Cán bộ, đảng viên không chỉ thượng tôn pháp luật, mà còn phải đi đầu đưa pháp luật đến với nhân dân

05/07/2018 | 14:38 GMT+7

Một “vùng trống” để kẻ xấu và các thế lực thù địch lợi dụng, kích động trong các vụ tụ tập, tuần hành, gây rối thời gian vừa qua chính là một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) chưa nêu cao trách nhiệm học tập, nghiên cứu, nắm vững pháp luật, nên công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chưa hiệu quả.

Thậm chí, một số người vì thế còn dẫn đến nói, viết không đúng pháp luật, vô hình trung “nối giáo” cho các thế lực thù địch. Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng coi nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của học tập, lười học tập pháp luật Nhà nước cũng là một biểu hiện suy thoái.

Những hiện tượng đáng tiếc

Khi Quốc hội chuẩn bị bàn thảo về dự án Luật An ninh mạng, vị viện trưởng một viện nghiên cứu đưa ra bài viết với nhiều ý kiến chủ quan, một chiều, thổi phồng những tác động tiêu cực của Luật An ninh mạng như làm giảm 1,7% tăng trưởng GDP, giảm 3,1% đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đáng tiếc nữa, bài viết này được nhiều người, trong đó có cả CB, ĐV chia sẻ, khi mà chính họ cũng chưa tìm hiểu sâu về dự thảo luật. Trước đó, chính vị viện trưởng này cũng từng có phát ngôn không đúng về hoạt động của lực lượng đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình", các quan điểm sai trái trong quân đội… nhưng một số người thiếu hiểu biết vẫn “hồn nhiên” chia sẻ thông tin.

Khi xảy ra sự cố tụ tập, biểu tình, TP Cần Thơ là một trong những địa phương rất sớm có tờ rơi, tài liệu tuyên truyền, định hướng nhân dân. Nhưng ở nhiều địa phương khác khá bị động, thậm chí một bộ phận CB, ĐV có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân còn chưa hề đọc, nghiên cứu hai dự thảo luật.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng. Ảnh minh họa: TTXVN.

Tại Bình Thuận, khi xảy ra sự cố, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong đã ra hiện trường vận động đám đông thì xảy ra hiện tượng hàng loạt thanh thiếu niên nhao nhao hỏi “đặc khu” là gì? Thực tế đó nói lên hiện tượng rất nhiều thanh niên, thiếu niên bị kích động đi biểu tình trong khi chưa hề hiểu, nắm được gì về hai dự án luật. Lỗ hổng tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thanh niên vẫn còn đó, trong khi không ít cán bộ Đoàn cũng chưa nắm vững, hiểu sâu luật, nói gì đến tìm phương thức tuyên truyền như thế nào cho hấp dẫn đối với thế hệ trẻ?

Lại có một số CB, ĐV vẫn tham gia “luận bàn thế sự” trên mạng xã hội, theo kiểu “thầy bói xem voi” thiếu trách nhiệm, vô hình trung tạo ra những luồng dư luận xã hội tiêu cực. Sau khi xảy ra việc tụ tập, gây rối, TP Hồ Chí Minh đã có cách làm hay là rút gọn, phô tô những nội dung cần thiết về dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Luật An ninh mạng gửi tới người dân ở từng tổ dân phố thì lại có nhiều người, trong đó có cả CB, ĐV “phán xét” trên mạng xã hội: Giờ là thời đại nào rồi còn phát tờ rơi? Họ đâu biết rằng với một bộ phận đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa hoặc những người già không sử dụng internet, điện thoại thông minh, thì tờ rơi vẫn là kênh truyền thông cần thiết.

Đó chỉ là những ví dụ đáng tiếc về hiện tượng một bộ phận CB, ĐV vừa thiếu trách nhiệm, lười học tập, nghiên cứu pháp luật, vừa thiếu trách nhiệm trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới nhân dân.

Một nguyên nhân dẫn đến “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”

Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã xác định một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của CB, ĐV hiện nay là “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” (biểu hiện thứ 3).

