Đất anh hùng sinh tài năng

27/04/2021 | 07:56 GMT+7

Nghiên cứu, sáng tạo khoa học trong nhà trường thời gian qua được xem là điểm nhấn đột phá nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang. Hoạt động đang là lời minh chứng cho vùng đất Hậu Giang anh hùng, nghĩa tình, tuy khó khăn về kinh tế nhưng rất giàu sáng tạo.

Bài 1: Dấu son từ các cuộc thi cấp quốc gia

Hàng năm, có rất nhiều giải thưởng sáng tạo được mang về từ các sản phẩm, dự án nghiên cứu khoa học tại các cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho học sinh trung học cấp quốc gia, hội thi tin học trẻ cấp toàn quốc...

Em Trần Quốc Hạo (bìa trái), học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh, giới thiệu quy trình hoạt động của Dự án “Hệ thống nuôi trồng kết hợp “cá - rắn - rau” thông minh”.

“Cú hích” quan trọng

Phấn khởi khi dự án của mình vừa đạt Giải triển vọng từ Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021, được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, em Trần Quốc Hạo, học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em tham dự cuộc thi cấp quốc gia. Được tranh tài cùng các bạn cả nước em đã học hỏi rất nhiều đều, nhất là việc tìm ý tưởng để nghiên cứu. Các ý tưởng trong cuộc thi không ở đâu xa mà em thấy đều xuất phát từ chính cuộc sống xung quanh mình”. Dự án em Hạo cùng với bạn nghiên cứu là “Hệ thống nuôi trồng kết hợp “cá - rắn - rau” thông minh”, với dự án này, nhóm học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh đã giúp người nuôi trồng hạn chế kinh phí đến mức thấp nhất từ việc tận dụng nguồn thức ăn, nguồn nước và ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả...

Giáo viên Trường THPT chuyên Vị Thanh hướng dẫn học sinh kinh nghiệm tìm ý tưởng nghiên cứu khoa học.

Thầy Huỳnh Sinh Lel, giáo viên dạy tin học Trường THPT chuyên Vị Thanh, người hướng dẫn nhóm thực hiện dự án, chia sẻ: “Phương thức hoạt động của dự án các em nghiên cứu giống như bà con nông dân mình kết hợp mô hình “vườn - ao -  chuồng” để tăng gia sản xuất. Điểm sáng tạo là học sinh ứng dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật, cụ thể là các phần mềm hỗ trợ để nâng cao hơn tính tiện lợi, nhanh và hiệu quả của dự án”.

Với kinh nghiệm hỗ trợ học sinh tham gia các kỳ thi nghiên cứu khoa học, nhiều năm qua thầy Lel và thầy Lê Hữu Kỳ Quan, giáo viên dạy tin học cùng trường, đã giúp học sinh mang về hơn 20 giải thưởng cấp quốc gia, khu vực. Đây cũng là 2 giáo viên tiêu biểu trong hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh. Khi có nhiều dự án đạt giải nhất như: “Máy ấp trứng cua đinh thông minh” đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2018-2019 khu vực phía Nam, dự án “Bộ thiết bị tìm kiếm cứu nạn” cài đặt phần mềm trên điện thoại để điều khiển robot tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXIII - năm 2017…

Nhiều sáng tạo rất “chất”

“Nhiều sáng tạo thú vị, độc đáo và ứng dụng thực tế cao”, là những đánh giá của nhiều người khi dõi theo quá trình nỗ lực sáng tạo của thầy và trò Hậu Giang trong hơn 17 năm qua. Ông Lê Văn Ánh, nguyên Phó trưởng Tiểu ban giáo dục tỉnh Cần Thơ (thời kỳ chống Mỹ cứu nước), chia sẻ: “Điểm sáng của giáo dục Hậu Giang chính là phong trào nghiên cứu khoa học thời gian qua trong nhà trường phát huy rất tốt. Hoạt động này đã giúp học sinh và giáo viên đổi mới phương pháp dạy và học. Học đã đi đôi với hành”.

