Dân vận - Chuyện không của riêng ai

27/08/2020 | 18:10 GMT+7

Bài 3: Dân vận mang lại sự đoàn kết, tiến bộ, phát triển

Về ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, lần này ngỡ ngàng về sự đổi thay diện mạo, đời sống người dân phát triển. Những con đường đất lầy lội vào mùa mưa ngày nào được bê tông hóa rộng rãi, phẳng phiu; những ngôi nhà tường mới toanh mọc lên ngày càng nhiều. Góp phần vào kết quả chung ấy là công tác dân vận...

Đại đức Thích Quảng Nguyên (bìa phải), Trụ trì chùa Bảo Tịnh, tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Thay đổi nhận thức mang lại sự tiến bộ

Có 531 hộ Khmer, chiếm tỷ lệ hơn 70% tổng số hộ nên ấp 5 được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án đầu tư dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ vậy diện mạo của ấp ngày càng đổi khác. Tuy nhiên, ông Trần Đệ, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp 5, cho rằng, chính nhận thức, cách nghĩ, cách làm của người dân trong ấp, nhất là đồng bào Khmer ngày càng tiến bộ là nền tảng tạo nên sự phát triển mọi mặt của ấp những năm gần đây.

Cùng quan điểm đó, ông Trần Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xà Phiên, cho biết: “Cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên phối hợp với các vị sư sãi của các chùa và những người có uy tín tích cực vận động, thuyết phục đồng bào Khmer ở ấp 5 nói riêng và toàn xã nói chung thay đổi cách nghĩ, cách làm, tiếp thu những cái tiến bộ và xóa dần những thứ lạc hậu, không còn phù hợp. Nhờ vậy mà đồng bào Khmer không còn ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước, biết nỗ lực vươn lên trong cuộc sống”.

Nói rồi, ông Sơn dẫn tôi đến nhà ông Sơn Kích, ở ấp 5, xã Xà Phiên, một “lão làng” rất có uy tín trong đồng bào Khmer ở địa phương. Đã 72 tuổi, nhưng hễ được nhờ là ông Sơn Kích lại cùng với cấp ủy, chính quyền đến tận nhà những hộ đồng bào Khmer trong ấp để tuyên truyền, vận động.

Gia đình ông Sơn Kích ngày trước cũng từng một thời khốn khó nhưng nhờ chí thú làm ăn nên hiện nay không phải lo cái ăn, cái mặc. Đặc biệt là 3 người con của ông đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Nhờ sự tiêu biểu đó nên khi ông mở lời vận động thì nhiều hộ đồng bào Khmer đã nghe theo. Họ biết chí thú làm ăn, tránh xa cờ bạc, rượu chè, tạo điều kiện cho con em đến trường để học cái chữ…

Hộ anh Danh Thi, ở ấp 5, từng là hộ nghèo vì ít đất sản xuất và nuôi 3 đứa con nhỏ. Được Chi bộ ấp và ông Sơn Kích vận động nên người thanh niên dân tộc Khmer này quyết chí làm ăn. Ngoài làm thuê, anh và vợ còn nuôi vịt, heo, lươn, dù quy mô không lớn nhưng cũng giúp có thêm thu nhập.

Năm 2019, gia đình anh được tạo điều kiện vay số vốn 30 triệu đồng để cất lại nhà. Có được căn nhà mới khang trang cộng với nguồn thu nhập khá từ việc làm thuê, chăn nuôi nên gia đình anh Danh Thi chính thức thoát nghèo vào cuối năm ngoái.

Anh Danh Thi nói: “Nếu cứ trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước thì biết bao giờ cuộc sống mới khá lên được. Chính quyền địa phương đã vận động, thuyết phục, định hướng giúp những hộ đồng bào dân tộc như tôi biết được những việc nên làm và không nên làm. Nhờ nhận thức đúng nên tôi mới chí thú làm ăn, cuộc sống nhờ vậy đã tốt hơn trước”.

Câu chuyện của anh Danh Thi không phải là hiếm ở ấp 5. Ông Trần Đệ, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp 5, cho biết, nhiều hộ đồng bào Khmer trên địa bàn ấp có cuộc sống ngày một tốt hơn nhờ thực hiện có hiệu quả mô hình nuôi lươn, gà... Có hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm. Những hộ không có điều kiện phát triển kinh tế ở địa phương thì cũng đi làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Số trường hợp… ở không hầu như không còn. Nhờ vậy mà tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định, xóm làng bình yên.

Ông Đệ thông tin thêm, có thời điểm tỷ lệ hộ nghèo của ấp lên tới 273 hộ. Nguyên nhân là do nhiều hộ có ít đất sản xuất nhưng không chịu chí thú làm ăn, rồi rượu chè... Đến nay, số hộ nghèo của ấp còn 114 hộ. “Số hộ nghèo này còn cao nhưng như vậy là đỡ lắm rồi. Đó là cả một quá trình miệt mài, kiên trì vận động, thuyết phục để nâng cao nhận thức của đồng bào Khmer về phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, gắn kết tinh thần cộng đồng”, ông Trần Đệ quả quyết.

Ông Sơn Kích hiểu rõ sự đổi thay, phát triển của xóm ấp mình: “Chú thấy đó, nhiều hộ đồng bào Khmer trong ấp cất nhà tường to đẹp trị giá mấy trăm triệu đồng. Bây giờ nhà bằng cây lá hầu như không còn nữa. Rõ ràng, khi nhận thức đã thay đổi thì bà con Khmer đã làm được nhiều việc tốt để nâng cao cuộc sống của mình và làm giàu cho xã hội. Còn riêng tôi sẽ tiếp tục cùng cấp ủy, chính quyền địa phương ra sức vận động, thuyết phục nâng cao hơn nữa nhận thức của bà con, làm đến khi nào không thể nữa mới thôi”.