Phát biểu tại hội nghị truyền hình trực tuyến toàn quốc học tập các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII mới đây, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh vấn đề này và phân tích: Chính sai phạm ở việc lười học tập này dẫn đến một sai phạm khác được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng chỉ ra. Đó là biểu hiện thứ 6: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu…”. Ngoài ra, nó còn là nguyên nhân dẫn đến một trong 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ (biểu hiện thứ 3): “Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước…”.

Người “chở luật”

Nói chuyện tại Đại hội đại biểu nhân dân Hà Nội về thắng lợi của Kỳ họp lần thứ 11 Quốc hội khóa I (13-1-1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh vai trò của CB, ĐV phải “phổ biến Hiến pháp, pháp luật một cách kỹ lưỡng và rộng khắp trong nhân dân” và “gương mẫu trong việc thi hành Hiến pháp và các luật lệ”. Sau này, Người cũng khẳng định: CB, ĐV là “những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”.

Chúng ta nhận thức rõ rằng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là hết sức cần thiết nhưng để có Nhà nước pháp quyền thì trước hết mỗi người dân phải hiểu luật và thực thi đúng pháp luật. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội”; “Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội”. Những yêu cầu đó không tự nhiên mà có được. Pháp luật cần được đi vào cuộc sống thông qua các kênh rộng khắp, trong đó có vai trò CB, ĐV phải là những người đi đầu “chở luật”.

Cha ông ta có câu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” phần nào đã nói lên tinh thần ấy. Luật Cán bộ, công chức quy định cán bộ, công chức có nghĩa vụ phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam; chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước (Điều 8). Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định mỗi cán bộ, công chức đều có trách nhiệm “tích cực tìm hiểu, học tập pháp luật; tham gia các khóa học, lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về pháp luật; gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật; chủ động, tích cực kết hợp thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động chuyên môn, thực thi nhiệm vụ” (Điều 34).

CB, ĐV không chỉ gương mẫu trong học tập, nắm bắt, hiểu đúng và thực hiện đúng pháp luật mà còn phải đi đầu trong tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là đối với những đạo luật mới ra đời hoặc đang được triển khai xây dựng nhưng được dư luận xã hội quan tâm, còn nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh càng cần thiết vai trò CB, ĐV “giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Như đối với dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc hiện nay, công tác tuyên truyền, vận động phải hướng vào những vấn đề dư luận còn băn khoăn, thắc mắc; làm rõ, bác bỏ những vấn đề bị xuyên tạc; đồng thời kịp thời phản ánh những ý kiến góp ý của nhân dân để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật. Với Luật An ninh mạng, Chủ tịch nước đã ký quyết định ban hành nhưng vẫn còn không ít những luận điệu xuyên tạc, chống phá. Vì thế, phải tuyên truyền khẳng định các nội dung đúng đắn, bác bỏ thông tin sai trái. Hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân phải thiết thực, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt chú trọng tuyên truyền trên không gian mạng và tuyên truyền với thế hệ trẻ.

Không dừng lại ở đó, CB, ĐV phải là những chiến sĩ vững vàng nhất trên trận địa chính trị, tư tưởng và là một tuyên truyền viên pháp luật tích cực nhất. Không chỉ bản thân mỗi người gương mẫu trong chấp hành pháp luật mà phải tuyên truyền và vận động để gia đình, người thân cũng gương mẫu, vững vàng, không mắc mưu kẻ xấu. Phải thực hiện thật tốt hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện Quy định 102 của Bộ Chính trị về việc xử lý đảng viên vi phạm, trường hợp để con cái phạm tội thì phải chịu trách nhiệm liên đới. Đây là quy định giúp nâng cao vai trò của đảng viên trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, góp phần ngăn chặn tình trạng đảng viên bảo kê, làm ngơ, dung túng cho con cái, người thân trong gia đình vi phạm pháp luật.

Theo CÔNG MINH - NGUYÊN MINH/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>