Giúp phụ nữ thích ứng với biến đổi khí hậu

22/07/2021 | 08:06 GMT+7

Nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về biến đổi khí hậu (BĐKH), tạo điều kiện để chị em thực hiện các mô hình sản xuất thích ứng, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Vị Thanh đã nhân rộng, triển khai nhiều mô hình sinh kế thích ứng ở các xã, phường.

Bà Ly thực hiện mô hình xen canh ổi - khóm thích ứng với BĐKH.

Năm 2020, Hội LHPN xã Vị Tân vận động hội viên, phụ nữ trên địa bàn ấp 1 tham gia mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH. Sau 1 năm hoạt động, từ 5 thành viên ban đầu đến nay nâng lên 10.

Bà Phan Thị Ngọc Trinh, Chủ tịch Hội LHPN xã, cho biết: “Do ảnh hưởng của BĐKH nên tình trạng xâm nhập mặn, ngập lụt gây ảnh hưởng lớn đến diện tích sản xuất của hội viên trên địa bàn. Mô hình ở ấp 1 giúp chị em chuyển đổi sản xuất phù hợp hơn với điều kiện khí hậu bất thường”.

Tham gia mô hình, các chị được tạo điều kiện dự các buổi tập huấn, truyền thông về BĐKH để nâng cao nhận thức về tác động của nó đối với đời sống, từ đó linh động xây dựng các mô hình phù hợp; Hội cũng tạo điều kiện để thành viên mô hình tiếp cận vốn vay trong sản xuất…

Tham gia mô hình từ những ngày đầu thành lập, bà Bùi Thị Chi, ở ấp 1, xã Vị Tân, tiên phong trong chuyển đổi hình thức sản xuất thích ứng. “Tôi được tiếp cận vốn vay 50 triệu đồng để đầu tư đê bao khép kín trồng khóm và cây ăn trái như: bưởi, mít, dừa; tận dụng diện tích mặt ao, tôi còn thả nuôi các loại cá để bán nhằm tăng thêm nguồn thu trên cùng diện tích”, bà Chi chia sẻ.

Qua gần 1 năm chuyển đổi phương thức nuôi trồng, hiện rẫy khóm và vườn cây trái của gia đình bà phát triển rất tốt. Lấy ngắn nuôi dài trong thời gian chờ khóm thu hoạch, bà trồng xen bắp vào khóm để kiếm thêm thu nhập hàng ngày.

Cùng là thành viên mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH ở ấp, bà Nguyễn Khánh Ly đang sở hữu trên 1ha khóm mới chuyển đổi từ mía sang được 1 năm, ngoài cây khóm, bà Ly còn trồng xen rau má, ổi, nhãn… Theo bà Ly, với hình thức xen canh rau má - khóm, ổi - khóm đã giúp bà có nguồn thu ổn định hàng tháng, riêng khóm thì cách vài tháng thu hoạch một lần nên nguồn thu này bà dành để tích lũy.

Theo Hội LHPN thành phố, tiếp tục nhân rộng mô hình hiệu quả và qua phát động từ năm 2021 đến nay, thành phố ghi nhận nhiều mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH. Mỗi xã, phường thành lập ít nhất 1 mô hình, có một số địa phương đã nhân lên 2-3 mô hình.

“Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy có nhiều mô hình phát huy được hiệu quả tích cực, nhận thức của chị em hội viên về BĐKH được nâng lên. Các chị đã chủ động tìm hiểu, học tập các mô hình mới, phù hợp hơn với thực tế. Một số chị mạnh dạn bỏ phương thức cũ, ứng dụng nhiều tiến bộ vào sản xuất để tiết kiệm nước tưới, sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ nhằm hạn chế tác động xấu cho môi trường. Ngoài ra, các chị còn nâng cao ý thức tự giác trong phân loại, xử lý rác thải hộ gia đình, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng gây BĐKH…”, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Vị Thanh, cho biết. 

Cũng theo bà Ánh, nâng cao hơn nữa hiệu quả các mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH, thời gian tới, Hội tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội tập trung củng cố, nâng chất hiệu quả hoạt động mô hình sẵn có. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia mô hình để nâng số lượng thành viên. Đối với những địa phương có điều kiện nhân rộng thì tiến hành sớm ở các chi hội khác trong địa bàn.

Bài, ảnh: QUỲNH LAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>