Công tác phụ nữ ngày càng hiệu quả

22/06/2022 | 09:08 GMT+7

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tỉnh ủy đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí cán bộ nữ được quan tâm hơn; số lượng cán bộ nữ là lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị tăng. Bên cạnh đó, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) có nhiều cố gắng đổi mới phương thức hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Chị Lê Thị Ngọc Giang (bìa trái), Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường VII, thành phố Vị Thanh, luôn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao.

Số lượng nữ tham gia cấp ủy các cấp tăng

Ông Lư Xuân Sơn, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết, thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đảng đoàn Hội LHPN tỉnh tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị. Cụ thể, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ được quan tâm giúp cho trình độ, năng lực của cán bộ nữ được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Trong khi đó, công tác quy hoạch cán bộ nữ được quan tâm, tỷ lệ cán bộ nữ được giới thiệu đưa vào quy hoạch đạt và vượt so với các quy định về công tác quy hoạch cán bộ ở các cấp, từ đó công tác nhân sự cán bộ nữ được giới thiệu bầu và trúng cử trong cấp ủy các cấp nhiệm kỳ này tăng so với nhiệm kỳ trước.

Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2015-2020, đại hội chi, đảng bộ cơ sở bầu 2.720 cấp ủy, trong đó nữ có 463, chiếm hơn 17%; đại hội cấp trên cơ sở bầu 346 cấp ủy, trong đó nữ có 37, chiếm tỷ lệ hơn 10,69%; Đại hội Đảng bộ tỉnh bầu 52 cấp ủy, trong đó nữ có 7, chiếm 13,46%. Đến nhiệm kỳ 2020-2025, đại hội chi, đảng bộ cơ sở bầu 2.834 cấp ủy, trong đó nữ có 580, chiếm tỷ lệ 20,46%; đại hội cấp trên cơ sở bầu 401 cấp ủy, trong đó nữ có 59 đồng chí, chiếm 14,71%; Đại hội Đảng bộ tỉnh bầu 50 cấp ủy, trong đó nữ có 10 đồng chí, chiếm tỷ lệ 20%.

Điều đáng mừng là cán bộ nữ khi được phân công nhiệm vụ, đề bạt, bổ nhiệm thì hầu hết các chị đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị, địa phương. Trước khi làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường VII, thành phố Vị Thanh, chị Lê Thị Ngọc Giang trải qua nhiều vị trí công tác tại phường như: Phó Chủ tịch rồi đến Chủ tịch Hội LHPN phường, Phó Chủ tịch UBND phường… Nhờ vậy mà chị am hiểu sâu ở các lĩnh vực, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, điều hành công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong công tác xây dựng Đảng, chị tham mưu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy phường chủ động đề ra các giải pháp cho công tác quản lý, phát triển đảng viên, công tác nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể. Theo chị Giang, điều quan trọng nhất mà người cán bộ lãnh đạo cần có chính là sự nêu gương, tiên phong trong mọi việc.

Chị đã thể hiện điều đó bằng sự chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đảm bảo hoàn thành trước hoặc kịp thời gian. “Việc của bản thân mình nếu để chậm trễ sẽ gây ảnh hưởng đến tập thể, đến việc chung, do đó tôi chủ động làm sớm các công việc do tập thể giao. Cán bộ lãnh đạo nếu làm tốt thì anh em cấp dưới sẽ làm theo, công việc chung được thực hiện trôi chảy”, chị Giang chia sẻ.

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Giang cùng với tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực vận động xã hội hóa trao tặng nhiều phần quà cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền vận động bà con thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch.

Tuổi đời mới hơn 40, chị Giang đang thể hiện sự nhiệt huyết để cùng tập thể thực hiện tốt nhiệm vụ đã đề ra và được thành phố giao. “Tôi không ngừng học hỏi, rèn luyện hoàn thiện bản thân để có đủ khả năng xử lý, giải quyết tốt hơn công việc. Đồng thời, luôn gần gũi lắng nghe tâm tư, những ý kiến đóng góp của người dân, từ đó kịp thời giải đáp những thắc mắc, kiến nghị ngay từ cơ sở. Có như vậy mới dễ dàng vận động bà con đồng tình, ủng hộ thực hiện các phong trào của địa phương”, chị Giang cho biết thêm.

Cùng với chị Giang, nhiều cán bộ nữ trong tỉnh đã và đang được tạo điều kiện, trao cơ hội để vươn lên khẳng định mình, tham gia đảm nhiệm các vị trí quản lý, chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Tập trung xây dựng tổ chức hội vững mạnh       

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho rằng nhờ thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị đã giúp các cấp hội LHPN có sự trưởng thành. Cụ thể hóa thực hiện nghị quyết này, Hội LHPN tỉnh tập trung xây dựng tổ chức hội vững mạnh, phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ công tác hội với việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong đó, ưu tiên các hoạt động phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, bảo vệ môi trường, phòng, chống tệ nạn xã hội, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ an toàn phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc…

“Tất cả những hoạt động trên đã được cụ thể thành những phong trào, mô hình như: phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”… Đồng thời, chúng tôi còn phát huy vai trò của phụ nữ trong làm kinh tế giỏi, sản xuất tiêu thụ nông sản sạch, trồng rau an toàn. Nhờ đó mà trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng đều có đóng góp của phụ nữ bằng các mô hình cụ thể, thiết thực”, bà Nguyễn Thị Thùy Linh nhấn mạnh.

