Hướng đến sản xuất an toàn

13/06/2017 | 08:19 GMT+7

Bài 2: Tiếc cho những mô hình

Xây dựng, phát triển mô hình canh tác nông sản theo hướng an toàn thực phẩm là một trong những mục tiêu quan trọng mà ngành nông nghiệp tỉnh đang hướng tới. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khách quan mà một số mô hình chỉ tồn tại được trong thời gian ngắn.

Nhiều nông dân rất tâm đắc với mô hình canh tác rau xanh trong nhà lưới.

Những năm gần đây, nhiều mô hình canh tác theo hướng an toàn thực phẩm, hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật được ngành chuyên môn Hậu Giang triển khai thực hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là chính những nông dân từng đặt nhiều kỳ vọng vào những mô hình này đang lặng lẽ quay về với lối canh tác truyền thống.

Nghịch lý cung - cầu

Băng qua cây cầu khỉ chênh vênh, chúng tôi tìm đến nhà ông Trương Văn Hên, ở  ấp 1, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, từng là thành viên của Hợp tác xã rau xanh Ổ Sấu. Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Hên cho biết mình đã rời hợp tác xã này hơn 1 năm nay. Dù còn rất tâm đắc với việc trồng rau theo quy trình chuỗi an toàn thực phẩm vốn đã được ngành chuyên môn thành phố, tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện rất bài bản, nhưng ông không thể tiếp tục gắn bó lâu dài với nó.

Ông Hên lý giải: “Hồi đó, tôi được cán bộ chuyên môn hướng dẫn chi tiết về quy trình trồng rau theo hướng an toàn thực phẩm. Đó là một chuỗi liên kết chặt chẽ từ làm đất, gieo giống, bón phân, xử lý thuốc cho đến khi thu hoạch… Tất cả phải được ghi chép cụ thể, rõ ràng và tuân thủ đúng quy trình. Với tôi thì việc đó không khó, thậm chí còn thuận tiện hơn cho mình trong việc theo dõi sâu bệnh, liều lượng phân thuốc đã dùng. Nhưng cái khó ở đây là bỏ công đầu tư kỹ lưỡng mà chưa có được đầu ra ổn định như mong muốn”.

Tương tự ông Hên, trên phần đất 1.500m2 của ông Lê Văn Tám, ở ấp 1, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, vẫn còn trồng luân phiên các loại rau muống, cải xà lách, mồng tơi, rau thơm… Tuy nhiên, chỉ khác một điều là ông không còn sản xuất theo quy trình chuỗi nông sản an toàn nữa. Bởi đối với người nông dân này, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Mặt khác, mô hình còn góp phần tiết giảm một khoản chi phí canh tác đáng kể so với quy trình canh tác thông thường mà ông đã từng thực hiện trước đây.

“Tôi vẫn luôn hạn chế sử dụng phân thuốc, cách ly trước khi thu hoạch dù không còn làm theo chuỗi nữa. Tiếc lắm! Mô hình hay nhưng chỉ thiếu nguồn tiêu thụ nên tôi khó gắn bó lâu dài. Hồi trước, rau sản xuất theo hướng dẫn, tôi thu hoạch rồi tự tiêu thụ ở các chợ. Tôi rất mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp tìm đầu ra cho rau màu trồng theo các mô hình an toàn thực phẩm. Khi rau sạch đã có chỗ đứng trên thị trường, giá cả ổn định thì nhiều người sẽ tự động làm theo”, ông Tám buồn bã tâm sự.

Kỳ vọng ở đầu ra

Để kiếm thêm thu nhập trang trải trong gia đình, 2 năm nay, anh Võ Văn Thắng, ở ấp Phương An A, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, đã tận dụng diện tích khoảng 1.500m2 sân đất trước nhà để trồng các loại rau màu bán để có nguồn thu. Không thuộc hộ khá giả, nhưng anh Thắng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống ống tưới để trồng rau và phần nhà lưới bao phủ bên ngoài để hạn chế sự tấn công của côn trùng, sâu bọ. Từ cách làm này mà anh Thắng giảm được chi phí phân, thuốc, cũng như công chăm sóc.

