Phụ đạo đúng cách, học sinh tiến bộ

04/03/2021 | 17:40 GMT+7

Phụ đạo, hỗ trợ cho học sinh có năng lực học tập chưa tốt đang được các trường học chú trọng, xem đây là cách làm chủ động để học sinh nâng cao ý thức học tập.

Giáo viên Trường Tiểu học Phương Phú 2 vận dụng phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh, để các em ham học và mê học.

Đổi mới giảng dạy

Cô Nguyễn Hồng Phương Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 3B, Trường Tiểu học Phương Phú 2, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Việc phụ đạo cho các em học sinh chưa hoàn thành các môn học như toán, tiếng Việt được tôi linh động thực hiện khi vừa giảng dạy trên lớp, vừa theo dõi quá trình học tập của học sinh để phối hợp phụ đạo kịp thời. Nhất là chú ý rèn thêm kỹ năng đọc, viết cho học sinh, luyện viết chính tả. Quan trọng là việc đến nhà tìm hiểu nguyên nhân học sinh chậm tiến để phối hợp với phụ huynh đôn đốc con học tập”.

Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học Phương Phú 2 có 357 học sinh, với 16 lớp học. Học kỳ I, trường có 4,48% học sinh chưa hoàn thành các môn học (với 16 học sinh cần phụ đạo), tỷ lệ học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt các môn học hơn 95%. Hàng tuần, các giáo viên sau khi nắm tình hình học tập của học sinh, sẽ điều chỉnh kế hoạch dạy sao cho phù hợp với từng em. Cũng nhờ công tác phụ đạo, tình hình học tập của các em dần được cải thiện rất nhiều. Ông Nguyễn Hải Triều, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Phú 2, chia sẻ: “Cùng với phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, nhà trường đang tập trung vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy, ra đề kiểm tra, đánh giá học sinh. Chúng tôi yêu cầu giáo viên phải linh động, vận dụng phương pháp dạy học sáng tạo, phải phù hợp với từng đối tượng học sinh để các em ham học và mê học. Quá trình kiểm tra có thể ngay trên lớp, trong quá trình giảng dạy hay qua bài tập về nhà, tổ chức học nhóm…”.

Để hỗ trợ học sinh có năng lực học tập chưa tốt, các trường học trong địa bàn tỉnh đã xây dựng mô hình đôi bạn cùng tiến, nhóm bạn hỗ trợ nhau học tập, xây dựng các câu lạc bộ học tốt các môn học, cử giáo viên chủ nhiệm theo sát và dành thời gian phụ đạo cho học sinh yếu, kém. Cô Trần Thị Linh Đa, giáo viên dạy toán của Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “So với các môn học khác, học sinh yếu ở môn toán khá nhiều. Điều quan trọng là giáo viên phụ đạo phải hỗ trợ học sinh nắm lại phương pháp học tập, kỹ năng học tập để các em có nền tảng vững chắc, không bị hỏng kiến thức. Việc học theo sơ đồ nhánh, làm một cuốn sổ công thức toán học cần nhớ… sẽ giúp học sinh từng bước ôn tập lại kiến thức hiệu quả hơn”.

Dạy và học trong mọi tình huống

Để việc phụ đạo, hỗ trợ học sinh yếu kém tiếp tục phát huy hiệu quả, trong học kỳ II, các trường học trong địa bàn tỉnh đã tập trung sinh hoạt kỹ hoạt động chuyên môn, triển khai kịp thời các điều chỉnh mới cần thiết trong kế hoạch giảng dạy. Bà Nguyễn Thị Kiều Nương, Hiệu trưởng Trường THCS Trương Tấn Lập, cho biết: “Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, chúng tôi luôn yêu cầu giáo viên quan tâm và áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp theo từng đối tượng học sinh, phải quan tâm đặc biệt đến các em có năng lực học tập chưa tốt. Tuy tốn thời gian và cần nhiều tâm huyết nhưng có như vậy mới tạo được động lực và hỗ trợ các em tiến bộ từng ngày”. Trường THCS Trương Tấn Lập là 1 trong 5 trường THCS trên địa bàn tỉnh được triển khai thí điểm mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN), nhờ đó, đội ngũ giáo viên đều đã được bồi dưỡng theo các phương pháp dạy học hiện đại, học sinh được rèn luyện nhiều kỹ năng học tập chủ động nên thái độ và ý thức học tập của học sinh được nâng cao. Học sinh mạnh dạn, tự tin trong thảo luận, học tập, trao đổi với giáo viên.

Thầy Lê Thanh Phong, giáo viên dạy toán của trường, bộc bạch: “Việc ôn lại kiến thức trọng tâm, sau đó tăng cường cho các em làm thêm bài tập, để các em dễ nắm bài hơn chứ không dàn trải kiến thức quá nhiều là cách tôi hỗ trợ học sinh yếu, kém”. Nhờ thực hiện cách làm này mà trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, học sinh và giáo viên trường đã chủ động tương tác cùng với nhau trên các mạng xã hội để xây dựng các group học tập, chia sẻ bài tập, ôn luyện kiến thức hiệu quả….

Tăng cường sử dụng các bài giảng Elearning hiệu quả, tạo tâm lý sẵn sàng dạy và học online, để dù tình huống dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp hơn cũng đã có kịch bản phòng, chống, dạy học, thi, kiểm tra đánh giá phù hợp. Em Mai Khánh Tân, học sinh lớp 12CB5, Trường THPT Chiêm Thành Tấn, thành phố Vị Thanh, thổ lộ: “Em đã quen với việc học nhóm cùng các bạn trên mạng, giải bài tập thầy cô gửi qua mail, zalo. Em thấy chỉ cần mình xây dựng thời khóa biểu học tập khoa học thì mình sẽ học tốt. Em sẽ sớm bước vào giảng đường đại học trở thành kỹ sư máy tính”.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát, song diễn biến tiếp theo chưa thể nói trước. Ngành giáo dục đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tùy theo chức năng, nhiệm vụ đưa ra các giải pháp trước những tình huống khác nhau, trong đó lưu tâm tới kịch bản điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học; kịch bản thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng… Các trường học cần chủ động xây dựng phương án, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong giảng dạy… Điều quan trọng là các trường nâng cao sinh hoạt chuyên môn, việc tạo tâm lý sẵn sàng dạy và học để dù tình huống nào xảy ra cũng có kịch bản phòng, chống, dạy học, thi, kiểm tra đánh giá phù hợp”.

Tỷ lệ học sinh yếu, kém ở các cấp học giảm

 

Kết thúc học kỳ I năm học 2020-2021, cấp tiểu học tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt và hoàn thành các môn học đạt gần 96%, học sinh chưa hoàn thành là 4,02%; ở cấp THCS tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt 52,24%, tỷ lệ học sinh yếu, kém là 12,84%; cấp THPT tỷ lệ học sinh khá, giỏi là 53,2% và tỷ lệ học sinh yếu, kém là khoảng 12%. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong một học kỳ vừa học tập vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>