Nỗi lo mang tên: Lớp 10 !

11/08/2022 | 04:33 GMT+7

Từ năm học 2020-2021 đến nay, sách giáo khoa mới lần lượt được áp dụng cho khối lớp 1, lớp 2, lớp 6, dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng vẫn suôn sẻ. Từ năm học 2022-2023, đến khối lớp 3, lớp 7, lớp 10 áp dụng, trong đó nỗi lo đang dồn vào lớp 10, lý do vì sao ?

Bài 1: Một chương trình tới ba bộ sách: Dạy học thế nào ?

Có đến 3 bộ sách giáo khoa, với các môn học cụ thể được lựa chọn để giảng dạy cho học sinh khối lớp 10 của tỉnh trong năm học mới 2022-2023. Băn khoăn dạy và học như thế nào cho chất lượng là những vấn đề đang được quan tâm...

Hội thảo giới thiệu sách giáo khoa cho năm học mới được các nhà xuất bản phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Mệt với chuyện chọn môn học

Em Nguyễn Thị Anh Thư, học sinh lớp 9A3, Trường THCS Châu Văn Liêm, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Em đã trúng tuyển vào lớp 10 chuyên ngữ văn, Trường THPT chuyên Vị Thanh, nhưng giờ em thấy lúng túng với các môn tự chọn phải lựa học theo chương trình giáo dục phổ thông mới để nhà trường xếp lớp”.

Còn chờ tham khảo thêm ý kiến từ gia đình, Đặng Nhựt Huy, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Đông Phước A, huyện Châu Thành, bộc bạch: “Em sẽ học lớp 10 Trường THPT Ngã Sáu. Em rất thích các môn học tự nhiên và dự tính sẽ chọn các môn lý, hóa, sinh và tin học (4/9 môn học tự chọn theo đúng quy định). Tuy nhiên, thầy cô tư vấn em không nên vội vàng đăng ký, cần chọn theo năng lực, sở thích, đam mê nghề nghiệp sau này của em để định hướng thi tốt nghiệp THPT, điều này làm em phân vân”.

Đa phần học sinh khối lớp 9 còn khá nhỏ tuổi, hình thức lựa chọn môn học mới lạ, bên cạnh đó việc chưa định hình và chưa xác định được mình đam mê môn học, chưa dự tính nghề yêu thích trong tương lai nên việc lựa chọn các môn học phân hóa theo 2 dạng cơ bản: các môn học tự nhiên và môn học xã hội, đã làm các em đắn đo, lúng túng.

Yêu cầu học sinh tìm hiểu kỹ môn học, tránh lựa chọn sai, ông Huỳnh Văn Méo, Hiệu trưởng Trường THPT Ngã Sáu, huyện Châu Thành, bày tỏ: “Chúng tôi thấy học sinh còn bỡ ngỡ và chọn… đại, đây là sai lầm các em thường mắc. Chọn theo số đông sẽ có trường hợp sau khi đăng ký xong, học một thời gian các em mới biết mình không phù hợp, muốn điều chỉnh môn học tự chọn lại sẽ khó khăn hơn. Giai đoạn này rất quan trọng, trường yêu cầu giáo viên nhiệt tình hỗ trợ, định hướng học sinh cho chất lượng”.

Có lúng túng trong cách dạy ?

Cùng với học sinh khối lớp 3, lớp 7, năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên học sinh lớp 10 sẽ học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, với một số môn học hoàn toàn mới. Tất cả học sinh khối lớp 10, sẽ sử dụng sách giáo khoa cho các môn học và chuyên đề học tập từ sách của cả 3 bộ sách giáo khoa: “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo” và “Cánh diều”. Học sinh sẽ học 8 môn học bắt buộc (ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; lịch sử; giáo dục thể chất; giáo dục quốc phòng và an ninh; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương) và học 4/9 môn tự chọn (gồm: địa lý; giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật).

Mỗi học sinh có lựa chọn riêng và có rất nhiều sự kết hợp lựa chọn 4 môn khác nhau trong 9 môn học tự chọn, đang gây rối và kéo dài thời gian đăng ký đến hiện nay trong việc xếp lớp học của các trường THPT. Lo ngại lực lượng giáo viên, cơ sở vật chất, phòng lớp không đủ để đáp ứng theo sự lựa chọn đa dạng, tự do của các em, nguy cơ “vỡ trận” nếu không có kế hoạch, phương án cụ thể, rõ ràng của từng trường. Nhất là với 2 môn học mới âm nhạc và mỹ thuật, khi tất cả 23/23 trường THPT trong tỉnh đều không có giáo viên, thiết bị giảng dạy.

