Tên lửa phóng từ hầm cố định- vũ khí không thể từ bỏ của Nga

25/07/2018 | 14:27 GMT+7

Phương tiện tấn công chủ lực của Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga trong suốt hơn 40 năm qua là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM ) hạng nặng R-36M Voevoda (NATO định danh là SS-18 Satan). Ẩn mình trong các hầm ngầm kiên cố, những ICBM 200 này là nguyên nhân chính dẫn đến “cơn đau đầu” của các chuyên gia phòng thủ tên lửa Mỹ.

“Người khổng lồ” dưới lòng đất

Trước những năm 1960, vũ khí tên lửa chiến lược ở Liên Xô được triển khai tại các tổ hợp phóng lộ thiên, không được che chắn. Nhưng cùng với sự phát triển của các hệ thống trinh sát và quan sát, tên lửa và tất cả các thiết bị công nghệ kèm theo đều bị "chôn vùi " trong lòng đất. Các hầm phóng đầu tiên được thiết kế để lưu trữ tên lửa R-12U và R-14U trong một thời gian dài.

Hầm phóng tên lửa là một giếng khoang có độ sâu 30 m và đường kính khoảng 6 m. Ở phía dưới đáy hầm, các nhà phát triển đặt một bệ phóng, các cấu trúc chịu lực và hệ thống thông gió giúp duy trì nhiệt độ và độ ẩm ở mức ổn định. Bao phủ phía trên miệng hầm là một nắp bê tông, hay còn được gọi là thiết bị bảo vệ. Trong hầm phóng này, các tên lửa được lưu trữ trong nhiều năm và luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Với mỗi loại tên lửa mới, các hầm phóng được nâng cấp và hoàn thiện hơn. Ví dụ, hầm phóng dành cho các tên lửa đạn đạo UR-100 đã được thiết kế hiện đại hơn khi có nắp mở nhanh (trước khi phóng tên lửa, nắp hầm phóng có trọng lượng hơn 100 tấn được tự động mở ra trong 30 giây). Các tên lửa được cung cấp nhiên liệu tại nhà máy và "đóng gói" vào các thùng vận chuyển-phóng đặc biệt, sau đó cho vào hầm phóng. Và tên lửa sẽ ở trong hầm phóng cho đến khi “nghỉ hưu”.

Hình ảnh một hầm phóng tên lửa của Nga. Nguồn: TASS

“Két sắt” không thể xuyên thủng

Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga có khả năng phóng cùng lúc hàng chục tên lửa R-36M. Mỗi loại tên lửa này được trang bị 10 đầu đạn chiến đấu với hệ thống dẫn đường đến mục tiêu độc lập và có thể “gửi” đến khu vực của đối phương một lượng thuốc nổ có công suất 5-8 megaton. Ngoài các đầu đạn hạt nhân thật, tên lửa Satan còn mang nhiều đầu đạn hạng nặng và hạng nhẹ giả để đánh lừa hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương khi bay gần đến mục tiêu.

Hầm phóng tên lửa R-36M là một công trình phức tạp. Lần đầu tiên trên thế giới, phương pháp phóng lạnh được sử dụng. Một máy phát khí nhiên liệu rắn tạo ra áp lực gia tăng ở phần dưới của hầm và đẩy quả tên lửa 200 tấn lên độ cao khoảng 20 m. Sau đó, động cơ của giai đoạn đầu tiên mới được khởi động và tên lửa chuyển sang trạng thái chiến đấu.

Theo cựu chiến binh của Lực lượng tên lửa chiến lược, Tiến sĩ khoa học kỹ thuật Petr Belov, ICBM hạng nặng R-36M được coi là mối nguy hiểm nhất đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vì không thể tiêu diệt loại tên lửa được bố trí trong các hầm phóng này. Ông Petr Belov cho biết: "Để phá hủy các hầm phóng đòi hỏi một lực tác động cực kỳ mạnh. Hầm của chúng tôi được thiết kế chịu áp lực lên đến 100 át mốt phe (áp suất khí quyển). Trong khi đó, các cửa kính của tòa nhà bị vỡ vụn ở mức 0,05 át mốt phe, còn tòa nhà bị phá hủy ở 0,2 át mốt phe. Ngoài ra, khi nắp bảo vệ của hầm phóng bị phủ lớp đất dày. Các thiết bị thổi đặc biệt sẽ quét sạch mọi thứ xuất hiện trên nắp hầm phóng".

