Đảm bảo sử dụng hiệu quả biên chế được giao

18/05/2022 | 07:45 GMT+7

Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng biên chế công chức, viên chức là yêu cầu trong tiến trình thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Vừa qua, để đánh giá về công tác này trên địa bàn tỉnh, Đoàn khảo sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã có buổi khảo sát tại một số đơn vị, địa phương.

Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát tại UBND huyện Châu Thành A.

Tại UBND huyện Châu Thành A, theo ghi nhận của Đoàn, đến nay toàn huyện hiện có 11 cơ quan chuyên môn, 4 đơn vị sự nghiệp và 37 trường học với tổng số biên chế tỉnh giao là 1.312 người, hiện đang sử dụng 1.166 biên chế. Trong đó, số biên chế hành chính đang sử dụng là 76, biên chế sự nghiệp là 1.035 và 55 biên chế hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000.

Theo ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện, thời gian qua, huyện đã bố trí, sử dụng đúng số lượng, chỉ tiêu biên chế công chức. Tuy nhiên, hiện việc giao biên chế của UBND tỉnh theo lộ trình đến năm 2025 ngày càng giảm, nhiệm vụ chuyên môn nhiều nên dẫn đến tình trạng thiếu công chức thực hiện nhiệm vụ ở các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp. Một số vị trí đội ngũ cán bộ, công chức chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, chưa qua đào tạo về trình độ chính trị, chuyên môn nhưng không thể đào tạo lại do lớn tuổi.

Tại buổi giám sát, UBND huyện Châu Thành A đề xuất tỉnh cần sớm thực hiện việc tuyển dụng công chức hành chính để đảm bảo kịp thời bố trí các vị trí việc làm, lĩnh vực đang thiếu. Đồng thời, về phía địa phương cũng đã lên kế hoạch tuyển dụng đối với biên chế sự nghiệp được giao chưa sử dụng.

Trước đó, báo cáo với đoàn giám sát, đại diện UBND huyện Vị Thủy cho biết, tính đến cuối tháng 3 năm nay, biên chế công chức của huyện thiếu 11 người; số người làm việc đơn vị sự nghiệp thiếu 15 người; biên chế viên chức tại các đơn vị trường học trực thuộc thiếu 56 người. Theo đánh giá của UBND huyện Vị Thủy, khó khăn của huyện hiện nay là số lượng biên chế công chức, số người làm việc hiện tại thấp hơn chỉ tiêu giao, đặc biệt là biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Ông Nguyễn Thanh Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, thông tin: Hiện địa phương đang gặp khó khi hàng năm, số lượng giáo viên xin tinh giản biên chế nhiều, nhất là các trường tiểu học; trong khi việc tuyển dụng chậm và nguồn tuyển dụng chưa đáp ứng được chỉ tiêu. Riêng cấp học mầm non thiếu 67 biên chế theo định mức số giáo viên trên lớp; còn giáo viên cấp trung học cơ sở lại thừa, thiếu cục bộ do số lớp, số học sinh giảm.

Còn tại Sở Giao thông vận tải, theo lãnh đạo sở, từ năm 2016 đến nay, tổng số biên chế được giao giảm theo từng năm, do vậy một số nhiệm vụ chuyên môn do sở quản lý chưa thể phân bổ đúng, đủ số lượng biên chế theo nhu cầu công việc như công tác quản lý vận tải, phương tiện, người lái, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông...

Ông Trần Văn Lê, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh, cho biết: Đối với lực lượng thanh tra giao thông hiện được phân bổ 15 biên chế, trong đó số lượng thanh tra viên phân bổ cho các đội phụ trách địa bàn hiện chỉ 3 người/1 đội (toàn tỉnh có 2 đội phụ trách địa bàn) nhưng phải bao quát nhiệm vụ trên địa bàn cả tỉnh nên khó có thể đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự và bảo vệ hành lang an toàn giao thông.

Ông Trương Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh, nhận định, nhìn chung các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện đúng các chỉ đạo về việc giao, quản lý, sử dụng biên chế cũng như phân bổ số biên chế được giao. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc phân bổ, sử dụng biên chế đối với một số địa phương, đơn vị chưa đồng đều, có đơn vị thừa, đơn vị thiếu, hoặc thiếu nhưng chậm tuyển dụng, do đó, các vướng mắc bất cập này cần được nhận diện khách quan và đầy đủ, từ đó có các giải pháp khắc phục phù hợp.

Được biết, theo Nghị quyết số 29/2021 của HĐND tỉnh, số lượng biên chế công chức toàn tỉnh năm 2022 là 1.471, trong đó các sở, ban, ngành tỉnh là 848 biên chế; UBND các huyện, thị xã, thành phố là 623. Biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 13.676 biên chế, trong đó sự nghiệp giáo dục và đào tạo là 9.818 biên chế, sự nghiệp khác khối sở, ban, ngành tỉnh 1.112 biên chế…

Bà Phạm Thị Phượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, thông tin nhiều năm qua, Hậu Giang luôn thực hiện tốt việc phân bổ, sử dụng theo tổng biên chế Trung ương giao, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có tình trạng có đơn vị thiếu và cũng có đơn vị dôi dư biên chế. Vì vậy, cần phải có sự rà soát để cân đối, điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, việc thực hiện đợt giám sát chuyên đề lần này, Ban Pháp chế HĐND tỉnh vừa lắng nghe thực tiễn triển khai tại các đơn vị, vừa đôn đốc các địa phương triển khai tốt hơn Nghị quyết của HĐND tỉnh. Đoàn giám sát sẽ có buổi làm việc với Sở Nội vụ nhằm xem xét việc sắp xếp biên chế đối với UBND huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành, qua đó đảm bảo triển khai hợp lý, tháo gỡ kịp thời khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng biên chế cán bộ, công chức, người lao động trên địa bàn tỉnh để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>