lại thường xuyên nên xuống cấp. Trong tình hình ngân sách hạn hẹp, chủ trương mở rộng, nâng cấp lộ này hoàn toàn không có kinh phí bồi thường nên là một khó khăn lớn (kinh phí xây dựng được mạnh thường quân ủng hộ).

Do tuyến lộ dài đến 1,5km, mở rộng ra mỗi bên 1m (3m thành 5m), vì vậy, tấc đất ở đây rất quý. Vậy là nhiều biện pháp tổng hợp được triển khai và dân chủ tiếp tục đi trước. Hộ ông Nguyễn Văn Trãi có đất mặt tiền ảnh hưởng bởi dự án này dài 43m, tương đương 84m2 đất phải giải tỏa, có hàng dừa 8 cây đang cho trái và là hộ chịu nhiều ảnh hưởng bởi dự án này. Lúc đầu, vợ ông đòi phải bồi thường, hỗ trợ, tuy nhiên nhờ sự vận động có tình lý của chính quyền, các con ông cũng động viên hiến đất, hy sinh hoa màu nên vợ ông chiều lòng... Bây giờ thì ai ở tuyến này cũng hối làm lộ cho nhanh.

Trong doanh nghiệp, tuy có nhiều ý kiến trái chiều về không hoặc chưa thực hiện tốt dân chủ, song ở Hậu Giang vẫn có các đơn vị được biết đến là chủ và công nhân như… người nhà.

Gặp ông Nguyễn Tấn Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nguyễn Minh VINA (xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp), đề nghị xem thỏa ước lao động tập thể, báo cáo thực hiện nội dung dân chủ và biên bản đối thoại định kỳ giữa Ban giám đốc với công đoàn và người lao động, ông đều cung cấp đủ.

Qua tìm hiểu, với số công nhân chính thức 25 người, quá trình lao động đều được công ty quan tâm chi trả, hỗ trợ các chính sách từ đủ tới dư. Ông Thành còn cho nhân viên mượn tiền mua xe máy sau đó trả dần; tặng tôn, vật liệu xây nhà đối với nhân viên có nhu cầu về nhà ở; ai dựng vợ, gả chồng, ông tặng quà cưới bằng vàng...

 Trong lần đối thoại, lắng nghe công nhân nói vừa rồi, ông Thành đã đồng ý kiến nghị của anh em đầu tư cẩu trục 5 tấn (700 triệu đồng) để thuận tiện hơn trong công việc. Ông Thành nói, công ty phát triển thì cũng muốn đời sống anh em tiến bộ hơn để làm việc lâu dài với mình nên phải tạo không khí dân chủ, cởi mở; làm như vậy cũng để anh em giữ và nhân rộng uy tín công ty hơn nữa.

Còn nhiều hình thức dân chủ, trong đó dân chủ nhìn từ hoạt động của cơ quan dân cử cũng có bước tiến đáng ghi nhận.

Mười mấy năm xây dựng và phát triển, nhờ áp dụng tốt các bài học gần dân mà quê hương Hậu Giang càng đổi thay. Nghe dân nói, nói với dân, giải quyết những gì chính đáng dân cần, cùng thấu hiểu tiếng lòng để đoàn kết xây dựng quê hương, đơn vị thêm tiến bộ đã khắc họa thêm nội dung dân chủ ở tỉnh thêm rõ nét. Và dân chủ ở Hậu Giang bao nhiêu đó không thể gọi là đủ nhưng nó là những gam màu sáng cho đời sống chính trị, kinh tế, xã hội tỉnh nhà. Thực hiện nghiêm, phát huy tốt dân chủ ở cơ sở đã tạo “hòa khí êm ấm”, tin tưởng giữa Đảng, chính quyền với dân; giữa chủ và công nhân… Từ đó, nhân đôi sức mạnh của dân tiếp tục tạo nên những tiến bộ rõ hơn về dân chủ, công bằng mà ai cũng phải thừa nhận.

“Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho rằng, khi người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tổ chức đối thoại với dân, thống nhất một quan điểm trả lời những vấn đề dân quan tâm thì người dân không cần đi đâu để hỏi thêm. Tính tích cực của nó là làm cho dân giảm băn khoăn, lo lắng về hiệu quả, hiệu lực hoạt động, phục vụ của bộ máy chính quyền”.

 

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>