Dân vận - Chuyện không của riêng ai

26/08/2020 | 17:06 GMT+7

Ở Hậu Giang, có nhiều người dân làm công tác dân vận rất giỏi. Họ có thể vận động được nhiều người cùng góp sức vào một công việc chung; một mình họ có thể giúp đỡ được nhiều người khác...

Ông Bảy (bìa trái) phấn khởi đi trên chiếc cầu Tư Việt mà ông góp công vận động kinh phí để xây dựng.

Bài 2: Khi người dân làm... dân vận

Họ chẳng rành rẽ lý luận về công tác dân vận; chỉ hiểu và thực hiện đơn giản là dùng uy tín và sự ảnh hưởng của mình để vận động, thuyết phục người khác thực hiện theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng nhau đoàn kết hành động vì cộng đồng phát triển, xóm ấp an vui.

Không tự ái mới làm tốt dân vận

Thời gian gần đây, người dân ấp 10, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, rất phấn khởi khi đi qua tuyến lộ Bờ Xam dài 1.300m, ngang 2m mới được đưa vào sử dụng, và họ không quên cảm ơn ông Sáu Nghé (Nguyễn Văn Nghé), ở ấp 10, đã bỏ ra nhiều công sức vận động, thuyết phục người dân đóng góp kinh phí để xây dựng tuyến này.

Lộ Bờ Xam trước đây từng là nỗi ám ảnh của người dân vì xuống cấp trầm trọng do xây dựng đã lâu. Thấy vậy, ông Sáu Nghé phối hợp cùng Chi bộ ấp đến nhà từng gia đình sống ven tuyến lộ vận động họ đóng góp tiền làm lại lộ mới. Hiểu việc ông Sáu Nghé vận động, thuyết phục là chính đáng nên người dân không ngần ngại đóng góp tùy theo điều kiện của gia đình.

Sẵn sàng đóng góp 5 triệu đồng tiền mặt và 15m3 cát để xây lộ, ông Trịnh Thanh Tùng, chủ cơ sở vật tư nông nghiệp ở ấp 10, chia sẻ: “Tôi không ngần ngại đóng góp vì nghe ông Sáu Nghé nói có lý có tình. Trách nhiệm của mỗi người dân là phải đóng góp để xây dựng địa phương mình phát triển hơn”.

Trước đó, ông Sáu Nghé cũng đã vận động kinh phí xã hội hóa để giặm vá tuyến lộ Ba Thước dài 300m; sửa chữa cầu Bờ Xam với số tiền hơn 10 triệu đồng. Mới đây, ông tiếp tục phối hợp với Chi bộ ấp vận động, thuyết phục người dân ven tuyến lộ Chín Thước đóng góp kinh phí xây dựng mới tuyến lộ này. Người dân bày tỏ sự đồng tình cao nên rất có thể tuyến lộ Chín Thước sớm được xây dựng, giúp cho giao thông nông thôn ở ấp 10 cơ bản hoàn thiện.

Chưa kể hàng năm, thông qua các mối quan hệ, ông Sáu Nghé còn vận động mạnh thường quân gần xa tặng hàng chục phần quà gồm gạo, nhu yếu phẩm cho gia đình nghèo của ấp.

Chị Hồ Ngọc Sương, cán bộ tuyên giáo - dân vận Đảng ủy xã Vĩnh Trung, đánh giá: “Bằng uy tín và sự khéo léo trong cách vận động, thuyết phục, chú Sáu Nghé cùng với cấp ủy địa phương vận động người dân đóng góp xây dựng, sửa chữa nhiều tuyến lộ, cây cầu, giúp diện mạo ở ấp 10 ngày càng đổi khác”.

Ít người biết ông Sáu Nghé từng là chiến sĩ địa phương quân Long Mỹ trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tinh thần yêu nước thời chiến thôi thúc ông phải làm việc gì đó để đóng góp cho quê hương phát triển thời bình. “Tôi coi trên báo chí thấy nhiều người dân rất tích cực tham gia công tác xã hội nên tôi làm theo. Nếu mình có cố gắng, quyết tâm cũng sẽ làm được như họ”.

Từ suy nghĩ đó nên ông Sáu Nghé bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội từ năm 2008, đến nay không nhớ hết những việc đã làm cho địa phương. Chỉ biết là chuyện xây dựng cầu, đường trên địa bàn ấp 10 thì ông Sáu Nghé đều tham gia vận động...

