Hướng đến một kỳ kiểm tra chất lượng

27/12/2020 | 12:59 GMT+7

Với mục tiêu này, thầy và trò các trường học trên địa bàn tỉnh đang ráo riết ôn luyện, đảm bảo kỳ kiểm tra chất lượng học kỳ I năm học 2020-2021 phản ánh đúng năng lực của học sinh.

Học sinh lớp 6A1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, nỗ lực ôn tập.

Không ôn tập tràn lan

Em Trần Minh Tiến, học sinh lớp 6A10, Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Thời gian này, em vừa ôn trên lớp, về nhà em học bài kỹ lại từng môn. Chuyển qua học tại trường mới, cấp học mới nên phương pháp học của em khác hơn tiểu học rất nhiều. Em học các anh chị xây dựng kế hoạch ôn tập khoa học cho mình, học theo sơ đồ tư duy để sẵn sàng cho các môn kiểm tra học kỳ I”.

Ôn tập tạo không khí thoải mái để các em tiếp thu bài được tốt hơn là giải pháp các trường thực hiện để nâng cao chất lượng học sinh trong kỳ thi. Cô Nguyễn Thị Hồng Bích, giáo viên dạy môn hóa Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Tùy theo đối tượng học sinh mà tôi có phương pháp ôn tập phù hợp. Đề thi kiểm tra chất lượng học kỳ I luôn khó, các em phải học và làm bài nghiêm túc, làm hết năng lực của mình. Tôi ôn cho các em theo dạng chuyên đề, chỉ cách em làm bài cho đáp án nhanh, cách loại trừ các “phương án nhiễu” khi làm bài thi trắc nghiệm...”. 

Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, thời gian tổ chức kiểm tra chất lượng học kỳ I sẽ linh động, vào cuối tháng 12 và đầu tháng 1 năm 2021. Sở yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các trường học tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc ở tất cả các khâu từ ra đề, coi thi, chấm thi và nhận xét, đánh giá học sinh. Các phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo tổ chức kiểm tra cấp THCS, cấp tiểu học tự sắp xếp thời gian kiểm tra phù hợp, thời gian hoàn thành trước ngày 18-1-2021. Riêng khối 12, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ra đề, sắp xếp thời gian kiểm tra cho học sinh khối này với 9 môn: toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh và giáo dục công dân. Trong đó, chỉ duy nhất môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Thời gian kiểm tra cho học sinh khối lớp 12 từ ngày 5-1 đến 9-1-2021.

Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Chúng tôi yêu cầu đề thi phải bảo đảm đánh giá đúng năng lực của học sinh. Quan trọng là giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy và ôn tập, làm sao để thấy được học sinh có sự tiến bộ từng ngày. Việc chỉ đạo ôn tập cho các em phải bảo đảm khoa học, chặt chẽ, đúng đối tượng, không ôn tập tràn lan. Đề kiểm tra phải làm theo 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao”.

Học tới đâu nắm chắc tới đó

Điểm mới của công tác ra đề thi trong kỳ kiểm tra chất lượng học kỳ I năm nay là ở cấp tiểu học, khi Thông tư 27/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá học sinh tiểu học có hiệu lực. Ông Nguyễn Hải Triều, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Phú 2, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Thay vì ra đề thi theo 4 mức độ như trước đây, thực hiện Thông tư 27 mới ban hành, giáo viên trường thiết kế đề kiểm tra định kỳ theo 3 mức độ: mức 1: nhận biết, mức 2: kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học, mức 3 là vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống”. Để đáp ứng được yêu cầu đề thi các trường tiểu học đang phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc ôn tập để các em đáp ứng được lượng kiến thức, nhất là với học sinh khối lớp 1 đang thực hiện theo bộ sách giáo khoa mới, Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, huyện Châu Thành A, không khí ôn tập của thầy và trò rất khẩn trương. Em Nguyễn Tiến Đạt, học sinh lớp 6A1, chia sẻ: “Giáo viên vừa dạy vừa ôn tập cho chúng em. Trong khi ôn, thầy cô luôn tạo không khí thoải mái để chúng em tiếp thu bài tốt. Giáo viên cũng hệ thống lại đề cương từng chương để chúng em học kỹ bài”.

Để giúp học sinh ôn tập tốt, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các tổ bộ môn làm đề cương, lên kế hoạch từng phần để giáo viên triển khai ôn tập hiệu quả, chất lượng. Ông Khưu Hoàng Đệ, Hiệu trưởng Trường THPT Chiêm Thành Tấn, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Việc tổ chức ôn tập cho học sinh năm nay chủ động hơn và tập trung vào nâng cao kỹ năng làm bài và khả năng vận dụng giữa lý thuyết vào bài tập của học sinh. Nhà trường xác định phải dự trù cho mọi tình huống nhất là nếu trường hợp tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, học sinh có thể nghỉ học như năm học vừa rồi thì cũng không lo hụt kiến thức. Mỗi giáo viên đảm bảo dạy các em tới đâu phải chắc đến đó, nhất là với các em học sinh khối lớp 12”.

Chăm chú ghi chép, lấy viết tô đỏ những công thức giáo viên nhắc nhở phải học kỹ để vận dụng vào làm bài thi trắc nghiệm.

Kết quả kiểm tra chất lượng học kỳ I sẽ là cơ sở để đánh giá, xếp loại học sinh sau một học kỳ. Vì vậy, các trường trong toàn tỉnh đã và đang tập trung ôn tập và ra đề thi phù hợp. Riêng các em học sinh đang chuẩn bị kỹ lưỡng cả về kiến thức và tinh thần để làm bài đạt kết quả tốt nhất.

Giáo viên tiểu học được phép chấm điểm 0

Thực hiện theo Thông tư 27 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên tiểu học được phép chấm điểm 0 vào bài kiểm tra định kỳ hoặc trả lại bài tập cho học sinh khi chưa đạt yêu cầu. Trước đó, theo quy định tại Thông tư 22 quy định “không cho điểm 0” đối với bài kiểm tra của học sinh tiểu học. Thông tư 27 mới cũng quy định, đề kiểm tra định kỳ theo 3 mức độ: mức 1: nhận biết, mức 2: kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết nội dung bài học, mức 3 là vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>