Giữ gìn nghệ thuật dân tộc

05/12/2022 | 07:35 GMT+7

Nghệ nhân Danh Kỳ, ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, để lại cho người đối diện một cảm giác rất đặc biệt, từ việc dốc sức thắp truyền nghệ thuật hát Aday cho thế hệ trẻ ở địa phương và giản dị, chân tình trong cuộc sống đời thường, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với bà con hàng xóm.

Nghệ nhân Danh Kỳ trong tiết mục hát múa Aday đạt giải C tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng diễn ra tại Sóc Trăng vừa qua.

Thắp truyền tình yêu nghệ thuật dân tộc

Nét độc đáo trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer luôn gắn với ngôi chùa. Ở đó, bà con được thắp nhang kính Phật, cầu mong bình an, ca hát, nhảy múa cùng nhau vào những dịp lễ hội. Từ trẻ con đến người già, ai cũng biết múa Lâm Thôn, hát Dù Kê và những bài dân ca đơn giản, phản ánh nét đẹp trong đời sống hàng ngày. Nghệ nhân Danh Kỳ cũng không ngoại lệ. Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống tinh thần này đã gắn chặt với cuộc sống của ông và giờ, khi tuổi ngoài năm mươi, ông lại có thêm niềm hạnh phúc mới là được biết thêm về nghệ thuật hát Aday, loại hình nghệ thuật độc đáo của đồng bào mình, đã được Hậu Giang bảo tồn và phát huy trong những năm qua, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ nhỏ, nghệ nhân đã hát, múa được nhiều bài hát mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nên ít khi vắng mặt trong những dịp hội hè. Ông chia sẻ: “Người Khmer chúng tôi ai cũng biết múa, hát. Tôi cũng vậy, nhưng mình rất thích nên tìm hiểu nhiều, biết thêm nhiều điệu, ngoài Lâm Thôn, Dù Kê, Dì Kê, Rom Vong. Những năm gần đây, nhờ có các nghệ nhân ở Bạc Liêu đến truyền nghề, tập luyện các chương trình nghệ thuật để đi thi, tôi được biết thêm Aday nữa. Tôi thấy hay lắm và quyết tâm học thật kỹ, để có thể chỉ lại con em đồng bào mình, để cùng hát, cùng múa”.

Ông giờ là thành viên tích cực trong câu lạc bộ Aday ở ấp 4, tham gia sinh hoạt định kỳ hàng tháng và chỉ dạy cho các thanh niên trong xóm. Mong muốn được góp chút sức để giữ lửa, thắp truyền tình yêu nghệ thuật dân tộc cho đồng bào. Mới đây, ông có thêm niềm vui, khi tiết mục Aday có sự góp mặt của ông đã đạt giải C tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII, tại Sóc Trăng vừa qua.

Sống hết mình, hết lòng

Nghệ nhân Danh Kỳ có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc với 3 cô con gái ngoan ngoãn, trong đó có 2 cô đã học hết đại học. Ông chia sẻ, nhà mình nghèo, được Nhà nước hỗ trợ nên học không tốn tiền, mà các con ông học cũng giỏi nên ráng sức lo. Giờ, các con đã yên ổn, có việc làm, ông cảm thấy vui và tự hào vì công sức bỏ ra với bao khó khăn vất vả trong suốt một hành trình dài.

Các con trưởng thành, ông càng có thêm nhiều thời gian theo đuổi niềm đam mê ca hát của mình. Nhưng không vì thế mà ông không vun vén, cố gắng cho cuộc sống đủ đầy hơn. Ngoài thời gian làm mấy công ruộng của gia đình, ông còn tranh thủ chạy xe ôm để kiếm thu nhập. Dù dãi nắng, dầm mưa, dù có khi nửa đêm phải thức dậy khi người dân gọi nhưng đây là niềm vui của ông khi còn sức lao động. Bà Thị Huôl, vợ ông tiếp lời: “Chạy chớ chắc đủ tiền xăng thôi cô ơi. Ổng đi chở giùm người ta nhiều lắm. Khi họ bệnh, mà còn nghèo nữa, ổng chở giùm hoài. Có khi người ta ra viện, kêu ổng qua tận thành phố Vị Thanh rước, thấy họ nghèo, ổng giúp chở về hổng có lấy tiền. Thấy chồng mình cực, nhưng làm việc thiện, tôi ưng bụng, ráng làm hết chuyện nhà, để ổng an tâm đi hát, đi chạy xe”.

Cuộc sống vẫn còn đó những loa toan cơm, áo, gạo, tiền, nhưng với cách suy nghĩ phóng khoáng của người nghệ sĩ, ông rất thoải mái, vui vẻ, tìm được niềm hạnh phúc từ mái ấm hạnh phúc, con cái chăm ngoan. Quan trọng hơn, niềm đam mê của ông đã được gia đình ủng hộ, nên có thời gian để đi hát, đi truyền nghề và sinh hoạt cộng đồng ở địa phương. Ở đó, ông được gặp gỡ những người có cùng sở thích, được tiếp thêm lửa để phát huy sở trường, sở đoản và được tạo điều kiện để cùng góp sức, chung tay giữ gìn và phát huy nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Niềm vui còn được nhân lên, khi trong chính gia đình, người thân của ông cũng tham gia vào Câu lạc bộ Aday của địa phương, để cùng sinh hoạt, cùng thắp lửa giữ gìn nét văn hóa truyền thống của đồng bào...

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>