Kinh tế Hậu Giang tăng trưởng vượt bậc

07/12/2022 | 18:47 GMT+7

Ghi nhận tại phiên họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đều phấn khởi bởi việc thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, với dấu ấn lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang ước tính dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 4 cả nước. 

Quang cảnh Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh.

Năm 2022, Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ước cả năm có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch; 5 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Trong đó, phải kể đến lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, xuất khẩu đạt khá cao; công tác xây dựng chính quyền được quan tâm và ngày càng đi vào chiều sâu.

Lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế đứng thứ 4 cả nước

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, thông tin, năm 2022, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy, Hậu Giang đã chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo quan điểm phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao năng suất lao động. Từ đó, tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh được phục hồi, phát triển ổn định và có những lĩnh vực phát triển tăng tốc.

 “Điều này thể hiện qua GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt 11%; 9 tháng đạt 14,74%; tính chung cả năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 13,94%; đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long và thứ 4 cả nước. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất từ khi thành lập tỉnh đến nay”, ông Trương Cảnh Tuyên nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh, yếu tố góp phần chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh là công nghiệp đã tăng trên 38,78% so cùng kỳ. Hiện tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế tăng 25,79%, trong khi cùng kỳ là 19,59%; tỷ lệ lấp đầy của 2 khu công nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh là 80%, giải quyết việc làm cho 26.588 lao động. Trong năm, các nhà đầu tư khởi công xây dựng 5 dự án, đưa vào hoạt động 6 dự án tại các khu công nghiệp của tỉnh.

Cùng với đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh có mức tăng trưởng khá như sản xuất tôm đông lạnh tăng 26%, thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 18%, bia đóng chai tăng 12%, nước uống có vị hoa quả tăng 38%, quần áo bảo hộ lao động tăng 84%, giày dép các loại tăng 7,3%...

Đối với ngành nông nghiệp, tỉnh tiếp tục thực hiện việc cơ cấu lại theo hướng sinh thái; GRDP khu vực I tăng khá, đạt mức 3,75%. Hiện tỉnh đang triển khai Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Hậu Giang thuộc nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới, đã thực hiện đạt 65% tổng vốn của dự án; Chương trình khuyến nông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Ước tính giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82% so với cùng kỳ. Riêng tổng thu ngân sách nhà nước năm nay trên địa bàn ước đạt 5.976 tỉ đồng, trong đó thu nội địa là 5.300 tỉ đồng, đạt 131,12% dự toán Trung ương và đạt 123,26% dự toán HĐND tỉnh giao. Ước tổng chi ngân sách địa phương là 11.759 tỉ đồng, đạt 152,31% dự toán Trung ương và đạt 109,63% dự toán HĐND tỉnh giao.

Để đạt kết quả đó, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, đầy đủ các giải pháp thu ngân sách nhà nước ngay từ đầu năm; đồng thời chú trọng việc tập trung phân tích, rà soát từng khoản thu, sắc thuế nhằm đánh giá nguyên nhân tác động để khai thác tốt các nguồn thu tiềm năng. Mặt khác, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế và xử lý nợ đọng thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính thuế.

Tiếp tục giữ vững thành tích trong năm mới

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong năm 2022 nhưng tỉnh cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là công tác giải phóng mặt bằng đối với một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án; giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng, làm giá thành sản phẩm tăng cao, giảm sức cạnh tranh và gây khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. Tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp; xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Do đó, để thực hiện đạt và vượt 18 chỉ tiêu đề ra trong năm 2023 là nhiệm vụ không dễ và đòi hỏi sự nỗ lực lớn hơn nữa của cả hệ thống chính trị và Nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã xác định năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ. Vì vậy, mục tiêu hướng tới trong năm là tiếp tục tập trung triển khai, hiện thực hóa các chủ trương, nghị quyết, chương trình, đề án đã ban hành cho cả nhiệm kỳ. Cùng với đó, dự báo tình hình trong nước và tỉnh có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Những khó khăn, thách thức chủ yếu là hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội chưa được hoàn thiện; nguồn lực chưa đáp ứng nhu cầu, trong đó có cả nguồn nhân lực và vật lực cho đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, với “tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”, Đảng bộ, dân và quân Hậu Giang phát huy những kết quả đạt được, cùng những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của năm 2022 để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2023. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, phục hồi sản xuất kinh doanh; ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, các hoạt động văn hóa, an sinh xã hội; hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch, chuyển đổi số; bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển biến nhận thức và tạo hình ảnh mới về phong cách phục vụ doanh nghiệp thông qua các hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhanh chóng kịp thời, bảo vệ lợi ích chính đáng cho nhà đầu tư bằng những cam kết cụ thể của chính quyền địa phương, để nhà đầu tư yên tâm khi bỏ vốn ra đầu tư, sản xuất kinh doanh tại tỉnh Hậu Giang.

UBND tỉnh cũng dự báo, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường nên cần khai thác tối đa thị trường trong nước; đồng thời, phải phòng ngừa, ứng phó với các bất ổn từ bên ngoài, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế…

Xây dựng chính quyền có nhiều chuyển biến

 

Thực tế cho thấy, để có được kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2022, không thể phủ nhận vai trò, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của hệ thống chính quyền trong tỉnh. Cụ thể, công tác quản lý nhà nước, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của UBND các cấp ổn định và có nhiều đổi mới, quyết liệt, đột phá vào những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, hạn chế hội họp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân.

Thông qua việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển tích cực, chính quyền hoạt động hiệu quả, phục vụ Nhân dân tốt hơn. Nhờ đó, năm 2022, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, tiếp tục phát huy và đạt được những kết quả khả quan. Các đơn vị, tổ chức đều quyết tâm, chủ động trong thực hiện cải cách hành chính; đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính đối với tổ chức, cá nhân đúng thời gian quy định.

Đến nay, tỉnh đã chỉ đạo cấp huyện thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công đã góp phần giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện và rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định. Trong đó, 20% số lượng thủ tục hành chính được giải quyết theo nguyên tắc “4 tại chỗ” là tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả tại bộ phận một cửa; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được nhập và thực hiện thông qua hệ thống một cửa, một cửa điện tử; 100% dịch vụ công được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 30% số thủ tục hành chính thực hiện việc trả kết quả điện tử.

 

ĐÌNH BẢO - MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>