Hội LHPN thị xã Long Mỹ có 42 chi hội, với hơn 11.700 hội viên. Để xây dựng tổ chức hội vững mạnh, hội đã không ngừng củng cố đội ngũ cán bộ hội chuyên trách, các chi hội, tổ, nhóm có đủ phẩm chất, năng lực, đặc biệt có tâm huyết với hoạt động hội và phong trào phụ nữ để dẫn dắt phong trào phát triển từ cơ sở.

Bà Lâm Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Long Mỹ, cho biết, hàng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN thị xã chủ động tham mưu, phối hợp mở các lớp tập huấn các kỹ năng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh phát triển kinh tế hộ; đồng thời hướng dẫn xây dựng mô hình, tổ hợp tác, tổ liên kết, kỹ năng nuôi dạy con... Qua đó giúp mỗi cán bộ hội nắm kiến thức, kỹ năng tập hợp hội viên và triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào do các cấp hội phát động.

Chị Lê Thị Ngọc Giang (thứ 4 từ trái qua), Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường VII, thành phố Vị Thanh, vận động tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Hội LHPN thị xã còn đổi mới phương thức thu hút hội viên. Theo đó, thay vì tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia tổ chức, hội sẽ tạo sức hút với chị em thông qua việc tổ chức thực hiện tốt những việc làm, phần việc cụ thể như: hỗ trợ vốn cho phụ nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế, hỗ trợ sinh kế, vận động xây dựng mái ấm tình thương, hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, trao học bổng cho con em hội viên, phụ nữ nghèo, khó khăn thông qua mô hình “Cùng con đến trường”… Vì thấy hội LHPN các cấp trên địa bàn hoạt động có hiệu quả và mang về lợi ích thiết thực cho hội viên, phụ nữ nên nhiều chị em sẵn sàng tham gia vào tổ chức hội.

Năm 2021, Hội LHPN thị xã phát triển được 341 hội viên; riêng 6 tháng đầu năm nay thu hút 120 hội viên; đồng thời chú trọng biểu dương khen thưởng các gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực nhằm thúc đẩy phong trào thi đua trong hội viên, phụ nữ. Đáng chú ý là hàng năm, có 100% cơ sở hội và 98% chi hội trên địa bàn thị xã đạt vững mạnh.

Tỉnh ủy đánh giá, qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đối với công tác lãnh, chỉ đạo công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ nữ được chú trọng; vai trò, vị trí của phụ nữ tiếp tục được nâng lên thực chất.

Tuy nhiên, Tỉnh ủy cho rằng đời sống, thu nhập của một bộ phận phụ nữ còn thấp; trình độ chuyên môn, tay nghề của nhiều lao động nữ chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nội dung, phương thức hoạt động của các cấp hội LHPN tuy có đổi mới nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu; một số vấn đề bức xúc liên quan đến phụ nữ chưa được quan tâm giải quyết kịp thời, thỏa đáng.

Để thực hiện có hiệu quả công tác phụ nữ trong thời gian tới, Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh công tác giáo dục, tăng cường ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới trong cán bộ, công chức, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới. Chú trọng đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện nội dung, phương thức hoạt động của các cấp hội LHPN; đa dạng hóa nội dung hoạt động nhằm đáp ứng một cách thiết thực, hiệu quả nhu cầu của mọi tầng lớp phụ nữ theo tinh thần hướng mạnh hoạt động về cơ sở, về khu dân cư và tới từng hội viên, phụ nữ…

Tỷ lệ nữ được giới thiệu tham gia ứng cử và trúng cử đại biểu HĐND các cấp ngày càng tăng. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2021-2026, cấp tỉnh có 15 đại biểu nữ trong số 50 đại biểu trúng cử, chiếm tỷ lệ 30% (tăng 16% so với nhiệm kỳ 2011-2016); cấp huyện có 61 đại biểu nữ trong số 245 đại biểu trúng cử, chiếm tỷ lệ 24,9% (tăng 8,96% so với nhiệm kỳ 2011-2016); cấp xã có 504 đại biểu nữ trong số 1.921 đại biểu trúng cử, chiếm tỷ lệ 26,24% (tăng 10,24% so với nhiệm kỳ 2011-2016).

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV trên địa bàn tỉnh, có 2 đại biểu nữ trong số 6 đại biểu trúng cử, chiếm tỷ lệ 33,33% (tăng 16,67% so với nhiệm kỳ 2011-2016).

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>