Giúp trẻ em khuyết tật tự tin hòa nhập

19/01/2021 | 04:56 GMT+7

Những năm qua, Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh đã tập trung làm tốt công tác giáo dục hòa nhập, giúp nhiều trẻ trên địa bàn tỉnh vượt qua mặc cảm về khuyết tật của bản thân, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Chất lượng giáo dục của trẻ khuyết tật đang theo học tại trường đã được nâng lên rõ nét.

Môi trường giáo dục nhiều khác biệt

Ông Nguyễn Kiến Trúc, Phó Hiệu trưởng Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh, chia sẻ: “Là đơn vị có nhiệm vụ dạy văn hóa, kỹ năng sống và giáo dục cho trẻ em khuyết tật, nên học sinh ở trường thường có nhiều độ tuổi khác nhau, đa phần trẻ mắc các khuyết tật như: khiếm thính, khiếm thị… Với nhiều dạng tật và lứa tuổi như vậy, nên việc dạy và học ở trường hoàn toàn khác so với các trường tiểu học bình thường. Trước khi nhập học, các em được kiểm tra sức khỏe để đánh giá, xác lập phương pháp học tập phù hợp”.

Năm học 2020-2021, Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh có 43 học sinh theo học được chia thành 6 lớp: 5 lớp dành cho học sinh khiếm thính và 1 lớp ghép. Để các em tiếp thu bài hiệu quả, giáo viên không chỉ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mà còn đẩy mạnh sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học trực quan, vừa dạy, vừa tổ chức trò chơi để các em thoải mái, hứng thú với việc học. Từ Dự án giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật được triển khai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2022, do Tổ chức Liên Minh Na-Uy/NMA-V hỗ trợ thực hiện, đã giúp cho đội ngũ giáo viên của trường có thêm cơ hội nâng cao năng lực giáo dục trẻ ở các dạng khuyết tật.

Cô Phan Thị Bích Liễu, giáo viên lớp 4 của trường, tâm sự: “Cùng trong 1 lớp học, nhưng các em lại khác nhau trí tuệ, nhận thức, tâm sinh lý cũng không giống nhau. Chính vì vậy, giáo viên chúng tôi phải chia nhóm, áp dụng nhiều phương pháp giáo dục chuyên biệt, để các em có thể tiếp thu bài giảng hiệu quả nhất. Từ khi được tham gia các lớp tập huấn của dự án giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, bản thân tôi cũng học hỏi được rất nhiều kiến thức đặc biệt, là hiểu hơn về tầm quan trọng của việc can thiệp sớm đối với trẻ khuyết tật”.

Nhằm giúp trẻ phát triển trí tuệ, kết hợp học văn hóa và rèn luyện kỹ năng, mỗi giáo viên ở trường phải xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể, phù hợp với từng đối tượng. Đối với trẻ khuyết tật ở trường, hiện được xét theo trẻ khuyết tật không thể theo học ở các trường bình thường, các em học tập theo chương trình chuyên biệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo với thời lượng 2 buổi/ngày và cuối mỗi học kỳ sẽ được đánh giá kết quả học tập trên các môn học: tiếng Việt, toán, tự nhiên - xã hội, phát triển giao tiếp và ngôn ngữ ký hiệu... Qua học kỳ I, có 8 học sinh được đánh giá hoàn thành tốt chương trình, 28 học sinh hoàn thành chương trình và 7 học sinh chưa hoàn thành chương trình. Ngoài ra, qua Cuộc thi Viết chữ đẹp cấp trường cũng có 5 học sinh đạt giải.

Không có khái niệm thời gian hoàn thành nội dung dạy và học...

Chị Nguyễn Thị Thu, có con đang học tại trường, bộc bạch: “Từ hồi theo học ở trường, con tôi cũng ngoan hơn, tự tin hơn trong giao tiếp với mọi người xung quanh. Nhờ vậy, gia đình tôi cũng dần quên đi mặc cảm khiếm khuyết của con. Các thầy cô ở trường, còn hướng dẫn phụ huynh chúng tôi biết cách dạy con ở nhà để tăng cường hiệu quả, giúp trẻ duy trì và hình thành thói quen tốt”.

Điều đặc biệt trong kế hoạch bài giảng của giáo viên ở trường là không có khái niệm thời gian hoàn thành nội dung dạy và học, một nội dung bài học có thể được ôn đi ôn lại thường xuyên. Nhằm giúp các em dần xóa đi mặc cảm khuyết tật để tự tin giao tiếp, tự tin nói lên suy nghĩ, cảm xúc và thể hiện bản thân, các cô còn tự trau dồi nhiều kỹ năng, nhất là tâm lý giáo dục để gần trẻ, thấu hiểu trẻ hơn. Ông Nguyễn Kiến Trúc, Phó Hiệu trường nhà trường, cho biết: “Từ khi được tham gia dự án giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh, chất lượng giáo dục của trường từng bước được nâng lên rõ nét. Hiện tại, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch giáo dục hòa nhập cho trẻ theo từng năm học. Theo đó, các em được giáo dục theo mục tiêu kiến thức, kỹ năng, nội dung chương trình điều chỉnh và kế hoạch dạy học phù hợp với từng học sinh. 100% trẻ khuyết tật học hòa nhập được kiểm tra đánh giá, động viên theo sự tiến bộ năng lực cá nhân, giúp các em luôn tự tin và tích cực tham gia vào các hoạt động giáo dục”.

Bằng lòng yêu nghề, mến trẻ, các thầy, cô giáo của Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh đã và đang tận tâm, nỗ lực áp dụng nhiều phương pháp giáo dục chuyên biệt để các trẻ sớm tự tin hòa nhập cộng đồng.

Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh hiện có 43 học sinh theo học (42 em khiếm thính, 1 em khiếm thị), 18 cán bộ, giáo viên và nhân viên đang công tác. Ngày 16-11-2020, trường đã chính thức dời về cơ sở mới tại số 135/3, đường Nguyễn Thị Minh Khai, khu vực 1, phường IV, thành phố Vị Thanh.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>