Các hầm phóng tên lửa thường được khoan sâu trên nền đất chắc chắn. Bên trong hầm phóng hình trụ này, thùng vận chuyển- phóng với thiết bị chiến đấu và hệ thống điều khiển được bố trí theo kiểu theo con lắc đồng hồ. Điều này được thực hiện để đảm bảo rằng ngay cả trong trường hợp hầm phóng bị biến dạng, tên lửa cũng không bị hư hại và có thể bay ra ngoài mà không có trở ngại.

Hiện nay, các đối thủ tiềm năng của Nga đều nắm rõ thông tin về những vị trí đặt hầm phóng cố định. Tuy nhiên, phá hủy hầm phóng bằng một đầu đạn hạt nhân duy nhất không phải là việc dễ dàng. Đồng thời, dùng nhiều đầu đạn “chĩa mùi dùi” vào 1 hầm phóng là một việc làm vô nghĩa. Bởi vì, trong mọi trường hợp, chúng sẽ không thể tiếp cận mục tiêu cùng một lúc và khi đầu đạn đầu tiên nổ, các đầu đạn bay sau sẽ bị phá hủy.

Còn nếu tên lửa hành trình thông thường được sử dụng thì tốc độ của chúng quá chậm để có thể bay đến các hầm phóng ở trung tâm của nước Nga. Ngoài ra, hầu hết các tên lửa hành trình sẽ bị tiêu diệt bởi các hệ thống phòng không hoặc máy bay đánh chặn. Ngay cả khi có một số tên lửa vượt qua được hệ thống phòng không, vẫn cần phải đến 10 tên lửa mới có thể phá hủy 1 nắp hầm phóng.

Công tác chuẩn bị phóng tên lửa Voevoda. Nguồn: RIA.

Không có lựa chọn thay thế

Sau khi ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START), Nga đã phá hủy hàng trăm hầm phóng có chứa tên lửa hạng nặng. Chúng bị đổ ngập nước, đổ bê tông và chính các tên lửa trong hầm phóng đã bị xử lý. Hiện nay, Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga có khoảng 50 tên lửa R-36M và vài chục chiếc UR-100. Ngoài ra, trong kho vũ khí của Moscow còn có các tên lửa hạng nhẹ cải tiến phóng từ hầm Topol-M. Trong những năm gần đây, Lực lượng tên lửa chiến lược cũng đã tập trung phát triển các tổ hợp tên lửa mặt đất di động như Yars. Phía Nga tin rằng, việc di chuyển liên tục sẽ đem lại khả năng sống sót cao. Tuy nhiên, hệ thống tên lửa di động có thể bị phá hủy bởi các nhóm biệt kích sử dụng súng phóng lựu.

Do đó, Nga không có ý định từ bỏ hoàn toàn các loại tên lửa phóng từ hầm phóng cố định. Trong những năm tới, tên lửa hạng nặng thế hệ mới RS-28 Sarmat sẽ bước vào trực chiến để thay thế cho “người tiền nhiệm” Voevoda. RS-28 Sarmat có tầm bay hơn 11.000 km và có thể mang theo 10-15 đầu đạn với công suất lên đến 750 kiloton/đầu đạn. Hầm phóng của loại tên lửa mới này sẽ được bảo vệ ở mức tối đa. Để phá hủy hoàn toàn một hầm phóng như vậy, cần hơn 7 cuộc tấn công hạt nhân có độ chính xác cao./.

Theo THUỲ LINH (Theo RIA)/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>