Trí thông minh nhân tạo đang khởi đầu cuộc chạy đua vũ trang mới

02/07/2018 | 17:21 GMT+7

Được coi là xu hướng phát triển mới của khoa học quân sự thế giới, trí thông minh nhân tạo (AI) ngày càng đóng vai trò quan trọng. Cuộc đua tích hợp AI vào vũ khí, trang bị của các siêu cường quân sự đang gián tiếp tạo ra cuộc chạy đua vũ trang kiểu mới trên thế giới.

Mỹ: Rẻ hơn, đơn giản hơn, nhưng hiệu quả hơn

Một trong những điểm nhấn rõ ràng trong việc tích hợp AI vào trang bị quân sự chính là việc Cơ quan phụ trách Các dự án tương lai (DAPRA) thuộc Lầu Năm góc đã chuyển giao phương tiện không người lái hải quân Sea Hunter cho hải quân. Nó sẽ tiếp tục được hoàn thiện và được tiếp nhận chính thức trong năm 2018. Điểm mạnh của Sea Hunter là khả năng hoạt động độc lập và linh hoạt nhờ AI.

Quân đội Mỹ đang tích cực áp dụng công nghệ AI để tăng cường và mở rộng khả năng chiến đấu của phương tiện và trang bị quân sự. Ảnh: DAPRA.

Chính nhờ AI, Sea Hunter không cần mang vũ khí để chiến đấu, mà hoạt động như một đơn vị trinh sát giúp phát hiện và chỉ thị các mục tiêu trên biển và khi cần nó có thể hoạt động như một tàu tiếp vận không người lái. Do không phụ thuộc nhiều vào trung tâm chỉ huy và khả năng tự động hóa AI, Sea Hunter với trọng tải 145 tấn có thể hoạt động liên tục trên biển trong vòng 3 tháng và chịu được điều kiện bão biển cấp 7. Đây có thể coi là một bước tiến cách mạng mới trong trang bị của Hải quân Mỹ. Với các nâng cấp trong tương lai, Sea Hunter sẽ là thành phần quan trọng trong chiến lược bầy sói trên biển của Hải quân Mỹ với sự phối hợp giữa các thiết bị không người lái với máy bay tuần thám hải quân P-8 Poseidon, UAV MQ-4C Triton.

Theo chuyên gia Fred Kennedy thuộc DAPRA, Sea Hunter là một trong bước tiên phong của Hải quân Mỹ trong quá trình chuyển đổi từ các nền tảng đắt tiền, đa năng, hỏa lực mạnh sang nền tảng đơn giản, chi phí thấp, hiệu năng vừa phải, nhưng khi hiệu quả của hoạt động của cả hệ thống lại được nâng lên nhờ AI và các công nghệ hỗ trợ đi kèm. Hải quân Mỹ đang tính toán khả năng sẽ bắt đầu triển khai các hạm đội chiến hạm không người lái phức hợp đầu tiên tại Thái Bình Dương và vùng Vịnh từ năm 2021.

Không chỉ có Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đang tích cực nghiên cứu và áp dụng AI lên vũ khí và trang bị quân sự và điều này đang thách thức ưu thế quân sự của Mỹ trên thế giới.

Nga: AI trên vũ khí cấp chiến lược

Một trong những chủ đề nóng nhận được sự quan tâm của giới chuyên gia quân sự thời gian qua chính là chương trình phát triển thiết bị lặn không người lái tuyệt mật Status-6 của Nga. Với khả năng lặn xuyên đại dương và mang theo đầu đạn nhiệt hạch 100 Megatone, Status-6 hoàn toàn có khả năng hủy diệt bất kỳ mục tiêu nào mà nó nhắm tới. Ngoài ra, Status-6 còn đánh dấu việc Nga đang đa dạng hóa kho vũ khí chiến lược của mình với các loại vũ khí mới tích hợp AI bên cạnh bộ ba hạt nhân truyền thống.

