Học Bác ở đức tính cần cù

04/10/2017 | 09:19 GMT+7

Có lẽ không phải chính từ học Bác đức tính ấy chị mới cần cù, quần quật cả ngày, đêm để lo cho cuộc sống mà nó đã ăn sâu vào huyết quản của chị khi không cam chịu cơ cực. Và từ khi được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Phụ nữ ấp, được kết nạp vào Đảng thì tinh thần cần cù vì công việc như lời Bác dạy càng làm chị thêm hăng hái... Chị là Quách Thị Linh, ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ.

Chị Quách Thị Linh rất cần cù với công việc.

Một ngày với chị bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc lúc… 23 giờ. Mới nghe nói về thời gian làm việc, tôi thật sự không tin. Nhưng cả xóm này ai cũng biết điều đó là thật. Sương gió làm chị như già hơn ở tuổi 36.

Có chồng từ thuở đôi mươi, thấy gia cảnh hai bên đều khó nên chị bàn với chồng về quê mình sống. Được cha mẹ ruột cho phần đất cất nhà ở, còn lại… tự lo nên đường mưu sinh của gia đình chị bắt đầu từ đó.

Vậy là hai vợ chồng bắt đầu nghề… làm mướn (chồng làm thợ mộc). Chị kể, ai mướn gì cũng làm, giặm lúa, cắt lúa, mần cỏ, đốn mía, trồng tràm… Tất cả vì cái ăn, cái mặc cho gia đình.

Rồi lần lượt hai đứa con ra đời, gánh nặng lại đè lên đôi vai vợ chồng chị Linh. Khi ấy, chồng chị phải kiếm chỗ làm liên tục để không bị… đói. Lúc con lớn một chút, chị gửi bé cho bà ngoại giữ để tiếp tục mần mướn; đêm về có khi mẹ con chị chở nhau trên chiếc xuồng để bắt ốc bán… 

Cái nghèo đeo bám suốt chục năm liền rồi cũng buông tha chị. Rồi vợ chồng có dư chút đỉnh nên vay đầu này đắp đầu kia sang 2 công đất ruộng, rồi thêm 2 công, 1 công nữa… “Lúc này cũng đâu đủ tiền, phải mần mướn tiếp hoài mới có tiền trả nợ cho người ta”, chị Linh kể.

Mần mướn chỉ là một nghề với chị. Không ai mướn là chị làm chuyện khác miễn sao có tiền. “3 giờ thì tôi thức dậy nấu bắp, bắp có thể trồng hay mua về, chờ bắp chín thì vớt ra chở ra chợ bán; lúc này tôi cũng đã đặt mối vòng vòng xóm để cân hàng bông, nấm rơm bán chung. Bán đến gần trưa, không hết tôi sẽ tìm cách bán dứt, chạy xe đi bán. Sau đó về lo cơm nước, nhà cửa rồi ra đồng làm, không thì ai mướn gì sẽ nhận làm. Rảnh thì cắt lục bình phơi, mưa phơi không được thì xông, tối thì đan lục bình, cắt bắp chuẩn bị khuya nấu…”, chị Linh kể.

Chị Võ Thị Kim Nhớ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lương Tâm, thông tin thêm, chị Linh còn là Chi ủy viên Chi bộ ấp 3, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đoàn kết tương trợ giúp nhau giải quyết việc làm ở ấp. Điều đáng nói là công việc gì chị cũng hoàn thành tốt; nhận mối làm mướn cho chị em chứ không đặt vấn đề hưởng chênh lệch; phong trào hội ngày càng đi lên. “Thì mình phải “nhơn” công việc ra để giải quyết. Bữa nào họp thì tôi nghỉ công việc nhà, còn buông ra là làm suốt”, chị Linh cho biết.

Điều đặc biệt ở người phụ nữ này là trước khi có chồng không biết chạy xe, không biết chạy vỏ máy, vậy mà vì mưu sinh chị biết hết. Điều bất ngờ nữa là chị buôn bán bất kể… không gian. Chị Linh nhớ lại: “Đợt tập huấn trên huyện, tôi chở giỏ xách bắp nấu chín mang theo, lúc ra chơi, ngỏ ý bán cho chị em. Mừng là ai cũng thương rồi ủng hộ mình”.

Chị quần quật như vậy đã 6-7 năm rồi. Chị nói không biết ngủ trưa là gì, không biết mệt ra sao; nghĩ trời thương cho có sức khỏe mới bình an chạy đôn chạy đáo kiếm cái ăn.

Căn nhà vừa cất xong được chị Linh khoe là từ công sức của vợ chồng mười mấy năm nay. Có chỗ nơi ổn định, đất đến 5 công nhưng chị nói sẽ không bỏ nghề nào trước đây hết miễn sao có tiền là được. Bây giờ biết làm rồi, nhìn cái gì cũng có thể làm ra tiền hết nên rất ham.

Chị Linh kể thêm: “Sống ở xứ Lương Tâm - nơi có Đền thờ Bác Hồ thì phải học Bác nhiều lắm. Học Bác đức tính cần cù, siêng năng nhưng cũng phải có ý chí chứ không phải nói là làm được. Những ngày lễ ở Đền thờ Bác, tôi chạy tới lui 2-3 ngày để phục vụ, cực mà vui và thấy như mình đã làm gì trả ơn Bác vậy!”.

Nói đến gương chị Linh, chị Đoàn Thị Tuyết Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Long Mỹ, khẳng định chị Linh là gương phụ nữ tiêu biểu nhất của huyện về học tập và làm theo Bác ở đức tính cần cù và sẽ biểu dương trong dịp 20-10 tới.

Với tôi, chị rất xứng đáng là phụ nữ thời đại mới: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”…

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>