Dân vận - Chuyện không của riêng ai: Bài 4: Dân vận ở Hậu Giang được đúc kết thành sách

30/08/2020 | 10:36 GMT+7

Quyển sách “Trao đổi kinh nghiệm qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại: NGHE DÂN NÓI, NÓI VỚI DÂN” xuất bản vào tháng 10-2017 được cấp ủy, chính quyền các cấp và những người làm công tác dân vận trong tỉnh xem là vật “gối đầu giường”...

Ban Dân vận Thành ủy Vị Thanh đã tiếp thu, vận dụng những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quyển sách phù hợp với tình hình địa phương.

Quyển sách tập hợp các bài viết của các đồng chí lãnh đạo của Trung ương và tỉnh Hậu Giang, cán bộ hưu trí; bài viết tổng hợp của các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; các địa phương, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Với 3 phần, phần một: “Ý Đảng, lòng dân”, phần hai: “Sức mạnh từ lòng dân”, phần ba: “Dân vận khéo - việc gì cũng thành công”, quyển sách đã khái quát khá toàn diện những dấu ấn, kết quả nổi bật trong công tác dân vận của cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh, cũng như những giải pháp để thực hiện đạt kết quả đó. Cụ thể là những bài học kinh nghiệm, giải pháp trong tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân; giải pháp để xây dựng quê hương Hậu Giang “Đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động”; về nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội với Nhân dân; về hoạt động tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; việc giải quyết các vấn đề ngay từ cơ sở thông qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại…

Dân vận và hành động cụ thể phải song song

Lật giở từng trang của cuốn sách, bà Danh Thị Dạt, nguyên Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy Hậu Giang, khen cho các đơn vị, cá nhân đã dành thời gian, công sức, tâm huyết cho ra đời quyển sách này. Bà Dạt cho rằng quyển sách đã đánh giá toàn diện, sâu sắc những kết quả nổi bật, cũng như những mô hình mới, cách làm hay trong công tác dân vận của tỉnh. Đặc biệt là nhiều bài viết đi sâu phân tích, luận giải kết quả đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn đã qua, tạo cơ sở để vận dụng có hiệu quả thời gian tới.

Đọc nội dung trong quyển sách cùng những điều ghi nhận từ thực tế, bà Dạt đánh giá công tác dân vận của Hậu Giang ngày càng được triển khai có hiệu quả, rộng khắp giúp khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết trong Nhân dân; đồng thời giải quyết được những vấn đề còn mâu thuẫn, gút mắc, tạo nền tảng quan trọng, vững chắc để tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững trong hơn 16 năm qua.

Bà Dạt cũng thấy mừng vì đội ngũ những người làm công tác dân vận của tỉnh đang trẻ hóa, có trình độ và có nhiều cách làm đột phá, giúp công tác dân vận ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong việc tập hợp, quy tụ sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân để thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhiều cán bộ dân vận không ngại dấn thân vào những nơi khó khăn, thậm chí là nguy hiểm để vận động, thuyết phục, định hướng dư luận và người dân biết được những việc cần làm, không nên làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Với rất nhiều vấn đề bổ ích được phản ánh đầy đủ, sinh động trong quyển sách, bà Dạt cho rằng những người làm công tác dân vận của tỉnh cần “nằm lòng” và vận dụng có hiệu quả những điều ấy trong thực hiện nhiệm vụ ở giai đoạn hiện nay.

Bà Dạt mong muốn họ phải thật sự gần gũi, chịu khó lắng nghe để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Như vậy mới có thể vận động, thuyết phục được bà con chấp hành theo những chủ trương, nhiệm vụ chính trị và phong trào thi đua của địa phương. Đặc biệt là ở những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến giải phóng mặt bằng, di dời người dân ra khỏi những nơi được quy hoạch để triển khai các dự án.

“Nếu không hiểu được người dân đang nghĩ gì, muốn gì thì rất khó để thuyết phục, vận động được họ. Song song đó, cấp ủy, chính quyền các cấp phải chăm lo tốt hơn đời sống người dân từ vật chất đến tinh thần. Nếu chỉ vận động, thuyết phục mà không có hành động cụ thể để nâng cao mức sống người dân thì bà con sẽ không còn tin những điều mình nói”, bà Dạt nhấn mạnh.

Đọc bài viết “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số bài viết khác trong quyển sách, ông Trần Quang Minh, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Vị Thanh, cũng cho rằng, cán bộ làm công tác dân vận phải hội đủ các phẩm chất “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” thì mới có thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ.

