Khai thác tiềm năng cộng đồng

17/03/2021 | 06:13 GMT+7

Với thông điệp hãy cùng nhau thực hiện vì sự phát triển văn minh của cộng đồng Trường Đại học Cần Thơ đã chọn ấp Tân Thạnh Tây, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, để thí điểm xây dựng thực hiện mô hình làng đẹp.

Dự án đã xây dựng túi ủ biogas từ rác thải sinh hoạt, lục bình với quy mô phục vụ cho khoảng 20 hộ dân.

Được sự tài trợ của Toyota Foundation - Nhật Bản, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) chủ dự án đã xây dựng dự án phát triển nông nghiệp bền vững vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long - Việt Nam và vùng đồi núi ở Nhật Bản dựa trên các hoạt động cộng đồng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên chất thải sinh học, tại ấp Tân Thạnh Tây.

Tiến sĩ Nguyễn Công Luận, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường ĐHCT, chủ nhiệm dự án cho biết: Mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình làng đẹp với một trung tâm du lịch - năng lượng - cộng đồng là nền tảng và đề xuất các tiêu chí cho làng đẹp, dựa trên cơ sở các tiêu chí nông thôn mới. Về ý nghĩa của dự án, sẽ đề xuất tiêu chí cho mô hình làng đẹp để nhân rộng cho các khu vực khác của tỉnh Hậu Giang và ở ĐBSCL. Đặc biệt, dự án này có tác động trực tiếp bảo vệ tài nguyên và môi trường cho cộng đồng và địa phương, góp phần thực hiện Đề án Hậu Giang xanh của tỉnh Hậu Giang từ năm 2021 đến năm 2030.

Chia sẻ ý tưởng của dự án, cố vấn dự án Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Khoa Phát triển nông thôn - Trường ĐHCT, cho hay: Việt Nam đang xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, trên cơ sở đó, trường đã chọn huyện Châu Thành A để triển khai thí điểm dự án mô hình làng đẹp. Đây là dự án phát triển từ thực lực của cộng đồng và là nơi sinh hoạt cho cộng đồng. Có nhiều hoạt động sẽ triển khai thực hiện làm cho những ngôi nhà của người dân nơi đây đẹp hơn và hình thành nên làng đẹp gắn với phát triển nông nghiệp bền vững dựa vào sản xuất của hộ dân. Nếu mô hình làng đẹp thành công sẽ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Dự án mô hình làng đẹp sẽ dựa trên tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và phát triển cao hơn. Theo cố vấn dự án, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường ĐHCT, dựa trên ý tưởng từ các làng đẹp bên Nhật Bản, nhằm thu hút những người trẻ về khu vực nông thôn, đồng thời giúp người dân nông thôn hình thành nơi sống tốt, khỏe, đẹp hơn. Quan trọng là làm thế nào sản xuất hàng hóa an toàn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Dự án chú trọng đẩy mạnh tiêu chí môi trường, bảo tồn thiên nhiên. Mong đợi của dự án là hình thành được làng đẹp. 

Dự án bao gồm 10 gói công việc, trong đó xây dựng nhà cộng đồng, xây dựng túi ủ biogas quy mô cộng đồng, xây dựng khu sức khỏe cộng đồng và hình thành điểm du lịch sinh thái - cộng đồng. Bên cạnh đó, xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản hữu cơ, rau hữu cơ, vườn hoa và cây kiểng, bảo tồn cá, thủ công mỹ nghệ, vườn cây ăn trái hữu cơ, vườn thuốc thực vật, xây dựng tiêu chí làng đẹp và các hoạt động khác. Kết quả thực hiện dự án đến nay, đã xây dựng được nhà cộng đồng, trong ngôi nhà này là nơi tập trung sinh hoạt vui chơi giải trí, trao đổi kinh nghiệm học tập cho người dân. Sắp tới đây sẽ hình thành một kiốt trưng bày và bán sản phẩm của hộ dân. Để góp phần bảo vệ môi trường, dự án đã xây dựng hoàn thiện túi ủ biogas 35m3.

Để ấp Tân Thạnh Tây trở thành làng đẹp, ông Đoàn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Thạnh, cho biết: Xã sẽ hỗ trợ và vận động Nhân dân trồng hoa trên các tuyến đường. Để mô hình có sức lan tỏa và đạt được mục đích, ý nghĩa, chủ dự án nên chọn lọc mô hình và cho hộ dân đăng ký thực hiện đồng loạt và tạo sự hấp dẫn riêng.

Băn khoăn nhất của hộ dân là công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, ông Nguyễn Triều Nam, hộ dân ở ấp Tân Thạnh Tây, cho rằng: “Khi có dự án mô hình làng đẹp của Trường ĐHCT chọn ấp làm thí điểm, bản thân rất vui và đồng tình tham gia. Tuy nhiên, vệ sinh môi trường là vấn đề bản thân tôi quan tâm nhiều nhất. Do đó, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đến và tổ chức tập huấn cho người dân để nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường”.

Theo ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, mô hình này khi trở thành hiện thực là điều mong muốn của địa phương. Huyện, xã, ấp sẽ phối hợp triển khai với tinh thần trách nhiệm cao nhất và hy vọng người dân ở ấp Tân Thạnh Tây đồng lòng cùng tham gia thực hiện. Để dự án đạt được mục đích, chủ dự án nên chọn một vài mô hình sản xuất thí điểm, trên cơ sở đó hợp tác giữa dự án và người dân tính toán đầu vào, đầu ra cho hiệu quả nhất.

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>