Đôi mắt ông Ánh như sáng bừng lên khi kể về những sản phẩm của học trò mà ông ấn tượng. “Máy ngâm hạt giống thông minh” của nhóm học sinh Trường THPT Cái Tắc, huyện Châu Thành A, “Ghế thông minh cho người già” của học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Châu Thành A, rồi “Máy đo thân nhiệt và sát khuẩn an toàn. Tích hợp phần mềm Bluezon truy vết người nghi nhiễm Covid-19”… Ông Ánh bộc bạch: “Trong kháng chiến chống Mỹ, các thế hệ thầy, cô giáo như chúng tôi đã không ngại khó khăn, hy sinh, mất mát, luôn bám trường, bám lớp để giảng dạy thì nay trong hòa bình, đội ngũ nhà giáo, thế hệ học sinh tỉnh nhà càng phải quyết tâm hơn trong dạy và học, để chung tay xây dựng và phát triển giáo dục Hậu Giang vươn tầm khu vực, quốc gia”.

Mừng khi nhiều dự án nghiên cứu khoa học như: “Rèn năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh trung học phổ thông qua bộ phương pháp FM2S”, dựa án “Định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh THPT”, hay dự án “Tăng hứng thú và rèn luyện khả năng tự học cho học sinh THPT qua các ứng dụng smartphone”… của học sinh trường được ứng dụng rộng, ông Nguyễn Hoàng Liêm, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Đô, huyện Long Mỹ, cho biết: “Trường chúng tôi ngày xưa trong thời kháng chiến chống Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ một lòng yêu nước, đủ đức, đủ tài để giải phóng quê hương, thì nay với môi trường học tập hiện đại, nhà trường đang đào tạo thế hệ trẻ đủ đạo đức, đủ thông minh và trí tuệ để đem tri thức được học làm giàu cho quê hương, đất nước”.

Trường THPT Tây Đô có tiền thân là Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng được thành lập vào năm 1964, với tên gọi đầu tiên là Trường Phổ thông nội trú cấp II Tây Đô (thường gọi là Trường Tây Đô). Trong quá trình đào tạo với sứ mệnh lịch sử ấy, trường đã bồi dưỡng cho hơn 2.000 học sinh. Nhiều cựu học sinh của trường hiện nay là cán bộ đã và đang giữ nhiều chức vụ chủ chốt ở các cơ quan Trung ương và địa phương.

Còn nhiều nữa những ngôi trường giàu truyền thống cách mạng như: Trường THPT Tầm Vu, huyện Châu Thành A; Trường THPT Lê Quý Đôn, thành phố Ngã Bảy; Trường THCS Vị Thủy, huyện Vị Thủy… đã và đang nuôi dưỡng những hạt mầm tài năng cho quê hương, đất nước. Bởi, tại những ngôi trường này, đã và đang có nhiều sản phẩm, dự án được thầy và trò nghiên cứu, sáng tạo vì lợi ích cộng đồng.

Vùng đất Hậu Giang anh hùng, trong thời chiến đã biết bao thế hệ cha, ông, các mẹ, các chị cống hiến cho ngày giải phóng, còn trong thời bình, vùng đất anh hùng lại tiếp tục nuôi dưỡng những hạt mầm, thêu dệt ước mơ cho những nhân tài tương lai. Hành trình sáng tạo 17 năm qua của ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang đã được định hình và khẳng định thương hiệu sáng tạo, khi có rất nhiều dự án đã vươn tầm quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh, chia sẻ: “Không ít lần bật tivi lên xem, rồi đọc báo, thấy các dự án được nhà báo giới thiệu rất hay, sáng tạo và hữu ích. Tôi luôn bị bất ngờ, vui vì các dự án sáng tạo của học sinh mình. Bởi các sản phẩm của học sinh rất “chất”. Thành quả trên có lẽ do con cháu mình đã được ươm mầm sáng tạo trên vùng đất Hậu Giang nghĩa tình, thầy cô tâm huyết”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

--------------------------

Bài 2: Hành trình sáng tạo

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>