“Chất keo” kết dính cộng đồng

Những điều mắt thấy tai nghe ở ấp 5 đã mang lại cho phóng viên những cảm xúc rất đặc biệt. Gặp và chia sẻ với anh Nguyễn Nam Nghĩa, cán bộ tuyên giáo - dân vận Đảng ủy phường VII, thành phố Vị Thanh, về điều mình nghĩ: Một khi công tác dân vận được thực hiện tốt sẽ làm thay đổi nhận thức và hành động của nhiều người, mang đến những kết quả tích cực.

Anh Nghĩa đồng tình với suy nghĩ đó và nói thêm rằng: Công tác dân vận còn có thể kết nối cộng đồng, tăng cường sự đoàn kết giữa cấp ủy, chính quyền với người dân. Như muốn chứng minh điều mình nói, anh rủ tôi đến khu vực 2, phường VII, nơi có nhiều tín đồ phật giáo và ngôi chùa Bảo Tịnh do đại đức Thích Quảng Nguyên làm trụ trì.

Trên đường vào chùa, anh Nghĩa chỉ cho tôi xem đoạn bờ kè sinh thái dài 400m ven kênh Chủ Chẹt được xây dựng vào năm 2019 và nhấn mạnh đó là kết quả cụ thể mà công tác dân vận đã gắn kết được cộng đồng cùng chung tay xây dựng.

Qua gặp gỡ, trao đổi, tôi hiểu được đại đức Thích Quảng Nguyên cũng rất tâm đắc với công trình này: “Kênh Chủ Chẹt ở khu vực 2 bao đời nay dẫn nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương, nhưng do dòng chảy ngày càng mạnh nên nguy cơ sạt lở đã xuất hiện ven bờ kênh này. Thấy vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với nhà chùa thuyết phục, vận động người dân đóng góp xây dựng bờ kè sinh thái chống sạt lở. Nhờ uy tín và sự khéo léo trong vận động, thuyết phục nên nhiều hộ dân đã đồng lòng đóng góp tiền và ngày công để thực hiện”.

Tùy theo điều kiện thực tế mà người dân có hình thức đóng góp khác nhau, ai có tiền thì góp tiền, không có thì góp ngày công lao động. Riêng gia đình ông Lê Thanh Hùng đóng góp mấy triệu đồng làm bờ kè. “Số tiền không nhỏ nhưng hiệu quả mang lại là rất lớn. Cả xóm tôi đồng lòng nên đoạn bờ kè nhanh chóng được xây dựng hoàn thành. Trên mặt bờ kè, chúng tôi trồng dừa, cà na, khi cây lớn sẽ bám rễ sâu giữ cho đất bờ kè thêm vững chắc và có thể thu hoạch trái dừa, cà na bán kiếm thêm thu nhập”, ông Hùng bộc bạch.

Trong những ngày làm bờ kè, hễ rảnh rỗi là lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường VII lại góp sức cùng người dân đóng tràm, đổ đất làm bờ kè. Họ chia sẻ rằng, người cán bộ phải gương mẫu làm trước thì việc thuyết phục, vận động người dân sẽ dễ dàng hơn…

Ngoài xây dựng bờ kè sinh thái, phóng viên còn nghe người dân ở khu vực 2 rất đồng lòng trong bảo vệ môi trường. Trước đây, có tình trạng người dân nơi đây vô tư bỏ rác thải sinh hoạt xuống kênh Chủ Chẹt. Nhưng nay họ đã biết bỏ rác thải vào những hố đựng được xây dựng bằng bê tông; nhà nào không thực hiện tốt sẽ bị hàng xóm nhắc nhở.

“Để thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường là việc không hề đơn giản. Lúc đầu tuyên truyền, vận động thì bà con chẳng mấy để tâm, nhưng dần dà họ đã thấu hiểu và có hành động thiết thực để bảo vệ môi trường. Cứ 1-2 tháng là chính quyền địa phương phối hợp với nhà chùa vận động người dân, tín đồ, phật tử ở khu vực 2 tổ chức phát quang bụi rậm, dọn dẹp cảnh quan. Tất cả cùng đoàn kết thực hiện tốt việc này đã giúp cho khu dân cư ngày càng sạch đẹp”, đại đức Thích Quảng Nguyên cho biết.

Qua những câu chuyện kể trên cho thấy giá trị mà công tác dân vận mang lại là rất to lớn nếu làm đúng cách, đúng đối tượng và thời điểm. Ở đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền với những người có uy tín trong cộng đồng, những vị sư sãi, trụ trì các cơ sở tôn giáo nên công tác vận động, thuyết phục đạt hiệu quả cao hơn.

Đó là những bài học quý để những người làm công tác dân vận có thể vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là ở những nơi có đông đồng bào dân tộc, tín đồ tôn giáo. Đáng chú ý là bài học này cùng nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn khác được đúc kết trong công tác dân vận trên địa bàn tỉnh hơn chục năm qua đã được tổng kết và hệ thống lại thành sách; là cẩm nan để cả hệ thống chính trị và những người làm công tác dân vận có thêm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ trong tình hình mới.

Toàn tỉnh có 71 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm sản xuất và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

--------------------------------

Bài 4: Dân vận ở Hậu Giang được đúc kết thành sách

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>