Công nghệ thông tin ở thư viện tuyến huyện và cơ sở: Khó khăn trong ứng dụng

05/08/2020 | 06:39 GMT+7

Hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng tiện ích của internet để lưu trữ, tìm kiếm, truy xuất thông tin... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Tuy nhiên, với thư viện tuyến huyện và cơ sở, việc ứng dụng CNTT còn rất nhiều hạn chế.

Có 10 bộ máy tính, nhưng hiện tại Thư viện huyện Châu Thành A chỉ còn 3 máy sử dụng được để ứng dụng CNTT.

Thư viện tỉnh được đầu tư tương đối đồng bộ

Tại Phòng đọc điện tử tại Thư viện tỉnh được bố trí 40 máy tính để bạn đọc sử dụng, truy cập internet miễn phí bất cứ thời điểm nào trong ngày. Em Nguyễn Văn Lĩnh, học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Ngoài tìm sách ở phòng đọc truyền thống, tại Thư viện tỉnh có thêm nhiều dịch vụ tiện ích thông qua các phần mềm. Thông qua đây, đã tạo điều kiện cho chúng em tiếp cận nguồn thông tin trong thư viện như: thời gian trả sách đang mượn, những tài liệu bạn đọc đang mượn, những loại sách được tìm kiếm và mượn nhiều nhất… Với các máy tính tại phòng đọc điện tử, giúp những học sinh như em chưa có khả năng trang bị máy tính riêng, có thể dễ dàng tìm kiếm các tài liệu trên mạng dễ dàng hơn”.

Việc ứng dụng CNTT được Thư viện tỉnh thực hiện từ năm 2008 để tự động hóa quản lý cơ sở dữ liệu sách… Thư viện tỉnh đã xây dựng trang thông tin điện tử http:/thuvientinh.haugiang.gov.vn, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của bạn đọc. Ngoài ra, nhằm bắt kịp xu hướng phát triển của CNTT và ngày càng hiện đại hóa các hoạt động của thư viện, Thư viện tỉnh còn áp dụng các thành tựu của CNTT vào một số hoạt động như ứng dụng phần mềm Mylib Windows để xử lý kỹ thuật, quản lý dữ liệu sách và phục vụ nhu cầu bạn đọc; số hóa tài liệu và gắn mã QR vào tài liệu số phục vụ đọc toàn văn tài liệu số trên điện thoại di động…

Khác với tuyến tỉnh, thư viện tuyến huyện, xã, việc ứng dụng CNTT còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị cũng như cán bộ chuyên trách CNTT.

Thư viện tuyến huyện, xã khó khăn

Không được trang bị máy tính, nên thời gian qua tại Thư viện xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, để áp dụng phần mềm vào công tác quản lý tài liệu phải dùng nhờ máy tính của cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội, đang kiêm nhiệm công tác thư viện của địa phương. Ông Dương Văn Đỏ, cán bộ văn hóa - xã hội, kiêm nhiệm cán bộ thư viện xã Hiệp Hưng, bộc bạch: “Mỗi ngày ở đây có khoảng 5-10 bạn đọc trong đó chủ yếu là học sinh, giáo viên và một số người lớn tuổi. Hồi trước, ở đây chỉ là phòng đọc sách với hơn 1.920 đầu sách, đến năm 2014 được xây dựng thành thư viện xã. Điểm khó khăn nhất ở đây là trước giờ chưa được trang bị máy tính để phục vụ cho hoạt động quản lý tài liệu cũng như việc tìm kiếm sách của bạn đọc. Bởi vậy, mỗi lần bạn đọc muốn tìm một quyển sách phải kiếm ở từng kệ rất lâu”.

Còn ở Thư viện huyện Châu Thành A, để đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT, thư viện được Quỹ Bill & Melinda Gates trang bị 10 bộ máy tính. Hiện nay chỉ còn 3 máy có thể sử dụng được, trong khi mỗi ngày tại đây, đón gần 30 lượt bạn đọc. Ông Huỳnh Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao huyện Châu Thành A, tâm sự: “Tuy ở đây có máy nhưng chưa cán bộ phụ trách CNTT được đào tạo bài bản nên gặp rất nhiều khó khăn. Khi CNTT đang phát triển rất nhanh, thì việc thu hút bạn đọc cũng gặp khó, nhất là còn quá ít máy tính để sử dụng tìm kiếm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phấn đấu thực hiện tốt công tác đưa thông tin về tận cơ sở với phương châm “Sách tìm người” phục vụ bạn đọc vùng sâu, vùng xa”.

Để phát triển hệ thống thư viện theo hướng hiện đại, trong giai đoạn 2021-2025, Thư viện tỉnh đã đề ra kế hoạch và nhiều nhiệm vụ với lộ trình cụ thể. Bà Lê Thị Thùy Dương, Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng đề án “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang” giai đoạn 2021-2025. Đề án này sẽ trang bị cho mỗi thư viện cấp xã, phường, thị trấn ít nhất 1 máy tính. Hàng năm sẽ tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng CNTT cho cán bộ phụ trách thư viện, cán bộ đang kiêm nhiệm. Chúng tôi mong muốn thông qua đề án này, sẽ từng bước khắc phục khó khăn về thực trạng ứng dụng CNTT ở tuyến thư viện cơ sở trên địa bàn tỉnh”.

Với sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ tỉnh, cùng kế hoạch cụ thể của Thư viện tỉnh, việc ứng dụng CNTT ở các thư viện cơ sở sẽ từng bước được đẩy mạnh thực hiện, nhằm thu hút bạn đọc. Qua đó, góp phần phát triển văn hóa đọc ở cộng đồng.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>