Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng để đưa Hậu Giang phát triển vươn lên

19/01/2022 | 07:42 GMT+7

Đó là tinh thần mà lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã “truyền lửa” tại cuộc gặp gỡ với trưởng, phó phòng và tương đương cấp tỉnh được tổ chức mới đây. Trưởng, phó phòng và tương đương cấp tỉnh giữ vai trò tham mưu và trực tiếp triển khai thực hiện các nghị quyết, đề án, kế hoạch, chính sách phát triển của tỉnh, nên trong suy nghĩ và hành động của họ rất cần sự đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hậu Giang phát triển vươn lên trong giai đoạn mới.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi gặp gỡ.

Trong không khí cởi mở, cầu thị, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chân tình mời gọi các đại biểu hãy mạnh dạn phát biểu ý kiến, có thể phản ánh những khó khăn, vướng mắc mà bản thân hay đơn vị đang gặp phải, hay hiến kế, đóng góp cho những chính sách, định hướng phát triển của tỉnh.

Tâm huyết hiến kế

Chị Trịnh Thị Kim Linh, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh, rất vui khi được tham gia buổi gặp gỡ. Qua nghiên cứu Nghị quyết về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, chị cảm nhận được sự đổi mới, hành động và khát vọng vươn lên của tỉnh nhà.

Chị cũng đồng tình cao khi trong 4 trụ cột được nêu trong nghị quyết thì lĩnh vực công nghiệp được đưa lên đầu tiên, đây là định hướng đúng đắn vì một khi công nghiệp phát triển sẽ giúp giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

Kiến nghị với lãnh đạo tỉnh, chị Linh mong muốn tỉnh quan tâm tạo quỹ đất sạch để quy hoạch xây dựng các thiết chế công đoàn, nhà ở công nhân phục vụ cho đoàn viên, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp theo tinh thần Quyết định số 1729 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”.

Chị Linh cũng mong muốn lãnh đạo tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng khu đất tại công đoàn các khu công nghiệp tỉnh thuộc thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành (hiện nay còn 9 hộ chưa giao mặt bằng), bởi việc chậm giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng lớn đến dự án đầu tư các hạng mục phục vụ cho công nhân lao động tại khu công nghiệp những năm vừa qua.

Cũng liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch phát triển công nghiệp, ông Phạm Thanh Huy, Chánh Văn phòng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, cho rằng tỉnh cần huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư giải phóng mặt bằng, đặc biệt là cần tái thành lập lại Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp.

Còn anh Nguyễn Tấn Cường, Trưởng phòng Sản xuất chương trình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang, thì quan tâm đến vấn đề giữ chân người lao động. Theo anh Cường, nhiều doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp hiện gặp khó trong việc tuyển dụng lao động, nhưng nhiều lao động của tỉnh lại rời quê đi làm tại các tỉnh, thành khác. Để khắc phục tình trạng này, anh Cường cho rằng tỉnh cần tạo điều kiện về nhà ở cho công nhân và trường học cho học sinh để giữ chân người lao động…

Riêng ông Huỳnh Thanh Hiếu, Trưởng khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh, thì quan tâm đến lĩnh vực du lịch trong nghị quyết 4 trụ cột. Theo ông Hiếu, không nên để cho người dân tự phát làm du lịch, từ tỉnh đến cơ sở cần phối hợp khai thác du lịch nội tỉnh, khai thác du lịch tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, phát huy lợi thế của du lịch truyền thống, di tích, làng nghề gắn với phát triển đời sống tinh thần của người dân.

Ngoài nghị quyết về 4 trụ cột, các đại biểu còn quan tâm nêu nhiều ý kiến về công tác cán bộ. Anh Huỳnh Vũ Hiền, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Đó là từ khi chia tách tỉnh, không ít công chức, viên chức chưa được đào tạo và cần mất thời gian dài để đào tạo; do tinh giản biên chế. Mặt khác, một số cán bộ, công chức, viên chức chưa sử dụng tốt thời gian, giờ giấc làm việc, nên hiệu quả xử lý công việc chưa cao...

Do đó, anh Hiền cho rằng tỉnh cần thực hiện nghiêm túc, chất lượng công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức; có khen thưởng đột xuất đối với các cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, tỉnh cần tổng kết và chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao ý thức trách nhiệm, rèn luyện đạo đức, tác phong, xây dựng lề lối làm việc khoa học, hiệu quả; công khai, dân chủ, từ đó để ngày càng nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh…

Cũng liên quan đến công tác cán bộ, một số ý kiến mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, nhất là tạo điều kiện cho lãnh đạo cấp phòng của tỉnh luân chuyển về cơ sở để học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm và kiến thức từ thực tế; đồng thời kiến nghị các cấp, các ngành thực hiện nghiêm công tác đánh giá cán bộ hàng năm, tạo cơ sở xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; cần tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị…

Khát vọng, quyết tâm đưa tỉnh nhà bứt phá, vươn lên

Chăm chú lắng nghe và ghi chép đầy đủ ý kiến của đại biểu, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng các ý kiến đã thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm và tinh thần hiến kế cho sự phát triển của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh đã thẳng thắn trao đổi, giải thích, làm rõ đối với những vấn đề đại biểu đặt ra thuộc thẩm quyền.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp phải thực hiện phương châm 3 tại chỗ để duy trì sản xuất thì mới thấy rõ hạn chế về nơi ở của công nhân. Do đó, nghị quyết 4 trụ cột đã xác định phải xây dựng nhà ở cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp. Vấn đề này sẽ được tỉnh quan tâm thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng rất trăn trở đối với việc tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Do không có nhiều quỹ đất sạch nên việc kêu gọi đầu tư thời gian qua của tỉnh rất khó khăn, doanh nghiệp không dám vào đầu tư. Nhận thấy hạn chế này, tới đây, tỉnh sẽ tập trung nguồn vốn để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.

Về việc chậm giải phóng mặt bằng khu đất tại công đoàn các khu công nghiệp tỉnh thuộc thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành mà chị Trịnh Thị Kim Linh nêu ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, qua làm việc với huyện Châu Thành thì lãnh đạo địa phương này hứa sẽ đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng khu đất này thời gian tới.

Liên quan đến phát triển lĩnh vực du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết mục tiêu hướng tới là quảng bá, giới thiệu nét đẹp của vùng đất và con người Hậu Giang đến bạn bè trong và ngoài nước. Định hướng phát triển du lịch đã được nêu rõ trong nghị quyết 4 trụ cột, nếu triển khai thực hiện tốt sẽ giúp lĩnh vực du lịch của tỉnh khởi sắc hơn thời gian tới…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành cũng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết tại cuộc gặp gỡ. Chia sẻ làm rõ thêm về công tác cán bộ trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, tỉnh có nhiều nghị quyết, quy định, đề án về công tác này như: Nghị quyết phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quy định Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Đề án Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Đề án Thí điểm đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh Hậu Giang… Qua đó, sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trên địa bàn tỉnh có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, tỉnh đang có nhiều thời cơ và thuận lợi để phát triển. Bí thư Tỉnh ủy phân tích, khu vực ĐBSCL đang được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm. Thể hiện qua việc các tuyến đường cao tốc đang được đầu tư rất mạnh mẽ vào khu vực này. Trong khi đó, sự dịch chuyển chuỗi sản xuất có xu hướng từ các nước đổ vào Việt Nam; ở trong nước thì có sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất từ các trung tâm, đô thị, thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… về các tỉnh, thành ĐBSCL. Như vậy, ĐBSCL vừa đón các tuyến đường cao tốc, vừa đón sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất nên đang có điều kiện phát triển tốt.

Vị trí của tỉnh Hậu Giang là trung tâm của Nam sông Hậu nên sẽ được thừa hưởng những thuận lợi đó. Hiện tại, tỉnh có các điều kiện thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Đây là thời điểm để tỉnh cất cánh.

Dựa vào tiềm năng lợi thế hiện có và với một khát vọng, quyết tâm vươn lên mạnh mẽ, tỉnh đã đề ra nhiều chỉ tiêu phát triển đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Riêng năm 2022, đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế là 8%. Muốn thực hiện đạt chỉ tiêu này trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19 là chuyện không dễ, rất cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có trưởng, phó phòng và tương đương cấp tỉnh.

“Với tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng, tôi đề nghị các đồng chí trưởng, phó phòng và tương đương cấp tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao trách nhiệm, năng động, sáng tạo trên mỗi vị trí công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, góp phần xây dựng quê hương Hậu Giang đạt được mục tiêu vươn tầm phát triển trong giai đoạn mới”, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>