Thứ hạng cuối năm…

04/06/2019 | 08:05 GMT+7

Sau tổng kết năm học, người ta lại thấy phụ huynh khoe đầy bảng điểm thành tích của con trên mạng xã hội!

Đáng khen, đáng trân trọng, đáng biểu dương và đáng tự hào với những điểm số 9-10! Các em, các cháu ngày nay học thật giỏi so với thế hệ mười mấy, hai mươi năm trước...!

Ngày ấy, lấy điểm 6-7 là được đánh giá cao, điểm 9-10 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có nghĩa là để đạt thứ hạng xuất sắc, ưu tú khi ấy thì kiến thức, trình độ của học sinh là nổi trội hơn, luôn có đẳng cấp so với bạn bè.

Nhìn bảng điểm của một lớp bậc THCS với sĩ số 45, người viết không tìm ra 1 học sinh trung bình, chỉ toàn giỏi (39 em) và khá là số còn lại. Các em giỏi thì phải thừa nhận!

Sự phát triển nhiều mặt ngày nay đã hỗ trợ cho các em rất nhiều trong học tập, nâng cao trình độ, kiến thức. Và đòi hỏi của thời đại dù muốn dù không các em cũng phải nhập cuộc với thế giới học tập.

Nhắc đến sự đòi hỏi ấy có lẽ cần nhắc đến đòi hỏi của cha mẹ về sự học, thành tích của con. Họ vui lắm khi bảng điểm đỏ nên mới đăng lên mạng xã hội; họ… giận khi bảng điểm không cao và mấy ai đăng như vậy?

Đằng sau của chuyện không đăng kết quả học tập thấp của con lên mạng xã hội có nhiều lý do, nhưng cũng có nguyên nhân là thua sút bạn bè, đăng làm gì?

Tiếp cận một vài em có điểm cao để kiểm tra kiến thức cơ bản, có người hơi hụt hẫng khi mấy em nói: “Cô dạy nhà Tần chứ em không biết Tần gì?” hay không biết đường xích đạo nằm phía trên cực Bắc hay phía dưới cực Nam của Việt Nam...

Cũng từ những lần test nhanh ấy, quan sát thấy các em lướt web, chát chít qua mạng xã hội rất rành… Thời buổi công nghệ phát triển, kết nối thông minh trong tích tắc, các em tiếp cận nhanh thật!

Điểm số, thứ hạng của các em đánh giá sự tích cực trong dạy và học của thầy - trò nhà trường. Nó nói lên được ngày nay phải giỏi về dạy, chăm về học mới nắm được nhiều kiến thức của nhân loại, bắt kịp thời đại đang phát triển như vũ bão.

Vừa xuất hiện trên mạng mấy ngày qua tâm sự của học sinh về áp lực học phải thật tốt từ cha mẹ. Em tâm sự: “Bị điểm kém từ 8-7 trở xuống, bố mẹ lại đánh con, lúc đấy con chỉ nghĩ đến cái chết cho rồi”. Và dư luận thời gian gần đây cũng rất xôn xao chuyện mua điểm ở Sơn La với những thủ đoạn của nhiều người. Phải chăng, điểm cao trong xã hội hiện nay là một sự bắt buộc để tồn tại?

Jack Ma - tỉ phú nổi tiếng thế giới, từng dạy con: Học chỉ cần điểm trung bình, còn lại hãy dành thời gian học kỹ năng cho cuộc sống. Phải chăng, nó cũng đúng với một xã hội chuyển động không ngừng để người “dành thời gian học kỹ năng” tồn tại?

Trên vietbao.vn (Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông Quốc tế (CPI) - Bộ Thông tin và Truyền thông) có trích dẫn lời cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela:

“Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả:

- Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục đấy.

- Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đấy.

- Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đấy.

- Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đấy.

- Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục đấy.

Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.

Mấy ngày qua, điểm cao, điểm thấp trong học tập gây ra nhiều cung bậc cảm xúc. Có người nhắc lại căn bệnh thành tích trong ngành giáo dục…

Nên chăng, những ai có quyền đánh giá, phán xét kết quả học tập của học sinh cần dừng lại một chút xem nhu cầu của một xã hội bền vững cần gì để trang bị cho các em! Thứ hạng cuối năm, thành tích giáo dục hiện nay rất đáng trân trọng. Nếu chất lượng giáo dục song song với thứ hạng cao thì thật sự đáng mừng vui…!

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>