Ông Trịnh Anh Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Nếu để học sinh tự do lựa chọn môn học, trường khó đáp ứng hết nguyện vọng của các em. Trường thống nhất chưa triển khai dạy 2 môn âm nhạc và mỹ thuật trong năm học 2022-2023 để tránh bị động. Qua khảo sát ban đầu, đa phần học sinh vào lớp 10 chọn nhiều các môn xã hội, vậy giáo viên các môn tự nhiên sẽ phải làm thế nào?”.

Ngay trong các trường THPT đã và đang có tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, sau khi lựa chọn môn học, nhiều trường phân vân học sinh sẽ đổ dồn về một số môn xã hội, dẫn đến thừa giáo viên ở một số môn như công nghệ, lý, hóa, sinh… và ngược lại, sợ tình trạng 1 lớp sẽ quá đông học sinh, còn chia 2 lớp lại quá ít.

 Băn khoăn khi 1 chương trình học phải tiếp cận đến 3 bộ sách giáo khoa từ các nhà xuất bản khác nhau với các môn học khác nhau, học sinh có bị rối trong cách học? Thầy Lê Hữu Kỳ Quan, Tổ trưởng chuyên môn tổ tin học - công nghệ, Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Mỗi bộ sách giáo khoa đều có kết cấu và phương pháp học tập khác, học sinh sẽ có nhiều bỡ ngỡ, lúng túng và cần nhiều thời gian làm quen giai đoạn đầu. Tôi và các giáo viên bộ môn trong tổ đang phối hợp để tìm ra một phương pháp, hướng dẫn, hình thành thói quen ý thức tự học tích cực chung, hiệu quả cho các em ngay từ những ngày đầu chuyển cấp từ THCS lên THPT”.

Liệu chất lượng…

Mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là xây dựng chương trình học theo hướng mở, một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa. Tất cả các sách đều được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt, bảo đảm theo định hướng thống nhất, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục...

Thực tế, từ năm học 2020-2021 đến nay, Chương trình Giáo dục phổ thông mới thí điểm ở khối lớp 1, lớp 2, lớp 6, chất lượng học tập ở tỉnh hiệu quả, nhất là với học sinh khối lớp 1, được đánh giá chất lượng rõ nét khi kết thúc năm học, các em đọc thông, viết thạo, làm toán đạt yêu cầu. Dù vẫn còn “sạn” về ngôn ngữ vùng miền, ngữ liệu, lựa chọn hình ảnh minh họa chưa phù hợp của một vài sách giáo khoa mới nhưng giáo viên đã có những điều chuyển phù hợp theo tình hình thực tế địa phương, giúp học sinh học tập đạt yêu cầu.

 Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Đổi mới chương trình sẽ cần có thời gian để thích nghi. Chúng ta cũng nên tin tưởng, vì đã có những kiểm chứng thực tế từ quá trình dạy và học với kết quả học tập chất lượng từ các khối lớp 1, lớp 2, lớp 6 qua 2 năm học qua, khi học 1 bộ hay cả 3 bộ sách trong 1 chương trình học. Quan trọng là làm kỹ, chắc ở giai đoạn này khi chọn môn học tự chọn. Yêu cầu các trường hỗ trợ, định hướng tốt nghề nghiệp cho học sinh ngay từ lớp 10, để học sinh ý thức nhiều hơn trong học tập. Khi đã học đúng theo đam mê, yêu thích thì dù học có khó, các em cũng sẽ nỗ lực học, chất lượng sẽ cao hơn”.

Tuy nhiên, đến cận thời gian tựu trường nhưng học sinh vẫn chưa được thông tin rõ ràng sẽ mua sách nào, cụ thể từng môn cho đúng theo lựa chọn sách của từng trường, lo mua nhầm sách, đổi trả tốn thời gian, tiền của, tình trạng lãng phí sách giáo khoa có thể xảy ra…

Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 3 bộ sách giáo khoa được phê duyệt là sách giáo khoa “Cánh diều”, “Kết nối tri thức với cuộc sống” và bộ sách “Chân trời sáng tạo” dùng giảng dạy thí điểm đầu tiên cho học sinh lớp 1. Đến năm học 2021-2022, khối lớp 2 chọn duy nhất bộ “Chân trời sáng tạo”; lớp 6 có 2 bộ sách được chọn là “Chân trời sáng tạo” và “Kết nối tri thức”.

Sang năm học 2022-2023 này, khối lớp 3 sử dụng là bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, riêng 2 môn học bắt buộc mới là tin học sẽ sử dụng sách giáo khoa của Nhà xuất bản Đại học Vinh, môn tiếng Anh của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Khối lớp 7 tất cả các môn học sử dụng cùng bộ sách giáo khoa là “Chân trời sáng tạo” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chỉ môn tin học sử dụng sách giáo khoa của bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

 Đối với khối lớp 10 sử dụng sách giáo khoa cho các môn học và chuyên đề học tập từ sách của cả 3 bộ sách giáo khoa gồm: “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo” và “Cánh diều”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

---------------

Bài 2: Loay hoay chọn sách, mua sách

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>