Nông nghiệp ứng dụng công nghệ

16/02/2021 | 04:17 GMT+7

Trước đây, ở Hậu Giang rất ít rau màu trồng theo xu hướng ứng dụng công nghệ, nhưng bây giờ mô hình này đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh. Sự phát triển phù hợp đã giúp đánh thức tiềm năng ở vùng đất mới...

Các tổ chức, doanh nghiệp tìm hiểu về các dự án đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang.

Bắt nhịp công nghệ mới

Nhắc đến huyện Châu Thành, nhiều người chỉ biết đến những vườn cây ăn trái bạt ngàn, nhưng giờ đây, chính nơi này đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ. Ghé thăm mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Trương Quốc Phong, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, mới thấy hết sự kỳ công khi làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ. Bên cạnh nhà lưới bao quanh diện tích đất rộng 1.000m2, hơn 3.000 dây dưa lưới được vô bầu sẵn đặt cố định theo hàng, ở mỗi dây đều có ống dẫn nước riêng để tưới theo nhu cầu của cây.

Nhìn những chồi dưa lưới xanh mơn mởn đang cho trái thu hoạch vào cận tết này mà anh Phạm Hoàng Lộc - phụ trách kỹ thuật trồng dưa lưới cho anh Phong, không giấu được niềm vui vì thành quả đầu tư đến nay đã được đền đáp. Vụ dưa đầu tiên được nhóm của anh kết hợp với Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh thực hiện mô hình và đã có lợi nhuận hơn 12 triệu đồng.

Nhà màng trồng dưa lưới của anh Phong chỉ cách trung tâm Ngã Sáu vài kilomet, nằm cặp tuyến lộ nhựa về xã Phú Hữu, rất thuận lợi cho mọi người đến tham quan. Chỉ tay về vạt đất rộng khoảng 1ha phía bên kia lộ của gia đình nằm đối diện với nhà lưới, anh Phong cho hay khi Khu du lịch sinh thái Phú Hữu hoàn thiện và đi vào hoạt động, các anh có dự tính mở thêm 4 nhà màng nữa với mục đích là sản phẩm làm ra sẽ bán được cho khách du lịch với giá cao hơn, đồng thời đây sẽ là mô hình để đón khách đến tham quan về sau này.

Khi khởi nguồn cho phong trào làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ theo mô hình nhà lưới phải nhắc đến ông Võ Văn Trưng, ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp. Với diện dích nhỏ nhoi ban đầu nhưng hiện nay HTX Thuận Phát của ông đã có gần 2ha thực hiện theo mô hình nhà lưới. Hiện nay, mỗi năm HTX sản xuất ra hơn 200 tấn dưa lưới cung ứng cho thị trường, với giá bán trên 30.000 đồng/kg. Ông Trưng cho biết tới đây sẽ mở rộng diện tích lên 3ha nhà lưới để đủ sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng.

Không chỉ có ở HTX Thuận Phát đầu tư mở rộng diện tích mà tại huyện Long Mỹ, gần đây nông dân cũng nhen nhóm hình thành nhiều mô hình trồng dưa lưới và rau màu trong nhà lưới kết hợp với công nghệ tưới nước tiết kiệm. Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp ấp 9, xã Lương Tâm, cho hay: “Từ khi được chuyển giao kỹ thuật về mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đã phần nào tháo gỡ khó khăn trong sản xuất cho người dân nơi đây. Bởi mô hình giúp nhà nông tiết kiệm được nguồn nước tưới rất nhiều trong điều kiện bà con phải thường xuyên đối mặt với tình hình xâm nhập mặn và hạn hán vào mùa khô”.

Trồng dưa lưới an toàn trong nhà màng của gia đình ông Hải.

