Tuổi trẻ xung phong, về già gương mẫu

04/09/2017 | 09:28 GMT+7

Gần 20 năm tham gia cách mạng, bị địch bắt tù đày, trở về thời bình phải chống chọi với những vết thương chiến tranh, nhưng ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, bệnh binh Lê Minh Thoại (Năm Thoại), hội viên Chi hội Cựu chiến binh ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, vẫn hăng say lao động sản xuất.

Dù là bệnh binh nhưng với tinh thần vượt khó, ông Năm Thoại đang thành công với mô hình sản xuất bưởi da xanh.

Năm 1956, khi miền Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, theo tiếng gọi của đất nước, người thanh niên Lê Minh Thoại khi ấy mới 13 tuổi đã tình nguyện tham gia du kích ở địa phương. Sau đó được phân công về công tác tại Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1, Quân khu 9 đến ngày giải phóng. Trong chiến tranh, dù nhiều lần bị địch bắt tra tấn dã man nhưng người thanh niên Lê Minh Thoại vẫn giữ nguyên khí tiết của người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Ông Thoại kể, có lần ông bị địch phục kích bắt giữ trong lúc làm nhiệm vụ. Chúng đem nhốt ông ở nhà giam Chương Thiện. Để khai thác thông tin về lực lượng của ta, địch dùng mọi biện pháp để tra tấn, từ những trận đòn dã man đến việc nhốt ông trong thùng phuy hay chuồng cọp. Ông Thoại khẳng định: “Bọn địch dùng mọi biện pháp để hòng lấy được thông tin về lực lượng của ta, nhưng bản thân luôn ý thức truyền thống gia đình cách mạng, với gần 30 người tham gia qua hai trận chiến, nhất là hình ảnh người mẹ mình đã nén nỗi đau trước sự hy sinh của chồng con mà tôi kiên cường bảo vệ tổ chức, đồng đội, giữ trọn lời thề sắt son với Tổ quốc”.

Sau năm 1975, do ảnh hưởng bởi thương tích trong chiến tranh và bấy giờ hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông Năm Thoại đã xin giải ngũ trở về địa phương. Thời gian đầu, ông Năm Thoại phải mất nhiều năm liền điều trị bệnh về thần kinh. Khi sức khỏe có phần ổn định trở lại thì cũng là lúc cuộc sống gia đình rơi vào cảnh “thiếu trước hụt sau”. Không đầu hàng số phận, ông Năm Thoại một lần nữa vực dậy tinh thần người lính Bộ đội Cụ Hồ, “vững tay cày” trong lao động sản xuất.

Trên 4 công đất hương hỏa của gia đình ở “rốn phèn” Hòa An nên canh tác lúa không hiệu quả, từ đó ông quyết tâm cải tạo để nuôi cá, nhưng thu nhập vẫn bấp bênh. Thế là ông chủ động tìm tòi học hỏi kỹ thuật qua báo đài, nhất là kỹ thuật chiết cành, lên liếp trồng cây có múi. Từ vài gốc bưởi da xanh ban đầu của gia đình, vậy mà gần 5 năm trở lại đây, ông đã nhân giống thành công gần 200 gốc và trồng xen trong vườn sầu riêng, đạt năng suất hơn 7 tấn trái mỗi năm.

Thu nhập từ bưởi và sầu riêng mỗi năm mang về cho gia đình ông Thoại hơn 150 triệu đồng. “Điều mà bản thân tâm đắc nhất lúc này chính là mình đã phát huy được tinh thần của người lính Cụ Hồ. Lúc còn trẻ, đất nước có chiến tranh thì hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc, khi đất nước hòa bình thì hăng say lao động sản xuất và trở về già cũng phải làm một điều gì đó có ích để con cháu noi theo”, ông Thoại chia sẻ.

74 tuổi, không chỉ vươn lên làm kinh tế giỏi, ông Năm Thoại còn giúp đỡ bà con hội viên trong xã bằng cách chiết cây giống hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác để cùng nhau tăng gia sản xuất. Ông Lê Văn Cát, người dân ở ấp 8, xã Hòa An, cho hay: “Hiện nay, các con ông Thoại đều lập gia đình và thành đạt. Còn ông bà tuy tuổi già nhưng vẫn cần mẫn bên mảnh vườn thửa ruộng. Mỗi khi bà con trong ấp gặp khó khăn, ông đều sẵn lòng giúp đỡ. Ngoài việc cho không cây giống với những ai thuộc diện hộ nghèo cần chuyển đổi cây trồng, ông còn tận tình chỉ dẫn kỹ thuật canh tác cho họ”.

 Ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa An, cho rằng: Dù là bệnh binh nhưng ông Năm Thoại vẫn hăng say lao động sản xuất, luôn khẳng định là hội viên gương mẫu, nòng cốt của Chi hội Cựu chiến binh ấp 8. Trong mỗi lần sinh hoạt, chúng tôi thường xuyên nêu tấm gương của ông để hội viên cùng học tập làm theo. Nhờ đó mà trong hội xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu, mô hình hay trong sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, ấp 8 chỉ còn 2 hộ nghèo trên tổng số 24 hội viên”.

Tuổi cao chí càng cao, thành công của ông Năm Thoại xứng đáng là tấm gương tiêu biểu về hình ảnh của người cựu chiến binh “tàn nhưng không phế”.

Với những đóng góp của mình, ông Lê Minh Thoại vinh dự được Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ khen thưởng vì có thành tích tiêu biểu trong kháng chiến. Ông còn là cựu chiến binh tiêu biểu, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.

 

Bài, ảnh: THANH DUY - NGỌC ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>