Khi học sinh yêu… đồng ruộng

16/03/2021 | 09:39 GMT+7

“Thấy các cô, chú nông dân làm ruộng cực quá nên chúng em nghiên cứu thực hiện dự án Thiết bị phát hiện sớm sâu bệnh và cảnh báo thiên tai cho nông nghiệp”... Lời chia sẻ chân thành ngắn gọn này là của em Lê Tấn Phát, học sinh lớp 9A4 và Trần Thị Thúy Quyên, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Trường Long Tây, huyện Châu Thành A.

Em Quyên và em Phát bên dự án “Thiết bị phát hiện sớm sâu bệnh và cảnh báo thiên tai cho nông nghiệp”.

Mong người nông dân bớt vất vả

Với những tính năng tiện lợi, tiết kiệm, dễ sử dụng, dự án “Thiết bị phát hiện sớm sâu bệnh và cảnh báo thiên tai cho nông nghiệp” của hai em đã xuất sắc đạt giải nhất trong Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021. Em Phát chia sẻ: “Con nhà nông nên em mê làm ruộng lắm. Em thấy làm nông giờ đã nhẹ nhàng, đỡ vất vả hơn trước nhất là các công đoạn thu hoạch lúa. Tuy nhiên, việc phát hiện sâu bệnh, hay nước mặn xuất hiện… vẫn khá vất vả và cần kinh nghiệm nhiều. Khi đó em đã nghĩ sao mình không tạo một thiết bị tự động để khi ba lớn tuổi ở nhà em vẫn biết ruộng lúa mình có bị bệnh gì không”.

Ý tưởng xuất phát từ chính những gì mình thấy trên đồng ruộng gia đình, em Phát đã mang chia sẻ với bạn học và giáo viên bộ môn của mình. Có được bạn cùng chung niềm đam mê nghiên cứu các ứng dụng với đồng ruộng, giáo viên nhiệt tình hỗ trợ, hai em học sinh đã bắt tay vào thực hiện dự án. Quyên bộc bạch: “Mục tiêu chúng em hướng đến đầu tiên là phải đáp ứng được tính tự động, kịp thời và siêu tiết kiệm”.

Bắt tay vào làm, các em khá vất vả khi phải thử nghiệm nhiều lần, và không ít lần thất bại. Đây là dự án ứng dụng các tiến bộ của kỹ thuật công nghệ, ngoài việc khó khi cập nhật thông tin, việc mua các linh kiện điện tử phù hợp nhất để lắp đặt khá tốn thời gian.

Ngoài ra, việc hình thành mô hình của dự án cũng là một vấn đề hai học sinh băn khoăn. Để đáp ứng được tính tiện lợi trên ruộng lúa thì thiết bị phải bền, nhỏ, gọn, dễ di chuyển; còn kịp thời thì phải đáp ứng được nhanh, mà nhanh thì chỉ có tự động bằng những cảm ứng siêu vi. Và chỉ có viết các đoạn code phù hợp và được cài đặt qua điện thoại thông minh thì mới đáp ứng được nhiều yêu cầu… Em Phát cho biết: “Giáo viên đã hướng dẫn chúng em viết các đoạn code, nối các mạch điện, các kinh nghiệm phát hiện sâu bệnh, nước mặn… và thực nghiệm trên đồng ruộng thì chúng em được sự hỗ trợ từ gia đình”.

Có thể ứng dụng tốt

Với các tính năng ưu việt mang lại như: cảm biến được mực nước, cảm biến độ mặn, cảm biến ánh sáng, cảm biến tia UV… thông qua các thiết bị điện tử tiên tiến, sử dụng năng lượng mặt trời để duy trì quá trình hoạt động được liên tục đã giúp nhà nông phát hiện sớm sâu bệnh và cảnh báo thiên tai cho nông nghiệp rất nhanh. Cụ thể, khi sâu bệnh đến ruộng đèn tự động sẽ báo và phát sáng, nước mặn đến sẽ kích hoạt máy bơm… Ưu điểm vượt trội chính là thiết bị sẽ tự động gọi và gửi tin nhắn khẩn cấp cảnh báo đến cho người nông dân.

Trên chính cánh đồng lúa ở xã Trường Long Tây, ý tưởng, mong ước tạo được sản phẩm có ích đã được hình thành và hoàn thiện từng ngày. Ông Lê Tấn Đạt, ba em Phát, thổ lộ: “Thấy con mê nghiên cứu sâu bệnh trên đồng ruộng tôi cũng mừng. Con nhà nông mà, không giống lông cũng giống cánh. Nhưng tôi vui và tự hào hơn khi con biết ứng dụng các thành tựu khoa học vào để tăng năng suất, giảm chi phí. Nhờ ứng dụng dự án của các con trên ruộng lúa nhà mình, mùa vụ vừa rồi chi phí phân thuốc và việc làm ruộng tôi thấy ít tốn kém và đỡ vất vả hơn rất nhiều”.

Đánh giá cao vì tính nhân rộng và sẽ hữu ích với người nông dân, ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên, Phó Ban tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021, nhận định: “Dự án của hai học sinh đã góp phần giúp người nông dân dễ dàng ứng phó kịp thời với sâu bệnh và thiên tai. Ban tổ chức chúng tôi rất tự hào khi học sinh đã tự tin khi biến những ý tưởng thành những dự án, thiết bị hữu ích trong cuộc sống”.

Chia sẻ ước mơ của mình, cả Phát và Quyên thổ lộ: “Chúng em muốn học thật giỏi để có được kiến thức nền vững chắc. Khi đó, chúng em sẽ tự tin, mạnh dạn sáng tạo những gì được học từ nhà trường thành những sản phẩm hữu ích”.

Sẵn sàng tạo mọi điều kiện hỗ trợ và động viên học sinh trong nghiên cứu khoa học, ông Bùi Văn Phong, Hiệu trưởng Trường THCS Trường Long Tây, cho biết: “Chúng tôi luôn tự hào khi học sinh của mình đã và đang đam mê nghiên cứu khoa học. Chính các em đã tạo nguồn sinh khí, là nguồn động viên để đội ngũ thầy, cô giáo nhà trường chủ động, đổi mới phương pháp dạy. Tất cả các hoạt động của nhà trường đều hướng đến mục tiêu nâng cao phẩm chất và năng lực cho học sinh, để thực hiện tốt phương châm “Học đi đôi với hành”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>