Hướng đến ứng dụng, mở rộng mô hình khoa học công nghệ mới

11/10/2019 | 08:45 GMT+7

Qua quá trình hoạt động chuyên môn, ứng dụng thành tựu khoa học mới vào thực tiễn, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh (trung tâm) đã biến nhiệm vụ thường xuyên trở thành lực đẩy cho hoạt động, góp phần quan trọng vào thành tựu và sự phát triển của ngành nông nghiệp của tỉnh.

Nhiều đề tài ứng dụng của trung tâm tại huyện Long Mỹ giúp nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Là đầu mối chuyển giao các ứng dụng khoa học công nghệ của tỉnh nên trung tâm luôn tìm kiếm, chọn lọc những thành tựu mới có hiệu quả về khoa học và công nghệ (KH&CN), đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước về ứng dụng, chuyển giao công nghệ tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Theo đó, trung tâm luôn gắn kết với ngành chức năng có liên quan ở 8 huyện, thị xã, thành phố để phối hợp, lựa chọn địa bàn triển khai cho hiệu quả. Những mô hình được triển khai đều dựa trên những bức xúc, tính cấp thiết tại địa phương nên mang đến hiệu ứng và nhận được phối hợp tốt của người dân.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm, cho biết trong thời gian qua trung tâm đã kế thừa các kết quả nghiên cứu cũng như triển khai nhiều đề tài, dự án. Trong đó có nhiều đề tài, dự án phát huy được hiệu quả thực tế và từng bước được nhân rộng về khóm, khóm VietGAP, ca cao. Mới đây, trung tâm đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng cam mật không hạt theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang”, nhằm đánh giá đặc điểm sinh trưởng của cây cam trên vùng đất này cũng như xây dựng mô hình, thu thập các chỉ tiêu sinh trưởng của cây cam để có quy trình canh tác, khuyến cáo thích hợp. Mục tiêu lớn nhất của dự án chính là giúp người dân vùng đất khó nơi đây có thêm một lựa chọn khi chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cải thiện thu nhập trước tình hình cây mía đang tuột dốc.

Đánh giá về sự đóng góp của trung tâm tại địa phương mình thời gian qua, ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, nhận xét: Khoa học và công nghệ là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, có sự hỗ trợ, phối hợp của trung tâm đến chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn người dân làm mô hình theo công nghệ mới đã mang đến hiệu quả cao cho địa phương. Các đề tài, dự án triển khai khá sát thực tế và mang tính ứng dụng cao, phù hợp với quy hoạch của địa phương như trồng mãng cầu xiêm lưỡng tính; trồng cam không hạt; trồng chuối cấy mô… Mô hình bước đầu đã giúp bà con cải thiện được sinh kế, thay thế được những khu vườn tạp kém hiệu quả.

Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trung tâm không hề ngại khó, nhất là chọn và xây dựng mô hình ngay những vùng đất cằn cỗi, khó khăn nhất của tỉnh. Trái lại, trung tâm luôn đặt những vùng đất phèn, nhiễm mặn lên làm sự quan tâm hàng đầu để giúp người dân nơi đây cải thiện sinh kế. Kế tiếp vùng đất Phụng Hiệp thì huyện Long Mỹ là địa điểm tiếp theo để các kỹ sư của trung tâm ra tay cải tạo. Theo đó, dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng chuyên canh bưởi da xanh (Citrus maxima) đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang” đã được thực hiện tại đây.

Chủ nhiệm dự án, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Thị Kiều mong muốn sẽ giúp người dân trồng bưởi nơi đây sản xuất ra những sản phẩm ngon nhất, chất lượng nhất dù đất bị nhiễm mặn, phèn chua. Thông qua các lớp tập huấn, tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều đã hướng dẫn bà con cách chăm sóc bưởi theo quy chuẩn sạch, kỹ thuật bón phân tiết kiệm nhưng hiệu quả, chất lượng. Bà Kiều thông tin: “Mới đây, dự án đã giao 1 tấn phân bón hữu cơ cho hộ dân để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cây bưởi da xanh ở giai đoạn mang trái trên vùng đất phèn Long Mỹ. Chúng tôi đã tiến hành xây dựng cơ sở vật chất (hố cát, hố rác, nhà kho, tủ thuốc…) cho các hộ tham gia dự án để người dân quen dần với cách sản xuất sạch theo chuẩn VietGAP và bảo vệ môi trường”.

Cùng với đó, không quên nhiệm vụ chuyên môn, trung tâm đang là địa điểm tin cậy để lưu giữ và bảo tồn một số nguồn gen nông sản của tỉnh. Hiện tại, trung tâm đang chăm sóc 10 cây quýt đường vi ghép (S0) và 10 cây quýt đường (S1) sạch bệnh trong nhà lưới chống côn trùng. Ngoài ra, các kỹ thuật viên trung tâm đang theo dõi và chăm sóc 8.000 cây khóm tại ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh và 1.000 cây khóm tại nhà lưới của trung tâm; hơn 500 mẫu khóm Queen “Cầu Đúc” được chăm sóc tại phòng nuôi cấy mô, sẵn sàng lượng cây giống cung ứng cho nông dân khi có nhu cầu.

Để tăng hiệu quả trong việc ứng dụng tiến bộ KH&CN, trong thời gian tới, trung tâm cũng sẽ đẩy mạnh việc kiện toàn nhân lực KH&CN và quản lý nhà nước, tăng tính liên kết giữa các cơ sở chủ quản với các cấp, các ngành địa phương. Qua đó sẽ tiếp tục đảm bảo tính thực tiễn cho công tác chuyên môn, nghiên cứu, khảo sát mà còn tạo nền tảng cho các ứng dụng tiến bộ KH&CN đi vào đời sống một cách thuận lợi, bài bản hơn.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>