Dù làm việc tốt nhưng lòng ông Sáu Nghé vẫn có những trăn trở: “Khi vận động thì nhiều người nghe nhưng cũng có người cười nhạo và nói tôi “rảnh quá”, “ăn cơm nhà lại toàn lo chuyện người ta”. Đôi lúc cũng buồn, tự ái lắm chứ nhưng nghĩ về lợi ích chung nên tôi dẹp bỏ hết, cố gắng kiên trì vận động, thuyết phục đến khi nào họ làm theo mới thôi”.

Gia đình có kinh tế khá và được vợ, con hết lòng ủng hộ nên ông Sáu Nghé yên tâm làm những việc có lợi cho xóm ấp. Ở ấp 10 vẫn còn một số tuyến lộ, cây cầu xuống cấp đang chờ ông Sáu Nghé...

Ông Sáu Nghé (phải), ở ấp 10, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, trong một lần vận động người dân đóng góp kinh phí xây dựng cầu, đường ở địa phương.

Dân vận khéo trong hàn gắn mâu thuẫn

Người dân ở ấp Đông Bình, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, luôn thể hiện tinh thần tối lửa tắt đèn có nhau, nhưng đâu đó vẫn có mâu thuẫn không tự giải quyết dẫn tới đơn thư phản ánh vẫn còn xảy ra. Khi ấy, ông Hai Yên (Nguyễn Hữu Yên), ở ấp Đông Bình, lại đứng ra hòa giải.

Vừa qua, vợ chồng anh P. vì những xích mích nhỏ và có cả sự hiểu lầm của cha mẹ đôi bên nên đòi ly hôn. Thấy vậy, ông Hai Yên đến nhà gặp gỡ, tìm hiểu nguyên nhân. Nhận thấy hai vợ chồng trẻ vẫn còn tình cảm và ràng buộc nhau đứa con nên ông dùng lời lẽ có lý có tình để thuyết phục, xóa bỏ mâu thuẫn. Kết quả, vợ chồng anh P. không muốn ly hôn và 2 bên thông gia bắt tay làm hòa.

Ông Hai Yên nhớ có lần một số hộ gia đình vì chuyện bơm nước cứu vườn cam khỏi cảnh ngập úng đã mâu thuẫn và muốn đánh nhau. Biết tin, ông đến nhà thuyết phục cho đến tối thì mâu thuẫn được dàn xếp.

Đó chỉ là 2 trong số nhiều mâu thuẫn, xung đột trong ấp đã được ông Hai Yên đứng ra hòa giải thành công. Là người có uy tín và nói chuyện khéo léo nên ông Hai Yên dễ dàng thuyết phục, giúp hạ nhiệt những mâu thuẫn, xích mích. 15 năm tham gia công tác hòa giải của ấp, ông không nhớ đã hòa giải thành bao nhiêu vụ việc. Tính riêng từ đầu năm đến nay, đã hòa giải thành 3/4 vụ việc.

Những lúc rảnh rỗi, ông lại đọc và nghiên cứu quy định của các văn bản luật thường áp dụng trong công tác hòa giải để áp dụng. Ngoài yếu tố pháp lý, ông Hai Yên cho rằng cái tình cũng rất quan trọng. “Người dân mình sống trọng tình nghĩa lắm, nhưng vì mâu thuẫn không ai chịu nhịn ai mới dẫn đến kiện tụng, tranh chấp. Do đó, khi hòa giải, tôi nói rất nhiều đến việc giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Nhiều người đã hiểu và không còn mâu thuẫn nữa, tình nghĩa lại đong đầy như trước”, ông Hai Yên chia sẻ.

Ông Đinh Văn Thắng, Trưởng ấp Đông Bình, đánh giá: “Hễ ở đâu trong ấp có mâu thuẫn, xích mích là chú Hai Yên lại có mặt để hòa giải. Tôi và người dân rất trân trọng tinh thần và sự đóng góp đó”.

Ngoài tham gia hòa giải, ông Hai Yên còn tích cực cùng Chi bộ ấp đi tuyên truyền, vận động người dân đóng góp xây dựng, sửa chữa cầu, đường ở địa phương. Điển hình như nhờ ông góp sức vận động mà người dân sống cặp kênh Lạc đã đóng góp kinh phí để xây dựng bờ kè sinh thái dài 1.100m chống sạt lở...