“Trồng ra một cọng rau, một cây cải thì tôi là người dùng đầu tiên. An toàn cho người tiêu dùng cũng chính là an toàn cho bản thân mình. Đó cũng là lý do tôi mạnh dạn đầu tư phần nhà lưới thay vì trồng ngoài trời. Bước đầu làm thô sơ bằng cây, sau này nếu có nguồn tiêu thụ khá hơn thì tôi tiếp tục đầu tư nhà lưới kiên cố và rộng thoáng hơn để canh tác lâu dài. Thực ra đến với mô hình này là khi xem báo, đài thấy nhiều người trồng nông sản trong nhà lưới hiệu quả, tôi mê quá nên mới bắt chước làm theo”, anh Thắng chia sẻ.

Có lẽ vì hạn chế dùng phân, thuốc bảo vệ thực vật nên các sản phẩm rau của anh Thắng trồng đều được các tiểu thương ở địa phương tin cậy, đặt hàng khá nhiều. Nhưng người nông dân này vẫn mong muốn một điều xa hơn câu chuyện “tự tiêu, tự sản”, đó là kỳ vọng về một nguồn tiêu thụ ổn định dành riêng cho rau màu sản xuất theo hướng an toàn. Vì thế, để những mô hình này tồn tại bền lâu, rất cần sự chung tay của các ngành trong việc hỗ trợ nông dân từ kỹ thuật canh tác đến khâu tiêu thụ.

Hiện Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã vận động được 12 hộ dân tham gia thực hiện mô hình chuỗi liên kết sản xuất nông sản an toàn. Ông Dương Văn Mách, ở phường IV, thành phố Vị Thanh, một trong những hộ tham gia mô hình chuỗi, cho rằng: “Sản xuất theo quy trình, hầu hết nông dân chúng tôi vẫn mong muốn rất nhiều vào ngành chức năng trong việc liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Hy vọng tới đây, giá bán có sự chênh lệch đôi chút so với các loại rau màu được bày bán ở chợ vì chăm sóc kỳ công hơn. Còn nếu tạo dựng được thương hiệu rau sạch hay rau an toàn thì người trồng càng phấn khởi”.

Nhìn lại mô hình sản xuất của anh Thắng cho đến những hộ dân từng gắn bó với quy trình trồng rau theo chuỗi an toàn thực phẩm, kể cả mô hình chuỗi đang được hộ ông Mách triển khai thực hiện, có thể thấy một điểm chung là tất cả họ đều kỳ vọng rất nhiều ở ngành chức năng trong việc hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm. Bởi khi hai mắt xích “sản xuất - tiêu thụ” được liên kết chặt chẽ với nhau sẽ mở ra hướng đi mới trong việc sản xuất, xây dựng và phát triển nông sản an toàn ở Hậu Giang trước nỗi lo của người dân như hiện nay.

Thông tin từ ngành chuyên môn tỉnh, các hộ tham gia sản xuất theo quy trình chuỗi phải tuân thủ nhiều tiêu chí canh tác chặt chẽ. Theo đó, ở khâu gieo trồng, nông dân lập sổ theo dõi liều lượng thuốc sử dụng thời gian phun xịt, chỉ sử dụng thuốc nằm trong danh mục cho phép. Trước khi thu hoạch, phải cách ly an toàn đúng quy định. Ngành chức năng còn tổ chức lấy mẫu giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm để đảm bảo an toàn. Chưa kể là bước đầu, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 3 cửa hàng bày bán thực phẩm tiện ích. Các cửa hàng này chuyên cung ứng những sản phẩm nông, lâm, thủy sản có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có cam kết về chất lượng cho người tiêu dùng.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Bài 3: Liên kết tìm đầu ra cho nông sản an toàn   

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>