Cán bộ phải đặt lợi ích của đất nước và dân tộc lên hàng đầu

14/05/2018 | 07:41 GMT+7

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) là Trung ương quan tâm thảo luận “Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Theo dõi hội nghị này, cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong tỉnh phấn khởi và tin tưởng sự quyết tâm của Trung ương sẽ tạo nên đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ đức, đủ tài để đảm đương tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ cũng có những chia sẻ chân tình về… hình mẫu cán bộ, đảng viên tiêu biểu.

Ông Nguyễn Văn Luông, Bí thư kiêm Trưởng ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy: Trước hết, cán bộ phải có tâm

- Qua theo dõi Hội nghị Trung ương 7 trên các phương tiện truyền thông, tôi rất phấn khởi khi Trung ương đã cho thấy quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ đức, đủ tài.

Bác Hồ từng dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi việc” nên một khi xây dựng được người cán bộ hội đủ yếu tố đức và tài sẽ là cái gốc vững chắc để kiến tạo, xây dựng đất nước thêm phát triển.

Theo tôi, quan trọng nhất là người cán bộ phải có tâm trong sáng. Cái tâm ở đây là mọi suy nghĩ, hành động đều hướng về lợi ích của đất nước và Nhân dân, không có tư tưởng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vun vén, làm giàu bất chính cho gia đình, dòng họ. Một cán bộ có tâm trong sáng sẽ hết lòng, hết sức phụng sự cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, còn khi tâm bất chính thì chỉ làm hại dân, hại nước.

Chính vì thế mà công tác cán bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Người dân mong muốn công tác cán bộ từ Trung ương đến cơ sở phải được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định để đảm bảo chọn được người cán bộ hội đủ cả 2 yếu tố đức và tài.

Ông Trịnh Bách Chiến, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu vực 4, phường IV, thành phố Vị Thanh: Rất phấn khởi !

- Theo dõi quá trình Trung ương thảo luận “Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, tôi tâm đắc nhất với chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Đây là chủ trương hay, phù hợp nhằm kiểm soát được quyền lực tốt hơn. Vì khi bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện đến nơi khác công tác thì không chịu sự chi phối các mối quan hệ gia đình, dòng tộc nên hạn chế tình trạng vun vén lợi ích bất chính cho người thân. Hơn nữa, lãnh đạo cấp ủy từ nơi khác đến thì bản thân vị lãnh đạo đó cũng thận trọng hơn trong ứng xử với Nhân dân.

Tôi mong muốn các cấp sẽ thực hiện quyết liệt chủ trương này, hướng tới mục tiêu xây dựng người đứng đầu cấp ủy thật sự gương mẫu, tận tụy phục vụ lợi ích cho dân, cho nước; và cũng hạn chế thấp nhất xảy ra tình trạng cán bộ lãnh đạo lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi tiêu cực.

Vấn đề tôi quan tâm nữa là tình trạng tham nhũng còn nhiều, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước. Điều mà người dân mong mỏi là Đảng ta phải mạnh tay hơn nữa với tham nhũng, xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm để răn đe.

Ông Nguyễn Văn Tám, ở khu vực 7, phường IV, thành phố Vị Thanh: Cán bộ phải ý thức được bổn phận, trách nhiệm của mình

- Đảng viên, cán bộ, công chức khi được Đảng, Nhà nước phân công nhiệm vụ dù quan trọng hay ít quan trọng đều phải thấy được công việc đó là rất vinh quang, đáng tự hào, phải nêu cao ý thức, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, thực hiện hết sức mình để hoàn thành một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Đồng thời, mỗi cán bộ lãnh đạo phải thấy được những hạn chế còn tồn tại của bản thân để sửa chữa, khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; phải thực sự cầu thị, luôn có ý thức vì nước vì dân.

Thiết nghĩ, mỗi cán bộ cần tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, trở thành người lãnh đạo biết nêu gương, là những chiến sĩ đi đầu trong việc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, xa hoa, lãng phí không chỉ trong xã hội mà cả trong gia đình riêng của mình.

Ông Lương Văn Trầu, ở ấp 4, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh: Cán bộ phải gần dân

- Thời chiến dù lắm khó khăn, vất vả, nguy hiểm cận kề nhưng nhiều cán bộ vẫn một lòng kiên trung, sẵn sàng dấn thân cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của Bác Hồ. Cũng vì vậy mà cán bộ, đảng viên luôn được người dân thương yêu, đùm bọc mỗi khi hoạn nạn.

Từ ngày đất nước độc lập đến nay, nhiều cán bộ đã tận tụy cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp tái thiết, xây dựng lại đất nước. Nhưng điều tôi thấy băn khoăn là một số cán bộ không vượt qua được cám dỗ của đồng tiền nên sa ngã, gây sứt mẻ niềm tin của dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Theo tôi, cán bộ tốt phải biết gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân, việc gì có lợi cho dân thì phải cố gắng làm, đừng vì lợi ích cá nhân mà đánh mất đi khí chất cách mạng. Để rồi khi sai phạm bị phát hiện sẽ bị dư luận lên án, lâm vào cảnh tù tội, lúc đó hối hận cũng đã muộn...

Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ

Về xây dựng đội ngũ cán bộ, Trung ương nhấn mạnh: Điểm nhấn của Nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền. Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ.

Cụ thể hóa để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp...

 

Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) thành công tốt đẹp

Sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Hội nghị đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết của Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045. Nhất trí ban hành Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương nhằm sớm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Và thống nhất ban hành Nghị quyết của Trung ương về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác...

 

TRƯỜNG SƠN lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>