Hơn 80 tuổi, sức khỏe yếu nên nhiều lần ông Hai Yên xin thôi tham gia tổ hòa giải nhưng Chi bộ ấp chưa chịu…

Ông Hai Yên (trái), ở ấp Đông Bình, thị trấn Ngã Sáu, hết lòng vì sự phát triển của xóm ấp.

Phải kiên trì, nhẫn nại trong dân vận

Đó là lời chia sẻ chân thật của ông Châu Văn Bảy, ở ấp Tân Thạnh Tây, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A. Nhiều người quen thân hay nói vui ông Bảy cứ lo chuyện bao đồng. Họ nói vậy không phải để chê trách mà là sự trân quý tấm lòng của ông dành cho quê hương xứ sở. Cũng có người gọi lão nông này là “già làng” vì ông là người có uy tín và là một “chuyên gia” đi vận động, thuyết phục người dân thực hiện các phong trào của ấp.

Tuyến đường đan vào nhà ông Bảy dù được xây dựng khá lâu nhưng vẫn phẳng phiu. Bà Huỳnh Thị Ân, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Tân Thạnh Tây, cho biết: “Thấy đoạn đường nào bị xuống cấp là ông Bảy liền vận động người dân đóng góp tiền, vật liệu để giặm vá. Tính ổng là vậy, thấy chuyện gì khó khăn trong xóm là kêu gọi mọi người cùng góp sức khắc phục ngay”.

Ông Bảy nói không nhớ hết những việc đã làm lợi cho xóm ấp nhờ “tài ăn nói” của mình. Lần ông nhớ nhất có lẽ là vận động tiền để bắc mới cây cầu Tư Việt nối đôi bờ rạch Ông Tam Nhỏ.

Chuyện là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vận động mạnh thường quân ở Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng cầu Tư Việt, nhưng để hoàn thành cầu này thì kinh phí đội lên hơn 60 triệu đồng. Khi ấy, trong đầu ông Bảy cứ lo lo: “Nếu không đủ tiền thì cây cầu sẽ không được xây dựng, người dân sẽ còn vất vả khi đi lại trên cây cầu cũ”. Suy nghĩ ấy đã thôi thúc ông vận động các hộ dân sống gần cầu góp tiền, nhưng chỉ với các gia đình khá giả còn hộ nghèo thì thôi.

Là người có uy tín ở địa phương nên nghe ông Bảy mở lời thì nhiều người đồng ý. Có người ủng hộ vài trăm ngàn đồng, nhưng cũng có trường hợp đóng góp đến bạc triệu. Hộ ông Lâm Bá Hận ở gần cầu đã tự nguyện đóng góp 1 triệu đồng cùng nhiều ngày công lao động, chia sẻ: “Nghe ông Bảy và các đảng viên trong Chi bộ ấp mở lời vận động nghe lọt tai nên gia đình tôi đóng góp ngay”, ông Hận chia sẻ.

Nhờ ông Bảy vận động nên người dân đã đóng góp đủ số tiền còn thiếu; cây cầu Tư Việt nhanh chóng được triển khai thi công và hoàn thành trong niềm vui của người dân trong ấp.

“Trước hết phải hiểu rõ tính nết của người mà mình sẽ vận động để có cách tiếp cận, gợi mở phù hợp. Sự kiên trì, nhẫn nại cũng rất cần thiết; nếu vận động một lần không được thì đến lần thứ hai, thứ ba… Mình phải nói làm sao cho thật dễ hiểu để người nghe dễ tiếp thu và làm theo điều mình nói”, ông Bảy chia sẻ.

Ngoài ông Sáu Nghé, ông Hai Yên, ông Bảy, Hậu Giang còn nhiều lắm những trường hợp người dân giỏi làm dân vận, góp phần khẳng định dân vận là sự nghiệp chung, ai có khả năng và muốn mang lại lợi ích cho cộng đồng đều có thể tham gia.

Ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ đông đồng bào Khmer sinh sống, nhưng diện mạo nông thôn và đời sống người dân đang có bước chuyển mình nhờ ý Đảng - lòng dân hòa hợp xuất phát từ chuyện dân vận khéo...

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Bài 3: Dân vận mang lại sự đoàn kết, tiến bộ, phát triển

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>