Dân thương bộ đội lắm !

27/04/2022 | 08:58 GMT+7

Trong câu chuyện đánh Mỹ - ngụy của mình, ông Năm Xuân (Trần Văn Xuân), ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, thường xuyên nhắc đến dân, nhấn mạnh dân luôn che chở bộ đội, vì vậy, sau khi nước nhà thống nhất, khi tiếp tục làm nhiệm vụ ở xã Lương Tâm lớn, ông luôn dặn lòng phải hết lòng với bà con.

Ông Năm Xuân kể lại một thời du kích anh hùng.

Sục sôi lòng căm thù giặc

Là du kích đánh giặc ở xã từ năm 18 tuổi (1963) đến tiếp thu, ông Năm kể đã tham gia rất nhiều trận lớn nhỏ, đánh lén có, đánh đối đầu có; nhiều lúc đói khát, khổ sở nhưng ý chí diệt thù thì không bao giờ phai nhạt. Ông nhớ nhất trận đánh ở đồn Ngang Mồ diệt được tên chỉ huy.

Hỏi đến trận này, ông nói để suy nghĩ cho chắc rồi cung cấp mới chính xác. Đó là vào tháng 8-1972, được Bí thư xã chỉ đạo tổ chức đánh tiêu hao sinh lực địch, ông cùng 5 đồng đội khác tổ chức áp sát đồn. “2 giờ sáng là tụi tui bí mật lần đến nhà dân gần đó và ém quân sát đồn, tui biết quy luật ra vô của chúng là cỡ 5-6 giờ sáng”, Năm Xuân nói.

Y như dự đoán, tên chỉ huy cùng lính tráng ra mé đồn nhưng tay thì luôn lăm le súng chứ không chủ quan. Thời khắc ra tay cũng đến khi tên lính vừa đến vị trí giao ước, ông nạt lớn: “xung phong”, rồi đồng loạt nổ súng, hạ sát ngay tên trưởng đồn và tên thượng sĩ, 1 tên bị thương.

Bị tấn công, địch phản đòn dữ dội, đơn vị ông 6 người, bị thương 2, trong đó Năm Xuân gãy xương đùi phải nằm điều trị ở Bệnh viện 121 (Cà Mau) đến 8 tháng.

Tưởng sau thương tích nặng ông sẽ… lui về, nhưng không, ông trở lại đơn vị khi vết thương vừa liền sẹo, tiếp tục chỉ huy và cầm súng chiến đấu.

Hỏi vì sao thì ông nói lòng căm thù giặc luôn có trong huyết quản, bởi trước đó cha cũng anh dũng cầm vũ khí giết giặc Pháp; ông thoát ly theo cách mạng năm 1963 cũng trốn nhà chứ gia đình không ai cho; và lòng căm thù càng sục sôi khi em của ông bị địch bắn giết, mổ bụng lấy mật…

Dân thương bộ đội lắm !

Làm du kích địa phương nhưng ông Năm kể cũng nhiều lần phải phối hợp với du kích các xã Vĩnh Viễn lớn và Xà Phiên đánh địch, bởi chiến trường 3 xã này luôn ác liệt, nhất là sau tổng tấn công năm 1968. Những năm ác liệt, Lương Tâm có đến 6 đồn địch đóng trên địa bàn xã, 2 đồn giáp ranh, riêng ấp 3 là không có đồn do dân và du kích rất quyết chí đẩy lùi chúng khi muốn về đây đồn trú.

Ông Xuân kể, có nhiều ngày hoặc đêm nong nước đánh giặc; nhịn đói cả ngày đánh trả hay trốn sự càn quét của quân thù là bình thường, khi ấy chỉ huy và bộ đội cùng cam chịu khổ sở: “Khốn khổ hơn là dân mình, địch càn là có chết chóc nhưng không vì vậy mà bỏ bộ đội, vẫn nuôi và che chở như ruột thịt; mỗi khi có lính tới là dân tìm cách cho bộ đội hay để ẩn trú an toàn. Dân thương bộ đội lắm!”.

Trong câu chuyện của mình ông còn nhắc đến người bạn đời ở hậu phương. Năm 1967, ông bà nên duyên vợ chồng, những năm sau đó, tuy ngày đêm đối mặt với đạn thù nhưng ông vẫn đau đáu lo sợ cho vợ con. Những gì lo lắng cũng đến khi địch bắt bà Năm tra tấn bắt phải khai chồng tham gia cách mạng; lúc này con thơ của ông phải ở với nội, vô cùng vất vả.

Năm Xuân kể: Dù địch có nhiều đòn tra tấn, nhưng vợ tôi không khai ra điều gì, cuối cùng chúng phải thả bà về trong niềm vui mừng của các con.

Du kích Trần Văn Xuân tham gia đánh trận cuối góp phần giải phóng hoàn toàn Cần Thơ - Hậu Giang, sau đó được tổ chức đưa đi học, dự tính sẽ bổ nhiệm ở vị trí cao hơn, công tác xa nhà, thì bà Năm khuyên nên ông ở lại phục vụ nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh xã nhà, rồi giữ các chức vụ Bí thư Xã đoàn, cán bộ thương binh - xã hội…

Ông được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huy chương, huân chương, danh hiệu cao quý; được địa phương xét cất tặng căn nhà tình thương khang trang năm 2003; các chế độ chính sách của thương binh được xã chi trả đầy đủ, đúng quy định.

Du kích Năm Xuân giờ gần 80 tuổi, những ngày trở gió, các vết thương trên người lại đau nhức, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Nhìn quê hương phát triển, cán bộ, đảng viên xã biết lo cho dân ông mừng; gửi gắm thêm, ông Năm mong muốn cán bộ mình phải gần gũi với dân hơn nữa, lãnh đạo kịp thời hơn trong tổ chức cuộc sống cho bà con thêm khá giả, đó cũng là cách thế hệ hôm nay trả công cho thế hệ cha anh đã không tiếc xương máu đổi lấy hòa bình, độc lập, tự do.

Bà Lâm Thị Tú Anh, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Lương Tâm, cho biết: Xã có hơn 100 hộ gia đình chính sách, so những năm 1990 là 400-500 hộ, tất cả đều có mức sống trung bình trở lên, được chăm lo đầy đủ, đúng các quy định về chế độ chính sách cả thường xuyên và đột xuất. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những chỉ đạo kịp thời về việc chăm lo cho gia đình thuộc diện chính sách để bà con luôn có cuộc sống vật chất, tinh thần thoải mái nhất.

Nhiều năm ngủ trong nhà mồ với vợ đã mất

Thương vợ có tấm lòng trung kiên với quê hương, thủy chung với chồng, hết lòng với gia đình, năm 2017, sau khi bà Năm mất và xây nhà mồ xong (khoảng 20 ngày), ông Năm Xuân dọn ra nhà mồ “ở chung” với bà Năm luôn từ đó, dù các con khuyên can mấy ông Năm cũng nhất quyết không nghe…

 

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>