Cần quyết tâm cao để hoàn thành mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã

07/03/2019 | 16:16 GMT+7

Thẩm tra Dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu rõ: Để thực hiện lộ trình theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt 50% cả tiêu chí về diện tích và dân số trong năm 2019, đòi hỏi phải có quyết tâm rất cao do sức ép về thời gian và khối lượng công việc cần giải quyết.

Chưa đạt 50% cả hai tiêu chí cần được sắp xếp hợp lý trong năm 2019

Theo Nghị quyết số 37-NQ/TƯ ngày 24-12-2018, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chia, tách đơn vị hành chính các cấp thời gian qua đã nảy sinh một số bất cập và hạn chế. Nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy mô quá nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, gây nhiều khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế-xã hội tầm vĩ mô cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; nguồn lực cho phát triển bị phân tán. Tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở địa phương tăng; ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của bộ máy, xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc tăng; đại đa số các đơn vị cấp huyện, cấp xã thu ngân sách tại địa phương không đủ cân đối chi thường xuyên, chủ yếu Trung ương phải hỗ trợ.

Từ đó, nghị quyết đưa ra mục tiêu sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với lộ trình cụ thể. Theo đó, đến năm 2019 phải cơ bản sắp xếp hợp lý các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Nghị quyết nêu rõ quan điểm chỉ đạo: Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vừa căn cứ theo các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số; đồng thời, phải chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý-tự nhiên, cộng đồng dân cư và yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, tiêu chuẩn của huyện nông thôn về dân số là tối thiểu 80.000 người ở miền núi, vùng cao và 120.000 người ở các khu vực còn lại; về diện tích tự nhiên là 850km2 trở lên ở miền núi, vùng cao và 450km2 trở lên ở các khu vực còn lại. Tiêu chuẩn của xã nông thôn về quy mô dân số là 5.000 người trở lên ở miền núi, vùng cao và 8.000 người trở lên ở khu vực còn lại; về diện tích tự nhiên là 50km2 trở lên ở miền núi, vùng cao và từ 30km2trở lên ở các khu vực còn lại.

Tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc cấp tỉnh về quy mô dân số là từ 150.000 người trở lên; diện tích tự nhiên là từ 150km2 trở lên. Tiêu chuẩn của thị xã là có từ 100.000 người trở lên và có diện tích tự nhiên từ 200km2 trở lên. Tiêu chuẩn của quận là có từ 150.000 người trở lên và có diện tích tự nhiên từ 35km2 trở lên. Tiêu chuẩn của phường là có diện tích tự nhiên từ 5,5km2 trở lên; dân số phường thuộc quận là từ 15.000 người trở lên, phường thuộc thành phố trực thuộc cấp tỉnh là từ 7.000 người trở lên, phường thuộc thị xã là từ 5.000 người trở lên. Tiêu chuẩn của thị trấn là có từ 8.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 14km2 trở lên.

Khối lượng công việc đồ sộ trong 9 tháng

Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, các cơ quan liên quan đang rất khẩn trương tiến hành các bước nhằm ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Hôm qua (6-3), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 16 để thẩm tra dự thảo nghị quyết này của UBTVQH.

Đại diện Bộ Xây dựng nêu ý kiến về những trường hợp đơn vị hành chính nông thôn sáp nhập vào đơn vị hành chính đô thị khiến đơn vị hành chính mới không đáp ứng được tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị (về tỷ trọng đơn vị trực thuộc là đơn vị hành chính đô thị, về trình độ phát triển kinh tế-xã hội…). Khi ấy, đơn vị hành chính mới là đơn vị hành chính nông thôn hay đơn vị hành chính đô thị? Đây cũng là băn khoăn được nêu ra của một số đại biểu đến từ các tỉnh miền núi, vùng cao.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức cho rằng, cần cân nhắc rất kỹ yếu tố đặc thù về truyền thống văn hóa, lịch sử của các đơn vị hành chính, bởi nước ta có lịch sử mấy nghìn năm, rất nhiều đơn vị hành chính có truyền thống thậm chí lên đến hàng nghìn năm. Đơn vị nào cũng nói mình có truyền thống để không sáp nhập thì khó thực hiện được nghị quyết.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý về vai trò của HĐND, sắp xếp, kiện toàn bộ máy và hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính sau sắp xếp, vấn đề bổ nhiệm cán bộ và tuyển dụng công chức, cơ chế chính sách với cán bộ sau sắp xếp…

Các đại biểu đều nhấn mạnh, từ giờ đến cuối năm 2019 chỉ còn 9 tháng. Trong khi đó, UBTVQH phải ra nghị quyết, Chính phủ phải hướng dẫn thực hiện, các tỉnh phải xây dựng đề án trình Chính phủ, Chính phủ xem xét các đề án rồi trình UBTVQH quyết định, số lượng các đơn vị hành chính cần sắp xếp lại cũng rất lớn. Do vậy, cần có quyết tâm rất cao mới có thể thực hiện được.

Phó bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh cho rằng, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính là một chủ trương rất lớn, có rất nhiều việc cần làm. Tại thời điểm này, các cấp cũng đang thực hiện chủ trương rất lớn khác là sắp xếp lại bộ máy các sở, ngành. Trong khi đó, đầu năm 2020 đã phải tiến hành các công việc chuẩn bị đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã. Một lúc triển khai hai chủ trương lớn với khối lượng công việc đồ sộ đòi hỏi phải có quyết tâm rất cao mới thực hiện được.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, bởi “tách ra thì rất dễ, nhưng nhập vào thì nảy sinh rất nhiều vấn đề”. Đây cũng là ý kiến của đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, để bảo đảm thực hiện đúng lộ trình như nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra, cần thực hiện giải pháp HĐND cấp tỉnh phải tiến hành các kỳ họp đột xuất, hoặc gửi phiếu xin ý kiến đại biểu HĐND với những trường hợp đã rõ ràng, đúng quy định.

Không phải ngẫu nhiên mà nghị quyết của Bộ Chính trị đưa ra lộ trình thực hiện đến năm 2019 cho việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chí về diện tích và dân số. Năm 2020 sẽ diễn ra đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025 và năm 2021 sẽ diễn ra đợt bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nếu hoàn thành chậm hơn mốc thời gian này, khi bước sang nhiệm kỳ mới, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính sẽ khó khăn hơn và có nhiều vấn đề nảy sinh cần giải quyết hơn, đặc biệt là việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, kiện toàn bộ máy tổ chức và giải quyết chế độ, chính sách thời kỳ "hậu sắp xếp". Bởi vậy, năm 2019 là "thời điểm vàng" để cơ bản hoàn thành việc sắp xếp. Các cơ quan hữu quan không còn thời gian để "đủng đỉnh", cần cả sự quyết tâm cao và tinh thần "xắn tay ngay vào việc".

Theo CHIẾN THẮNG/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>