Phương tiện lặn Status-6 của Nga được cho là áp dụng công nghệ AI. Ảnh: Warfare.ru

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, AI đang là hướng phát triển quân sự đúng đắn của Nga để khỏa lấp sự thua kém về ngân sách quốc phòng hằng năm với Mỹ (Quân đội Nga chỉ có ngân sách khoảng 46 tỷ USD/năm, trong khi đó Mỹ là hơn 600 tỷ USD). Ý tưởng này cũng được giới chức Nga nhiều lần nhấn mạnh, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“AI không chỉ là tương lai của nước Nga, mà còn là tương lai của nhân loại. Ai sớm làm chủ được công nghệ này sẽ là người lãnh đạo thế giới”, Tổng thống Nga tuyên bố.

Theo lời ông Vladimir Putin, Nga sẽ tập trung phát triển AI, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự để bảo vệ lợi ích của nước Nga trên toàn thế giới.

Trung Quốc: AI hỗ trợ quyết định của con người

Không nằm ngoài cuộc đua phát triển AI trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc nhiều năm trở lại đây cũng rất tích cực đầu tư trong lĩnh vực này và đạt được nhiều thành quả đáng chú ý.

Trung Quốc mới đây đã giới thiệu tàu cao tốc không người lái Huster-68 có khả năng tích hợp đa nền tảng chiến đấu và được hỗ trợ điều khiển bằng AI. Giới chức quân sự Trung Quốc đánh giá, Huster-68 với trang bị hỏa lực đa dạng sẽ là thành phần chính bảo vệ quyền lợi trên biển của nước này trong tương lai.

Trung Quốc hiện cũng không chậm chân trong cuộc đua phát triển AI trong quân sự với hàng loạt chương trình phát triển. Trong ảnh: Xuồng cao tốc không người lái Huster-68. Ảnh: Defensenews.

Bên cạnh Huster-68, Trung Quốc cũng vừa giới thiệu phương tiện không người lái hải quân có tốc độ nhanh nhất thế giới Tianxing-1. Phương tiện hải quân có vận tốc tối đa tới 92,6km/giờ này, có chế độ hoạt động tự động hóa hoàn toàn với hỏa lực súng máy 12,7mm và hệ thống ổn định quang học để tấn công chính xác mục tiêu ở khoảng cách 1.500m.

Ngoài ra, nhiều nguồn tin cho biết, Trung Quốc cũng đang thử nghiệm thích hợp AI lên hệ thống điều khiển tàu ngầm chiến lược. Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc đánh giá, AI sẽ giúp Trung Quốc bắt kịp các siêu cường trong cuộc đua phát triển vũ khí công nghệ cao, cũng như nhiều lĩnh vực vũ khí chiến lược mũi nhọn khác.

Điểm đặc biệt của AI Trung Quốc tích hợp lên tàu ngầm chiến lược là nó chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho kíp điều khiển đưa ra quyết định, chứ không phải là tự động hóa hoàn toàn.

Đánh giá về xu hướng phát triển AI trong lĩnh vực quân sự toàn cầu, giới chuyên gia quân sự chung đánh giá, các siêu cường đều đã hiểu rõ những lợi thế rõ ràng do AI mang lại. Điều này dẫn tới việc cuộc đua phát triển và tích hợp AI quân sự trong vài năm trở lại đây và đang có nguy cơ biến thành cuộc chạy đua vũ trang mới.

Tuy nhiên, có một mối nguy cơ rõ ràng khi AI được tích hợp sâu vào vũ khí và trang bị quân sự là máy móc đưa ra quyết định dựa trên thông tin và số liệu. Chúng đưa ra quyết định không dựa trên cảm tính và nhân đạo nên rất nhanh chóng và dứt khoát. Yếu tố này có thể được các siêu cường sử dụng để duy trì sức răn đe với nhau. Tuy nhiên, máy móc vẫn là máy móc. Chúng vẫn có thể nhận định tình huống sai lầm do sai số về thuật toán và số liệu đầu vào. Nếu xảy ra thì đó là…thảm họa!

Theo TUẤN SƠN (tổng hợp)/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>