Giữ vệ sinh sông bằng hệ thống vớt rác tự chế

06/11/2019 | 18:55 GMT+7

Chỉ bằng những ống nhựa PVC bình thường, em Danh Nghĩa, học sinh lớp 8, Trường THCS Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, đã tự chế ra “Hệ thống vớt rác trên mặt nước” để thu gom rác thải nhằm giảm ô nhiễm trên con sông quê mình.

Sản phẩm “Hệ thống vớt rác trên mặt nước” của Danh Nghĩa được đánh giá cao về mặt bảo vệ môi trường.

Nhà ở gần sông nên Danh Nghĩa thường xuyên chứng kiến cảnh ghe máy đi ngang vướng phải bọc, rác thải. Còn dòng sông trước nhà em thì nhiều lúc nhìn rất bẩn mắt vì bọc ni-lông, chai nhựa, hộp xốp hay nhiều thứ khác trôi lềnh bềnh. Em nghĩ quê mình xa khu dân cư nên không có đội ngũ công nhân vệ sinh môi trường nào đến thu gom rác, mà nếu có ai gom rác trên sông thì rất vất vả vì nó trôi theo dòng nước, nhỏ và phân tán. Đây cũng chính là lý do khiến Danh Nghĩa hoàn thành sản phẩm “Hệ thống vớt rác trên mặt nước”.

Danh Nghĩa dùng những đoạn ngắn của ống nhựa PVC có đường kính 21mm và 60mm để làm khung tàu cho sản phẩm vì ống PVC nhẹ và có thể nổi trên mặt nước. Phần hộp đựng rác thì em chọn vật liệu là những thanh nhôm và lưới sắt mắt nhỏ khoảng 1cm. Hộp đựng rác có kích cỡ 45x34cm, 5x30cm, nằm trong lòng các ống nhựa. Tiếp đó là trục cuốn rác gồm 13 cây căm xe và ốc bắt căm xe nhiều màu sắc. Các cây căm xe được bắt theo kiểu đan lên đan xuống đối xứng nhau. Đây là dụng cụ dùng để lùa rác vào thùng chứa rác. Phía đầu cây gắn ống nhựa được ghép 1 nhông sên, đầu kia là một mô tơ giảm tốc. Đây là vị trí trục quay giúp hệ thống vớt rác có thể tiến, lùi, sang trái, phải theo ý người điều khiển. Phía cuối của hệ thống là động cơ chân vịt được gắn ở 2 bên khung tàu. Chân vịt có mô tơ để tạo động lực giúp nó quay để cho hệ thống vớt rác chuyển động. Ngoài ra, thân của hệ thống còn được đấu các động cơ như mạch điện điều khiển, nguồn pin và tấm pin năng lượng mặt trời, quạt tản nhiệt. Hệ thống sẽ hoạt động nhờ năng lượng lấy ánh nắng qua tấm pin năng lượng mặt trời, truyền điện vào nguồn pin, đi vào các động cơ mạch điều khiển giúp máy hoạt động.

Để sử dụng sản phẩm, Danh Nghĩa dùng một thiết bị điều khiển từ xa để lái hệ thống. Trên điều khiển có các nút tiến, lùi và sang trái, sang phải. Khi vớt rác, người điều khiển có thể đứng từ xa, ở trong bóng mát cũng có thể làm được. Tất cả chỉ cần ấn nút trên cần điều khiển đi qua chỗ có rác, rác sẽ bị cuốn theo guồng quay của các căm xe mà vào thùng chứa rác.

Danh Nghĩa cho biết: “Vì hệ thống sử dụng là tấm pin năng lượng nên không bị hạn chế thời gian, có thể sử dụng cả ngày. Khi sản phẩm vận hành, người điều khiển không cần phải thay nhiên liệu như xăng, dầu. Pin được sạc trực tiếp từ năng lượng mặt trời nên không tốn kém thêm nhiên liệu nào và rất thân thiện với môi trường. Mỗi lần hệ thống có thể vớt được 3-5kg tùy vào kích thước vật lớn nhỏ”.

Điểm đáng nói của hệ thống này là chi phí khá rẻ khoảng 700.000 đồng/chiếc. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân hay hộ gia đình đều có thể mua về sử dụng mà công dụng tốt, độ bền cao. Hơn nữa, ý nghĩa lớn nhất của nó là giúp người dọn dẹp, thu gom rác trên sông không còn nhọc công. Hệ thống rất linh hoạt vì nhẹ, có thể di chuyển mọi phía. Người điểu khiển không phải đích thân ra ngoài trời nắng hay bơi ra sông để vớt từng mảnh rác. Hệ thống có thể làm sạch được những mảnh rác nhỏ như hộp xốp bể, bọc,... Đây có thể sẽ là cánh tay trợ lực của các công nhân vệ sinh môi trường khi áp dụng dọn dẹp vệ sinh cho các dòng sông.

Tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Hậu Giang lần VI năm 2019, sản phẩm này đã được Ban giám khảo đánh giá cao. Tuy nhiên, sản phẩm cần được cải tiến ở thanh căm xe. Bởi kích thước nhỏ sẽ khó thu gom được vật dụng nặng như các bịch rác mà người dân vô ý thức quăng ra sông hay xác động vật chết,... Sản phẩm đạt được điểm khá cao và nhận giải khuyến khích. Tuy giải thưởng chưa lớn nhưng theo bà Lê Thị Kim Diệu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Hậu Giang lần VI năm 2019 đánh giá cao về ý nghĩa bảo vệ môi trường. Sản phẩm vừa nhỏ, gọn, ít chi phí nhưng có thể mang lại vẻ mỹ quan, thông thoáng cho các con sông. Bà hy vọng rằng, sản phẩm sẽ hiệu quả hơn nếu được mạnh thường quân quan tâm hỗ trợ cải tiến thành động cơ lớn, công suất cao hơn để việc thu gom rác trên sông không còn là nỗi lo của ngành vệ sinh môi trường.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích