Nâng tầm chất lượng từ giáo dục mũi nhọn

13/10/2020 | 05:31 GMT+7

Qua hành trình 16 năm, chất lượng giáo dục mũi nhọn của Hậu Giang đã được nâng tầm. Đó chính là đòn bẩy để ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà có “tên tuổi” trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trao Bằng khen Thủ tướng Chính phủ tặng đại diện các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong dạy và học.

Cùng đổi mới

Phấn khởi khi trở thành sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, em Trần Thị Diễm, cựu học sinh lớp 12A5, Trường THPT Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Em sắp chạm được ước mơ trở thành cô giáo dạy ngữ văn rồi. Thành quả trên là nhờ em luôn đề cao tinh thần tự học và sáng tạo. Với em, học tốt môn ngữ văn không phải chỉ những kiến thức bên trong sách giáo khoa, bên trong nhà trường mà học qua sách, báo, đài, chương trình thời sự, học qua giao tiếp với mọi người, học qua thực tế cuộc sống. Có như vậy lời văn mới hay và gần gũi hơn, chân thật hơn”. Diễm là học sinh duy nhất của tỉnh mang về giải ba môn ngữ văn trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2019-2020. Trong kỳ thi này, Hậu Giang vinh dự có 4 học sinh đạt giải. Trong đó gồm 1 giải ba môn ngữ văn và 3 giải khuyến khích môn tiếng Anh, toán và ngữ văn.

Thầy Lê Minh Tương, giáo viên Trường THPT Cây Dương, bồi dưỡng môn ngữ văn cho Diễm, chia sẻ: “Trường huyện nên thầy và trò không có nhiều phương tiện ôn tập hiện đại như các bạn ở trường thành phố. Vì vậy, tận dụng hết khả năng, thầy trò chúng tôi tranh thủ ôn tập khi có thời gian rảnh. Việc rèn thêm kỹ năng viết văn, chấm bài qua zalo, hỗ trợ em kết nối với các bạn giỏi văn qua group facebook học tập, tận dụng chiếc điện thoại thông minh để tải các bài văn hay về cho Diễm tham khảo… Bản thân Diễm chủ động làm nhiều bài tập, nhờ đó đã mang lại giải ba cấp quốc gia vừa rồi”.

Đã nhiều năm, môn tiếng Anh chưa có học sinh đạt giải quốc gia, cô Trần Thị Hoàng Diệu, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh, Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2019-2020, trường vinh dự có 1 học sinh đạt giải cấp quốc gia môn tiếng Anh. Tuy chỉ dừng lại ở giải khuyến khích nhưng đây là động lực để cô và trò trong đội tuyển năm nay phấn đấu mang về thứ hạng cao hơn. So với các môn thi khác thì tiếng Anh là một môn thi khó và cần sự nỗ lực toàn diện của học sinh. Học sinh vừa phải có năng khiếu môn này vừa phải có phương pháp học tập khoa học, biết khai thác các thiết bị học tập hiện đại, nghe người nước ngoài giao tiếp hay tương tác qua lại với người nước ngoài… thì mới có đủ khả năng thử sức trong cuộc đua quốc gia sắp tới”.

Chất lượng làm nên thương hiệu

Em Trần Ngọc Cát Tường, học sinh lớp 12V, Trường THPT chuyên Vị Thanh, thổ lộ: “Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh em được giải nhì môn ngữ văn. Em hy vọng đó sẽ là cơ sở để em thử sức trong kỳ thi cấp quốc gia vào tháng 1-2021. Học trên lớp cùng thầy cô, về nhà em dành thời gian 2 tiếng để rèn kỹ năng làm văn, xem tin tức thời sự, đọc thêm nhiều sách nâng cao…”.

Tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm nay, Trường THPT chuyên Vị Thanh có 25/54 học sinh trong đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia của tỉnh. Kết thúc năm học 2019-2020, trường có 2 học sinh giỏi cấp quốc gia, 64 học sinh giỏi cấp tỉnh, 11 giải thưởng cấp tỉnh, khu vực và quốc gia từ các sản phẩm sáng tạo của học sinh...

Mỗi trường nỗ lực với giáo dục mũi nhọn đã mang lại những kết quả đáng nói cho tỉnh. Giai đoạn 2016-2020 ngành giáo dục và đào tạo đã có 2.159 học sinh giỏi cấp tỉnh và 16 học sinh giỏi cấp quốc gia. Song song với kỳ thi học sinh giỏi các cấp, từng cấp học ở địa phương và cấp tỉnh cũng đã tổ chức nhiều lượt hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi… Có 894 giáo viên được công nhận và khen thưởng cấp tỉnh, trên 1.000 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, nhiều phong trào, hội thi khác cho học sinh, giáo viên như giải toán trên máy tính cầm tay, giải tiếng Anh qua mạng, hội thi cán bộ, giáo viên thư viện giỏi, giáo viên sáng tạo, giáo viên - tổng phụ trách Đội giỏi, cán bộ quản lý giỏi, Cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên cấp tỉnh... với hơn 3.000 cán bộ, giáo viên, học sinh được công nhận và khen thưởng.

Trong giáo dục mũi nhọn, điểm nổi bật tiếp theo phải kể đến là phong trào nghiên cứu khoa học. Đã có 342 phần mềm học tập, thiết bị dạy học và học tập tự làm, 229 dự án và nhiều sản phẩm hữu ích cho mọi người được chính các em học sinh nghiên cứu phát minh và được tuyên dương, khen thưởng, trong đó điển hình như em Khưu Dịch Tiến và em Mai Trí Công, học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh đạt giải vàng Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh THPT năm học 2018-2019 với dự án “Máy ấp trứng cua đinh thông minh”; các em Nguyễn Cao Trí và Trương Nhật Tân, học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh với dự án “Hệ thống an toàn giao thông đường sắt - công nghệ IoT”... Những dự án này đều đạt giải nhất cấp tỉnh và được dự thi cấp quốc gia, được các trường đại học bình chọn giải đặc biệt.

Chất lượng giáo dục của các cấp học phổ thông không ngừng được nâng lên. Thể hiện qua tỷ lệ học sinh khá, giỏi các cấp học tăng, tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS, THPT đều tăng cao so với năm học 2015-2016. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay là 98,29% (tăng gần 10% so với năm học 2015-2016). Kết thúc năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh cấp THCS tỷ lệ học lực khá giỏi là hơn 62%, tăng 2,3%, cấp THPT tỷ lệ học sinh có học lực khá giỏi tăng hơn 3,5%... Điều này là tín hiệu vui cho ngành vì ngày càng tiến xa hơn trong hành trình chinh phục nấc thang tri thức.

Lãnh đạo tỉnh luôn xác định: Đầu tư cho giáo dục, cho con người được xem là đầu tư cho tương lai, là “của để dành” tạo nguồn nhân lực chất lượng xây dựng quê hương!

Mỗi giáo viên cần có “Một đổi mới” trong bài giảng

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Ngoài việc tăng cường đổi mới phương pháp dạy, học phù hợp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu mỗi giáo viên có “Một đổi mới” trong đó nội dung bài giảng phải đạt yêu cầu: cơ bản, trọng tâm, phù hợp; bảo đảm học sinh tiếp nhận kiến thức theo các cấp độ: biết - hiểu - nhớ - vận dụng và phát triển kiến thức; chỉ đạo giảm tải cho học sinh và học theo chuẩn kiến thức; đồng thời tổ chức các kỳ thi thử để học sinh cọ xát, đánh giá thực chất, điều chỉnh việc dạy và học, thúc đẩy và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện“.

 

Giai đoạn 2016-2020 ngành giáo dục và đào tạo đã có 2.159 học sinh giỏi cấp tỉnh và 16 học sinh giỏi cấp quốc gia. Có 894 giáo viên được công nhận và khen thưởng cấp tỉnh, trên 1.000 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thị xã, thành phố...

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>