Những trang nhật ký cảm nhận về Bác

28/12/2016 | 07:27 GMT+7

Mô hình “Viết nhật ký cảm nhận về Bác; Thực hành tiết kiệm lập Quỹ thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ gia đình khó khăn” của Chi bộ Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Châu Thành A đã góp phần đưa việc học tập và làm theo Bác thiết thực hơn, cụ thể hơn.

Cán bộ, giáo viên của trung tâm cùng xem lại những trang nhật ký cảm nhận về Bác…

Mở quyển nhật ký cảm nhận về Bác còn vương mùi mực mới của chi bộ, cô Lê Dương Anh Thư, giáo viên môn ngữ văn ở trung tâm vẫn còn nhớ như in về câu chuyện tôn trọng luật lệ của Bác do tự tay cô ghi vào quyển nhật ký cách đây không lâu. Cô Thư tâm sự: “Trong câu chuyện về Bác này, tôi luôn thấy ở Người sự gần gũi, giản dị. Dù ở vị trí là một vị lãnh đạo, nhưng Bác vẫn coi mình như mọi người, không vì ở chức vụ cao mà được ưu tiên đi trước. Không chỉ riêng câu chuyện của mình, mà mỗi câu chuyện được mọi người ở đây tự tay ghi vào cuốn nhật ký chung cũng giúp tôi được học hỏi thêm rất nhiều”. Quyển nhật ký ngày một thêm nhiều cảm nhận, thêm nhiều câu chuyện đặc biệt về Bác kính yêu, cũng là thêm nhiều sự quyết tâm của cán bộ, giáo viên và học viên nơi đây trong học tập và làm theo gương Bác. Để nhân rộng ý nghĩa thiết thực từ mô hình đến học sinh của trung tâm, trong quá trình giảng dạy các giáo viên của chi bộ còn lồng ghép những mẫu chuyện về Bác vào bài giảng. 4 năm nay, trung tâm cũng lồng ghép trong các buổi sinh hoạt đầu tuần cho học sinh kể chuyện về Bác, để thông qua đây các em có thể lấy đó làm bài học để điều chỉnh hành vi thái độ trong cách ứng xử. Nhờ vậy, công tác tuyên truyền cũng có những điểm nhấn riêng…

Ngoài thực hiện viết nhật ký với những mẫu chuyện về Bác, Chi bộ Trung tâm GDTX huyện Châu Thành A còn lồng ghép thực hành tiết kiệm, với hình thức mỗi đảng viên sẽ đóng góp 10.000 đồng/tháng để gây quỹ thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình khó khăn. Ông Dương Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn của trung tâm, nói: “Đối với mô hình này, chúng tôi sẽ có được hai ý nghĩa thiết thực, nhưng mục đích chung là gắn liền hoạt động với giáo dục. Với số tiền tiết kiệm được, chi bộ đang xin ý kiến từ huyện để dịp tết này, sẽ tổ chức thăm Mẹ Việt Nam anh hùng hay thăm hỏi gia đình khó khăn”. 10 đảng viên và 1 nhân viên của chi bộ vẫn nhiệt tình và vui vẻ đóng góp vào quỹ nghĩa tình này, để mỗi người góp sức mình tuy nhỏ, nhưng rất thiết thực.

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của huyện Châu Thành A, mô hình của Chi bộ Trung tâm GDTX huyện được xem là một trong những mô hình tiêu biểu ở hệ giáo dục thường xuyên của huyện. Bà Trịnh Thị Thu Hà, Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc trung tâm, chia sẻ: “Ban đầu tập thể trung tâm cũng đưa ra rất nhiều mô hình để lựa chọn như trồng cây, nuôi heo đất tiết kiệm… Nhưng rồi, được sự nhất trí của mọi người, chúng tôi đã xây dựng mô hình trên. Với mục đích chính là kết hợp nghe - nhìn - nói - ghi chép, gắn liền với đổi mới phương pháp giảng dạy trong quá trình dạy học. Mỗi câu chuyện sẽ tái hiện lại những việc nhỏ, nhưng đã gắn liền với ý nghĩa thực tế đời sống. Ngoài ra, trong mô hình chúng tôi còn thực hành tiết kiệm lập quỹ nho nhỏ với mong muốn phần nào hỗ trợ các gia đình chính sách, có cách làm cụ thể để đảng viên ý thức hơn trong học tập và làm theo Bác”.

Ông Nguyễn Thành Long, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành A, cho biết: “Mô hình “Viết nhật ký cảm nhận về Bác; Thực hành tiết kiệm lập Quỹ thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ gia đình khó khăn” của trung tâm không chỉ thể hiện tấm lòng của các đảng viên đối với Bác, mà còn gắn nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi đảng viên đối với sự nghiệp giáo dục, nhất là xây dựng được nguồn quỹ để thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi thấy đây là mô hình rất hay và có thể nhân rộng trong ngành giáo dục”.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>