Hiện tại, HTX nông nghiệp ấp 9 có 7 nhà màng để trồng dưa lưới kết hợp công nghệ tưới nước tiết kiệm và 7 nhà trồng nấm bào ngư. Bình quân mỗi vụ dưa lưới thu được nguồn lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/1.000m2 và 10 triệu đồng/nhà/vụ đối với nấm bào ngư. Ông Trung tự hào kể: “Tuy là vùng đất không mấy màu mỡ, nhưng nếu biết cải tạo, đưa khoa học kỹ thuật vào sử dụng bài bản thì dù cho đất có phèn mặn cũng không làm khó được người dân trong HTX. Sau vụ dưa lưới tết, khi mô hình khởi đầu này ăn nên làm ra thì sẽ có nhiều nhà lưới mọc lên nữa để làm ra những sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Và tới đây sẽ không dừng lại ở dưa mà hướng đến đa dạng các loại rau màu khác...”.

Nhân công kiểm tra lươn sinh sản tại khu vực nuôi lươn của ông Hải.

Cách đó không xa, anh Trần Việt Hải, ở ấp 7, xã Lương Nghĩa, cũng đang thực hiện mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ. Nhìn mảnh đất rộng hàng chục ngàn mét vuông anh Hải nói trước đây là đất ruộng, gia đình chỉ cho người khác thuê. Nhưng nay anh đã đầu tư nhà kính, chuồng trại để trồng dưa lưới, nuôi lươn thịt, lươn sinh sản và nuôi bò thịt. Chỉ riêng 6.000m2 trồng dưa lưới, vụ tết này anh sẽ cho ra thị trường hàng chục tấn trái, hứa hẹn mang nguồn thu hàng trăm triệu đồng.

Mở hướng phát triển

Trong định hướng phát triển tới đây, tỉnh Hậu Giang cũng xác định đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, đến năm 2025 lấp đầy trên 50% diện tích khu đang mời gọi đầu tư (415ha) ở Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp, ưu tiên hợp tác đào tạo sau đại học, đào tạo chuyển giao công nghệ về các kỹ thuật, công nghệ cao, phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từng bước đào tạo nghề cho nông dân trong vùng dự án, tạo chuyển biến từ nhận thức đến quy trình sản xuất theo hướng hiện đại. Tham gia nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp và các công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu tạo giá trị gia tăng của sản phẩm. Thành lập thêm Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Du lịch tri thức...

Thạc sĩ Nguyễn Việt Triều, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, cho biết là thời gian qua đã triển khai nhiều dự án nghiên cứu khoa học tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, đã chọn được 3 giống lúa chất lượng cao cho vùng đất phèn; quy trình sản xuất lúa giống cấp xác nhận; quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng VietGAP… Ngoài ra, còn phối hợp thực hiện mô hình trình diễn nhiều chế phẩm sinh học và thiết bị của Hàn Quốc trên cây lúa, xoài, bưởi, khóm của nhiều nông hộ trong tỉnh. Đa số các mô hình, sản phẩm bước đầu đạt hiệu quả cao.

Để hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh, thời gian qua, Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cùng lúc triển khai mô hình còn xúc tiến kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Một niềm vui là bên cạnh các dự án đang thực hiện thì Công ty TNHH Đa năng Hoàn Cầu cũng vừa tổ chức khởi công Nhà máy sản xuất đất sạch và nông nghiệp công nghệ cao tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Nhà máy được triển khai xây dựng trên diện tích hơn 2ha, tổng vốn đầu tư hơn 20 tỉ đồng, gồm có nhà xưởng, văn phòng làm việc, nhà màng, sản xuất đất sạch trồng cây với công suất 12.000 tấn/năm; các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao với công suất 5.000 tấn/năm. Giai đoạn 1 sẽ vận hành vào đầu năm 2021…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho rằng đây là dự án thứ 4 đầu tư tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang. Việc xây dựng nhà máy chỉ là bước khởi đầu, sau khi dự án đi vào hoạt động hiệu quả, UBND tỉnh sẵn sàng hỗ trợ khi công ty có nhu cầu mở rộng quy mô nhà máy. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ của các doanh nghiệp...

THANH TRÚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích