Thấy gì sau 6 năm sáp nhập trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên ?

01/12/2022 | 10:45 GMT+7

Sau gần 6 năm sáp nhập và vận hành, hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - giáo dục thường xuyên (GDTX) trên địa bàn tỉnh bên cạnh mặt được vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Sau 6 năm thực hiện sáp nhập, dù các trung tâm GDNN-GDTX chủ động khắc phục khó khăn nhưng vẫn còn những nỗi lo hiện hữu.

Bộ máy hoạt động chưa hoàn chỉnh

Chủ trương sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện được tỉnh triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, tinh gọn bộ máy, giảm bớt đầu mối quản lý.

Được bổ sung thêm chức năng GDTX, để thành lập thành Trung tâm tâm GDNN-GDTX huyện Long Mỹ, gần 6 năm đi vào hoạt động với chức năng vừa đào tạo nghề, vừa giảng dạy chương trình THPT hệ GDTX, nhưng đến nay, trung tâm chưa hề có giáo viên cơ hữu ở mảng GDTX. Ông Lê Quang An, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: “Trung tâm có 12 cán bộ, giáo viên đang công tác, ở mảng GDTX đến giờ chỉ có 1 phó giám đốc phụ trách chuyên môn. Không có giáo viên cơ hữu, nên trước giờ các lớp GDTX ở trung tâm đều phải thỉnh giảng giáo viên tại các trường THPT trên địa bàn đến giảng dạy. Trước khó khăn này, chúng tôi tham mưu địa phương, nhưng do tình hình biên chế ngày càng thu hẹp, đến giờ trung tâm vẫn chưa có biên chế giáo viên nào để dạy GDTX. Để gỡ khó tạm thời, mấy năm nay địa phương đã hỗ trợ chúng tôi chi phí để thỉnh giảng giáo viên”.

Dù cùng lúc được thực hiện 2 chức năng, nhưng thời gian qua Trung tâm GDNN-GDTX huyện Long Mỹ, chỉ mới phát huy được hiệu quả ở mảng GDNN, bởi có đủ thiết bị và đội ngũ giảng dạy. Còn ở chức năng GDTX, vì không có giáo viên cơ hữu, cơ sở vật chất của trung tâm lại cách khá xa các trường THPT trên địa bàn, nên có năm trung tâm không tuyển sinh được lớp 10 đầu cấp hoặc tuyển sinh không đủ để mở lớp ở hệ GDTX. Hiện tại, để thu hút học sinh đầu cấp lớp 10 vào học hệ GDTX, trung tâm phải mượn phòng ở Trường THPT Tây Đô hoặc Trường THPT Lương Tâm để đặt lớp.

Chung tình cảnh như huyện Long Mỹ sau 6 năm sáp nhập, Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Ngã Bảy được tiếp nhận cơ sở vật chất từ Trung tâm GDTX của địa phương. Tuy có mặt bằng rộng rãi nhưng thực tế, cơ sở này thiếu rất nhiều trang, thiết bị phục vụ dạy học, nhất là dạy nghề như kho, xưởng, thiết bị thực hành… Bên cạnh đó, do thiếu giáo viên cơ hữu dạy nghề nên đến giờ, trung tâm vẫn chưa thực hiện được chức năng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.

Ông Nguyễn Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm, bộc bạch: “Kể từ khi sáp nhập, đơn vị gặp khó khăn từ cơ sở vật chất phục vụ dạy học, đến đội ngũ giáo viên và ngay cả việc tuyển sinh cũng không dễ. Trong công tác đào tạo nghề, đội ngũ giáo viên dạy nghề của trung tâm vẫn không có, ngay cả phó giám đốc phụ trách GDNN cũng chưa nắm chắc về chuyên môn. Mảng GDNN của trung tâm đến nay vẫn chưa thực hiện giảng dạy được lớp nào”.

Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Ngã Bảy hiện có 15 cán bộ, giáo viên đang công tác, đa phần đội ngũ hiện tại là cán bộ và giáo viên phụ trách ở mảng GDTX. Theo Ban Giám đốc Trung tâm, do nhu cầu học tập của người lao động ở trình độ sơ cấp trên địa bàn không có, trong khi học sinh có nhu cầu học từ trung cấp trở lên. Với những nguyên nhân tồn tại này, mảng GDNN dù đã có thiết bị, nhưng vẫn không tuyển sinh mở lớp được.

Đầu mối quản lý có chồng chéo ?

Sau gần 6 năm thực hiện sáp nhập, toàn tỉnh hiện có 7 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm GDTX tỉnh. Kể từ khi sáp nhập, hầu hết các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện đang gặp một số khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, thực hành; đội ngũ giáo viên dạy nghề, giáo viên dạy GDTX cơ hữu còn thiếu, vì vậy hoạt động đào tạo của các trung tâm vẫn rất hạn chế.

Ông Phan Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Một trong những nguyên nhân khiến các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện chưa hoạt động hiệu quả là do đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo để đáp ứng được yêu cầu. Trong quá trình giảng dạy thiếu cơ sở vật chất hay thiết bị, trung tâm có thể khắc phục tạm thời bằng cách mượn từ các đơn vị, trung tâm bạn, còn riêng về đội ngũ thì rất mong được hỗ trợ từ trên”.

Là một trong những đơn vị hoạt động khá nổi bật, sau khi sáp nhập mỗi năm, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A không chỉ mở được hàng chục lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đây còn là đơn vị tuyển sinh và đào tạo ở hệ GDTX khá chất lượng của tỉnh. Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A, cho biết: “Một trở ngại lớn mà các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện gặp phải sau khi sáp nhập là về đầu mối chỉ đạo. UBND huyện phụ trách tiền lương, con người; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách chuyên môn dạy nghề; Sở Giáo dục và Đào tạo phụ trách mảng GDTX. Việc chỉ đạo thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ chưa thực sự nhịp nhàng do thiếu sự thống nhất. Ngoài ra, sau sáp nhập đến nay, dù tích cực hoạt động, nhưng chúng tôi chưa được đơn vị nào xếp hạng thi đua hàng năm, điều này phần nào khiến các trung tâm thiếu động lực để phấn đấu và khẳng định vị trí trong công tác đào tạo”. 

Sau sáp nhập, mặc dù hiệu quả ban đầu của các đơn vị đã được thấy rõ khi vượt khó phát huy chức năng đào tạo GDNN và GDTX, nhưng thực tế từ trang thiết bị lạc hậu, đội ngũ giáo viên không đủ, khiến nhiều trung tâm hoạt động cầm chừng. Ông Lê Văn Mai, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phụng Hiệp, tâm sự: “Từ sau khi sáp nhập đến nay, chúng tôi chưa hề được cấp thêm trang thiết bị nào để hoạt động. Ở mảng GDNN dù có trang thiết bị nhưng do đầu tư lâu, đã cũ kỹ lạc hậu so với thực tế công việc, riêng mảng GDTX thì mấy năm nay giáo viên phải dạy chay chưa có một trang bị thiết nào. Để đảm bảo công tác giảng dạy thầy cô  hệ GDTX cũng chủ động tự trang bị máy laptop, rồi tải thêm hình ảnh, hoạt động thí nghiệm. Tuy nhiên, đây chỉ là những cách làm tạm thời, mang tính cầm chừng, để chúng tôi thật sự hoạt động hiệu quả rất cần có sự quan tâm đầu tư”.

Nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, thị xã, thành phố đang là vấn đề đặt ra. Để tháo gỡ những vướng mắc, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương trong đầu tư, hỗ trợ cả về nhân lực và vật lực, đưa ra những giải pháp cụ thể. Còn các trung tâm phải có định hướng rõ ràng về nhiệm vụ của mình trong công tác đào tạo. Để gỡ vướng những bất cập nói trên, có lẽ không chỉ một ngày, một bữa...

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>