Do đó, ông Minh luôn nhắc nhở những người làm công tác dân vận trên địa bàn thành phố phải thật sự gần gũi, biết lắng nghe, không được phép “ăn trên ngồi trước” người dân. Ông cũng căn dặn cán bộ phải hiểu rằng, công tác dân vận không chỉ họp dân để tuyên truyền, vận động; mà chỉ cần đi đám tiệc, ngồi uống cà phê cũng có thể tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè làm tốt một việc gì đó theo chủ trương, chính sách…

Quyển sách “Trao đổi kinh nghiệm qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại: NGHE DÂN NÓI, NÓI VỚI DÂN” đã trở thành vật “gối đầu giường” của cán bộ làm công tác dân vận trong tỉnh.

Dân vận phải kịp thời, đúng lúc, chặt chẽ và không được nói suông

Bà Nguyễn Thị Hồng Châu, Phó Ban Dân vận Huyện ủy Vị Thủy, cho biết, quyển sách không chỉ cung cấp cho những cán bộ làm công tác dân vận của tỉnh nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn bổ ích, mà còn giúp cho cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ hơn về vai trò, cách thức thực hiện công tác dân vận. Đặc biệt là tạo ra nhận thức “Dân vận là sự nghiệp chung, ai cũng có thể làm công tác dân vận”.

Dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn về thực hiện công tác dân vận chính quyền được thể hiện trong quyển sách, Ban Dân vận Huyện ủy Vị Thủy đã và đang tập trung tham mưu thực hiện tốt hơn nữa công tác này trên địa bàn. Theo đó, tham mưu cho Huyện ủy nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận, xem công tác dân vận là nhiệm vụ thường xuyên gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, không đùn đẩy hoặc né tránh yêu cầu, kiến nghị chính đáng của người dân.

Huyện cũng sẽ tổ chức lớp tập huấn về công tác dân vận chính quyền cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Qua đó giúp họ hiểu được rằng việc gặp gỡ, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính của người dân cũng là một hình thức trong công tác dân vận chính quyền, chứ không đơn thuần là một mệnh lệnh hành chính. Nếu cán bộ, công chức, viên chức nhận thức được việc này thì sẽ có tinh thần, thái độ phục vụ người dân được tốt hơn.

Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh nhận thức của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận đã được nâng lên, bà Châu cho rằng công tác tham mưu của các cơ quan dân vận cần chất lượng hơn nữa, đảm bảo các tiêu chí: kịp thời, đúng lúc, chặt chẽ và không được nói suông. “Do đó, hàng năm, Ban Dân vận Huyện ủy đã và sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền trong huyện. Trên cơ sở đó sẽ có báo cáo tham mưu để giúp Huyện ủy đánh giá toàn diện những mặt được và chưa được, từ đó đề ra những biện pháp chỉ đạo thực hiện đạt kết quả cao hơn thời gian tới”, bà Châu cho biết thêm.

Trong quyển sách cũng có một số bài viết nói đến tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo nhận thức và định hướng chung để thực hiện. Ông Trần Quang Minh, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, cho biết: “Dân vận và dân chủ là hai hoạt động song hành với nhau, nhưng theo tôi, dân chủ phải đi trước dân vận. Vì khi dân chủ được phát huy, người dân đã hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình thì mới có thể vận động, thuyết phục được họ tham gia góp sức thực hiện các phong trào, nhiệm vụ chính trị ở địa phương”.

Xuất phát từ nhận thức đó, Ban Dân vận Thành ủy Vị Thanh đã tham mưu cho Thành ủy chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, coi đây là động lực quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Giải pháp là nêu cao vai trò của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ này; phát huy quyền làm chủ thật sự trong công tác, đời sống, sinh hoạt, tránh tình trạng dân chủ hình thức cũng như lợi dụng dân chủ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, uốn nắn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở...

* * *

Không chỉ in sách, công tác dân vận ở Hậu Giang còn có những nét riêng, nổi bật trong “dòng chảy” chung của dân vận cả nước; được triển khai thực hiện có chiều sâu, trở thành sự nghiệp chung của cả hệ thống chính trị và người dân, là “chất keo” kết dính Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh thành một khối thống nhất. Đó chính là nền tảng để xây dựng nên tỉnh Hậu Giang từ nghèo khó đã bứt phá vươn lên mạnh mẽ trong những năm qua.

Tình hình mới đang mở ra cho tỉnh nhiều thời cơ cũng như thách thức, nhất là sự gia tăng chống phá của các thế lực thù địch đã có tác động đến tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên, người dân. Do đó, trách nhiệm của hệ thống dân vận trong tỉnh ngày càng nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và người dân trong tỉnh phải thấm nhuần và thực hiện tốt lời Bác dạy: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>