Bước tiến cánh đồng lớn

16/07/2019 | 19:05 GMT+7

Những năm gần đây, mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa đã phát huy hiệu quả vì giảm được chi phí, tăng lợi nhuận và có liên kết đầu ra.

Nông dân canh tác lúa trong cánh đồng lớn lợi nhuận tăng thêm từ 20-25% so với bên ngoài.

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước có khoảng 600.00ha cánh đồng lớn được xây dựng, trong đó trồng lúa 516.900ha, chiếm 89,2% với khoảng 619.000 hộ tham gia. ĐBSCL là khu vực có diện tích sản xuất lớn nhất với 427.800ha, chiếm 73,9% diện tích cánh đồng lớn cả nước. Trong đó, cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa khoảng 380.000ha, chiếm 9,2% diện tích gieo trồng lúa vùng ĐBSCL. Một số tỉnh có diện tích liên kết sản xuất lúa trên cánh đồng lớn như Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau…

Hiệu quả kinh tế rõ rệt

Theo Cục Trồng trọt, việc liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt hơn so với sản xuất truyền thống. Theo tính toán, ở ĐBSCL, mỗi héc-ta lúa tham gia cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15% và giá trị sản lượng tăng từ 20-25%, thu lãi thêm từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha.

Lúa trong cánh đồng lớn được bao tiêu và thu mua với giá cao hơn bên ngoài mô hình từ 100-500 đồng/kg.

Tuy nhiên, hiện nay việc hợp tác, liên kết sản xuất ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức, cho nên chưa hấp dẫn để thu hút hộ nông dân tự nguyện tham gia. Bên cạnh đó, đầu ra nông sản hàng hóa chưa thật sự ổn định, vẫn còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá. Hơn nữa, việc liên kết tiêu thụ lúa giữa doanh nghiệp với nông dân còn hạn chế. Nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh; phát triển sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi trên cơ sở phát huy lợi thế chưa trở thành phổ biến.

Tiến sĩ Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng để việc hợp tác, liên kết sản xuất đạt kết quả tốt, thời gian tới cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia. Đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu các nông sản chủ lực nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, tổng diện tích các cánh đồng lớn toàn tỉnh hiện nay 6.467ha, với 5.553 hộ tham gia. Trong đó, huyện Châu Thành A 1.081ha, Phụng Hiệp 642ha, thị xã Long Mỹ 345ha, Vị Thủy 1.087ha, huyện Long Mỹ 3.196ha và thành phố Vị Thanh 116ha. Các cánh đồng này đều có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp đầu vào và doanh nghiệp đầu ra thu mua lúa hàng hóa. Hàng năm, ngành nông nghiệp tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ với tổ chức đại diện nông dân là các hợp tác xã, tổ hợp tác. Trong diện liên kết sản xuất được các doanh nghiệp thu mua cao hơn giá thị trường. Nhờ vậy, hầu hết bà con nông dân đều đạt mức lãi từ 30-40% trở lên. Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang, cho rằng các cánh đồng lớn bước đầu cho hiệu quả khá tốt. Theo kết quả ghi nhận năng suất lẫn giá thành sản xuất cho mỗi héc-ta lúa trong cánh đồng được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, năng suất tăng từ 0,1-0,12 tấn/ha; chi phí sản xuất giảm từ 2-3 triệu đồng/ha; giá bán cao hơn từ 100-500 đồng/kg; lợi nhuận tăng từ 2-5 triệu đồng/ha (20-25%) so với bên ngoài mô hình.

Thúc đẩy mô hình liên kết

PGS, TS Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, khẳng định một trong những nguyên nhân tạo nên thành tựu trong sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL là nhờ nông dân ngày càng tiếp cận và ứng dụng nhanh hơn với những tiến bộ khoa học công nghệ. Đặc biệt, gần đây chủ trương liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp đã được các địa phương quan tâm thúc đẩy, mà điển hình là thành công bước đầu của mô hình cánh đồng lớn. Với thực tế sản xuất nông nghiệp còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân thì mô hình cánh đồng lớn đang được xem là một trong những mô hình liên kết đạt hiệu quả cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hiện nay, mô hình cánh đồng lớn không chỉ giới hạn tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL mà đã được áp dụng tại các địa phương trong cả nước.

Như mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa của người dân ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, có tổng diện tích 613ha, với 449 hộ tham gia. Để nông dân trong mô hình cánh đồng lớn đạt hiệu quả sản xuất hơn so với hộ canh tác bên ngoài, thời gian qua ngành nông nghiệp xã, huyện thường xuyên phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa cho người dân… Ngoài ra, mô hình cánh đồng lớn nơi đây còn được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng về giao thông nội đồng, thủy lợi, điện và những công trình phục vụ sản xuất nên tạo điều kiện thuận lợi cho người dân canh tác lúa đạt hiệu quả và doanh nghiệp đến hợp đồng thu mua lúa được thuận lợi.

Bên cạnh các mặt thuận lợi trong sản xuất thì theo các hộ nông dân khi tham gia vào mô hình cánh đồng lớn cũng được an tâm về đầu ra sản phẩm khi có hợp tác xã trên địa bàn và doanh nghiệp đứng ra bao tiêu lúa. Đặc biệt, giá bán được thương lượng vào từng thời điểm của thị trường nên cả người bán và người mua đều hài lòng, từ đó tạo sự liên kết chặt chẽ. Ông Huỳnh Văn Nhịn, Chủ tịch UBND xã Trường Long A, cho biết: Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà khi xây dựng cánh đồng lớn trong sản xuất lúa còn góp phần đưa công tác tuyên truyền các chủ trương trong sản xuất lúa đến nông dân. Như vụ lúa Hè thu 2019, nông dân trong cánh đồng lớn và bà con xung quanh tuân thủ rất nghiêm lịch thời vụ của ngành nông nghiệp huyện và áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật vào đầu vụ xuống giống. Tới đây, địa phương tiếp tục xem xét nhân rộng mô hình cánh đồng lớn ở những nơi đủ điều kiện để giúp người trồng lúa canh tác hiệu quả.

Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết tới đây sẽ thực hiện hỗ trợ đầu tư đối với vùng chuyên canh, cánh đồng lớn để tạo điều kiện phối hợp tốt giữa doanh nghiệp với nông dân. Củng cố, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp; vận động nông dân tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác; xây dựng mô hình sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả để nhân rộng. Tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng lớn của tỉnh vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc. Xây dựng phương án cụ thể mang tính chất lâu dài, bền vững, nâng cao tỷ lệ thành công của hợp đồng ký kết. Tăng cường tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người nông dân hiểu biết và thấy được lợi ích từ chủ trương của Đảng và Nhà nước về mô hình cánh đồng lớn, mô hình tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi, hợp đồng tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản để nông dân tự nguyện tham gia…

Vùng ĐBSCL có diện tích trồng lúa khoảng 1,9 triệu héc-ta, năng suất bình quân khoảng 5,7 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 24 triệu tấn. Trong đó, khoảng 50% cho tiêu dùng nội địa và 50% phục vụ xuất khẩu.

 

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>