Triển vọng bưởi da xanh

21/11/2022 | 20:04 GMT+7

Những năm qua, bưởi da xanh được xem là một trong các loại trái cây đem lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng ĐBSCL, nhờ được tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc. Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép xuất khẩu trái bưởi tươi vào thị trường nước này đã mở ra nhiều triển vọng cho bưởi da xanh vươn xa hơn trong thời gian tới.

Nhà vườn trồng bưởi da xanh ở huyện Long Mỹ an tâm về đầu ra khi liên kết với doanh nghiệp. Ảnh: H.THU

Khẳng định chỗ đứng trên thị trường

Ở vùng ĐBSCL thì Bến Tre là địa phương có diện tích trồng bưởi da xanh nhiều nhất với khoảng 9.000ha, tập trung ở các huyện Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, thành phố Bến Tre…, đây cũng là cây trồng chủ lực của tỉnh. Chị Đặng Thị Phương Ánh, ở xã Quới Sơn, huyện Châu Thành (Bến Tre), bộc bạch: “Sống ở vùng nông thôn, gia đình tôi có 8 công đất chuyên trồng nhãn, dừa, ca cao…, nhưng làm mãi mà không khá được bởi giá cả bấp bênh. Khoảng năm 2005, trong lần tình cờ phát hiện ra giống bưởi da xanh có chất lượng ngon, năng suất cao… nên mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ khu vườn sang trồng bưởi da xanh. Sau 3-4 năm chăm sóc, bưởi da xanh bắt đầu cho trái và năng suất tăng dần theo độ lớn của cây, bình quân khoảng 12-14 tấn/ha/năm. Giá bưởi da xanh cũng tăng dần từ 15.000 đồng/kg, rồi 20.000 đồng/kg, có lúc 30.000- 40.000 đồng/kg; thậm chí khi hút hàng từ 50.000 đồng/kg trở lên… Nhờ bưởi da xanh được giá nên 8 công vườn cho thu nhập bình quân khoảng 500 triệu đồng mỗi năm, cao gấp nhiều lần so các loại cây khác. Cũng nhờ trúng bưởi da xanh mấy năm mà gia đình vươn lên khấm khá”.

Tại Sóc Trăng, nhiều hộ ở vùng nông thôn huyện Kế Sách cũng phất lên từ bưởi da xanh. Điển hình như vợ chồng ông Đặng Văn Nám và bà Hồ Thị Bê (xã Kế Thành), có khoảng 3,3ha đất chuyên làm lúa, trồng màu…, nhưng cũng chỉ đủ ăn. Năm 2009, khi nghe tin ở Bến Tre có bưởi da xanh ngon và bán được giá nên vợ chồng lặn lội đi tìm cây giống và học hỏi kinh nghiệm trồng bưởi da xanh. Sau thời gian chăm sóc vườn bưởi cho trái và năng suất tăng dần. Những năm bưởi trúng mùa, trúng giá từ 40.000-60.000 đồng/kg giúp gia đình có nguồn thu khoảng 2,5-3 tỉ đồng/năm; nhờ đó mà xây được biệt thự khang trang và đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Thấy vợ chồng ông Nám trồng bưởi da xanh hiệu quả nên nhiều nông dân ở huyện Kế Sách đến học hỏi làm theo, từ đó hình thành vùng sản xuất bưởi chủ lực của tỉnh.

Tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiến Nông, ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, hiện tại có hàng chục héc-ta bưởi da xanh sản xuất theo quy trình VietGAP và có liên kết tiêu thụ. Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho biết bên cạnh việc phát triển về diện tích trồng, chất lượng trái thì vấn đề về tìm thị trường đầu ra ổn định cho trái bưởi bằng việc liên kết với doanh nghiệp đang được đơn vị đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, đơn vị cũng đã kết nối doanh nghiệp và người dân để liên kết sản xuất và tiêu thụ để ổn định đầu ra cho trái bưởi của nhà vườn trên địa bàn.

Thật ra, để trái bưởi da xanh có được giá trị như hôm nay thì người có công lớn nhất là Chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây - ông Đàm Văn Hưng (ở tỉnh Bến Tre). Hàng chục năm trước, ông Hưng đi thu mua cam và tình cờ thấy bưởi da xanh trồng rải rác trong các vườn dừa, vườn cam nhưng không ai để ý tới. Thế là ông Hưng lượm những trái bưởi rụng, ăn thử thấy ngon, múi bưởi khô, màu hồng khá đẹp… Ngay lập tức, ông Hưng chuyển sang thu mua bưởi cho bà con, sau đó đưa lên Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tiêu thụ. Ban đầu nhiều người chê bưởi có vỏ xanh lè, sợ bị chua. Ông Hưng kiên trì tiếp thị và cho mọi người ăn thử, dần dần quen khẩu vị; từ đó bưởi da xanh được tiêu thụ rộng rãi hơn, giá cả cũng tăng lên…

Đa dạng thị trường xuất khẩu

Đến nay, Hương Miền Tây được xem là doanh nghiệp thu mua bưởi da xanh hàng đầu ở khu vực ĐBSCL với hơn 15.000 tấn mỗi năm. Ngoài thị trường tiêu thụ chủ lực là Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phía Bắc thì bưởi da xanh còn được xuất khẩu sang một số nước châu Âu, châu Á, Australia và Canada; tuy nhiên việc xuất khẩu phần lớn vẫn là thị trường Trung Quốc.

“Thật ra, bưởi da xanh cũng giống như một số loại nông sản khác, mỗi khi thị trường Trung Quốc “ăn hàng mạnh” thì xuất thuận lợi, giá tăng. Còn ngược lại, khi thị trường tỉ dân này giảm nhập khẩu thì giá giảm mạnh và khó bán hơn”, ông Hưng nhìn nhận. Trước thực trạng trên, mấy năm qua bản thân doanh nghiệp Hương Miền Tây và những doanh nghiệp kinh doanh trái cây khác trên cả nước, luôn nỗ lực tìm thêm những thị trường xuất khẩu mới nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Giữa tháng 10-2022, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã chính thức công bố yêu cầu kiểm dịch thực vật trái bưởi tươi xuất khẩu sang Mỹ, sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép nhập khẩu bưởi tươi của Việt Nam vào thị trường nước này. Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, để đưa trái bưởi vào thị trường Mỹ, các cơ quan chức năng của Việt Nam mất khoảng 5 năm đàm phán, làm việc với phía Mỹ, kèm theo những điều kiện rất gian nan. Quy định phía Mỹ, trái bưởi tươi của Việt Nam phải được cấp mã số vùng trồng và cơ sở xử lý phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật, cùng Cơ quan kiểm dịch động thực vật của Mỹ (APHIS). Cụ thể, trái bưởi không được nhiễm ruồi, nấm và phải được Cục Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; các lô hàng bưởi tươi phải được xử lý chiếu xạ; được đóng gói tại cơ sở mà Cục Bảo vệ thực vật và APHIS đồng ý... Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, bưởi da xanh và bưởi Năm Roi dự kiến sẽ được xúc tiến đầu tiên để xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới; đây cũng là 2 giống bưởi được trồng nhiều nhất ở ĐBSCL.

Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây, cho rằng, việc ngành chức năng Mỹ đồng ý cho nhập khẩu bưởi tươi của Việt Nam là tín hiệu tích cực; trong đó bưởi da xanh của ĐBSCL sẽ có cơ hội vươn xa hơn. Từ nay, chúng ta có thể giảm dần phụ thuộc vào một vài thị trường, mà hướng tới sự đa dạng về thị trường xuất khẩu, trong đó có những thị trường lớn với giá trị mang lại cao hơn.

“Tuy nhiên, để trái bưởi chính thức thâm nhập vào thị trường khó tính như Mỹ thì không hề đơn giản, mà đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn vô cùng khắt khe. Vì vậy, doanh nghiệp Hương Miền Tây đang đầu tư thêm kho lạnh bảo quản đạt tiêu chuẩn; phối hợp với các hợp tác xã quy hoạch vùng trồng bưởi da xanh chất lượng cao; từ chăm sóc, sử dụng phân thuốc, đến thu hoạch… phải đáp ứng các quy định của phía Mỹ. Hiện tại, doanh nghiệp chúng tôi sẽ thử nghiệm và đăng ký mã số vùng trồng khoảng hơn 50ha để mời các cơ quan chức năng của Mỹ sang kiểm tra, thẩm định trong thời gian tới. Khi nào đạt yêu cầu thì sẽ mở rộng thêm. Doanh nghiệp chúng tôi xác định đây là cơ hội tốt cần phải nắm bắt, nhưng cách làm phải chặt chẽ, từng bước; chất lượng đặt lên hàng đầu, bởi xuất khẩu là lâu dài nên không thể nóng vội được…”, ông Đàm Văn Hưng bộc bạch. 

Bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cũng nhìn nhận: “Mỹ là thị trường lớn, đầy triển vọng cho bưởi da xanh nói riêng và các loại trái cây khác nói chung. Vấn đề là chúng ta phải đảm bảo chất lượng và các tiêu chuẩn mà họ đưa ra. Một khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thì số lượng xuất khẩu và giá cả không phải là vấn đề quan tâm nữa…”.  Hiện, Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL tích cực hỗ trợ các hợp tác xã và doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu bưởi da xanh chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mô hình sản xuất hữu cơ… đáp ứng các quy định, nhằm sẵn sàng đưa trái bưởi da xanh sang Mỹ trong thời gian tới.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có khoảng 105.400ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn với nhiều giống bưởi khác nhau; trong đó vùng ĐBSCL có diện tích bưởi lớn nhất với khoảng 32.000ha, sản lượng khoảng 370.000 tấn (phần nhiều là bưởi da xanh). Dù mấy năm qua bưởi da xanh ở ĐBSCL cho hiệu quả kinh tế khá cao nhưng giá cả không ổn định, lên xuống thất thường theo nhu cầu “ăn hàng” của thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, giá bưởi da xanh dao động khoảng 15.000-25.000 đồng/kg (tùy loại); dự báo đến Tết Nguyên đán 2023 tăng lên khoảng 30.000-40.000 đồng/kg… Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây nhận định, nếu tới đây bưởi da xanh được xuất khẩu sang Mỹ vừa góp phần giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, vừa nâng được giá trị trái bưởi da xanh

 

H.TÂN - H.THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>