Chuyện về đại biểu trẻ nhất Đại hội Thi đua yêu nước

10/02/2021 | 16:45 GMT+7

Đạt nhiều thành tích nổi bật, nhưng Lý Minh Mẫn, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Võ Thị Sáu (thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A), chưa bao giờ nghĩ mình là người nổi tiếng. Xoay quanh cậu học trò vùng ven này có nhiều câu chuyện thú vị...

Lý Minh Mẫn và thầy Nguyễn Minh Tường - người thầy khơi dậy tinh thần sáng tạo cho nhiều học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu.

Mẫn được nhớ đến là điển hình tiêu biểu trong lực lượng học sinh nghiên cứu khoa học Hậu Giang từ đề tài “Hệ thống hỗ trợ ao nuôi thủy sản thông minh”. Sản phẩm “chinh chiến” nhiều hội thi từ tỉnh đến Trung ương và giành giải thưởng cao, đáng kể là giải nhất Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2019. Gần đây nhất, em được cùng nhiều lãnh đạo tỉnh, những điển hình tiên tiến nhất tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc tại Hà Nội, với Mẫn đó là niềm vui, vinh dự lớn.

Đạt được nhiều thành tích nổi trội nhưng cậu học trò này rất khiêm tốn, Mẫn chia sẻ: “Em chưa bao giờ nghĩ mình là người nổi tiếng và chưa bằng lòng với kết quả đạt được. Em mới lớp 9, nếu em tự coi mình là người nổi tiếng hay nghĩ đó là thành tích lớn nhất của mình thì sự phấn đấu của em sẽ bị tự em ngăn lại”.

Nói về cậu trò nhỏ của mình, cô chủ nhiệm lớp 9A2 Ngô Mai Hồng Phấn cho biết: “Mẫn bước vào THCS đã gây sự chú ý với thầy cô ở trường, ngoài năng lực học tập, em còn rất năng nổ khi tham gia phong trào. Em có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn ngữ văn và thi sáng tạo trẻ, tin học trẻ của trường”.

Học giỏi tin học, đam mê nghiên cứu, nhưng Mẫn lại được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi… ngữ văn. Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu Lê Văn Thanh chia sẻ: Chọn học sinh giỏi ở trường được thực hiện bài bản, cách hành văn của Mẫn có sự sáng tạo, có những góc nhìn lạ so với nhiều học sinh khác, em cũng là học sinh hay đọc sách tham khảo, tự mình mua rất nhiều loại sách để đọc. Với Mẫn, cuộc sống em dù gian khó là vậy nhưng mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày vui, tự tìm cho mình những điều hạnh phúc nhất. Đó cũng là lý do giáo viên phụ trách đề xuất em vào đội tuyển thi học sinh giỏi môn ngữ văn.

Lý Minh Mẫn (người đeo kính) bên cô giáo chủ nhiệm và bạn bè lớp 9A2.

Ở tuổi 14, khi nhiều em “ăn chưa no, lo chưa tới”, Lý Minh Mẫn đã định hình cho mình một suy nghĩ chín chắn về tương lai: “Em đam mê tin học và tiếng Anh, em tự tin nhất khi đứng trước đông người nên em nghĩ mình hợp với nghề đi thuyết phục mọi người, sáng tạo và chịu làm mới bản thân, sau này sẽ học chuyên ngành về marketing”.

Đứng sau thành công của Mẫn cùng nhiều học trò tại Trường THCS Võ Thị Sáu là thầy Nguyễn Minh Tường, giáo viên dạy lý - tin học của trường. Chia sẻ về lớp “học sinh vàng”, thầy Tường phấn khởi: “Có người hỏi mình có buồn không khi học trò đạt giải mà ít nhắc đến thầy?, thật sự tôi không buồn mà rất tự hào, mình có kiến thức, kinh nghiệm, nhưng đi thi thì ý tưởng là quan trọng, có ý tưởng hay thì việc triển khai sẽ rất thuận lợi và những ý tưởng đó tôi tìm được ở Mẫn, cùng lớp học sinh trong Câu lạc bộ Sáng tạo của trường”. Thầy Tường là người khơi dậy tinh thần đam mê nghiên cứu của trường, trong 15 năm qua khi bén duyên với nghiên cứu và công tác tại trường, thầy đã cùng học sinh mang về 6 giải thưởng toàn quốc về tin học và sáng tạo trẻ.

Ba và mẹ Mẫn là người dân tộc Khmer, nhà chỉ có 1,5 công đất ruộng, hiện đang ở đậu nhà bà ngoại. Mấy năm trước, do biến chứng bệnh tiểu đường, mẹ Mẫn bị đột quỵ, tai biến nhẹ, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Thấy mẹ vậy, nên khi đi học về em phụ giúp dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, nhắc nhở mẹ uống thuốc và lên mạng tìm hiểu thực đơn dành riêng cho người tiểu đường để hướng dẫn mẹ ăn uống cho đúng.

Để lo cho cả gia đình, đặc biệt là chuyện học của Mẫn, anh Lý Hạnh ngày nào cũng đi xịt thuốc, làm cỏ mướn, hết công việc đồng ruộng anh lại đi hàn tiền chế mướn. Cả năm anh không cho phép mình nghỉ ngơi. Làm việc cật lực, anh chỉ mong con mình được ăn học đến nơi đến chốn. 200.000 đồng là tiền công mỗi ngày là nguồn sống của gia đình. Anh Lý Hạnh bộc bạch: “Tôi hồi đó học tới lớp 5 trường làng, sau đó bôn ba đi làm thuê làm mướn. Đời cha học hành không tới, thì con mình phải được học đàng hoàng, nghèo cỡ nào tôi cũng ráng lo cho con chu toàn việc học”.

Nhà nghèo, mẹ bị bệnh nên mỗi khi nhận được tiền thưởng, Mẫn đều đem về tất cả cho mẹ mua thuốc men, gạo mắm. Mơ ước có chiếc máy vi tính để thỏa sức tìm hiểu đến giờ chưa thực hiện được. Cậu trò nhỏ mỗi khi muốn nghiên cứu phải liên hệ thầy cô vào phòng máy của trường.

Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nhưng cha mẹ Mẫn luôn cố gắng lo cho em ăn học.

Bấy nhiêu khó khăn đó không ngăn cản được đam mê sáng tạo của em. Mẫn cùng nhóm bạn và thầy Tường đang nghiên cứu nâng cao mô hình thu gom rác thải nhựa trong trường học, với hệ thống cảm ứng đưa ra thông điệp bảo vệ môi trường, tích hợp đổi rác thải nhựa lấy quà. Lý Minh Mẫn bộc bạch: “Em chỉ mặc cảm khi mình không thật sự cố gắng để đạt kết quả tốt, còn hoàn cảnh gia đình hay bị nói là học sinh trường quê, trường nông thôn không hề làm em nản lòng, mất ý chí…”.

Sự tự tin, nỗ lực và suy nghĩ chín chắn của Mẫn đã truyền cảm hứng cho những học sinh khác cố gắng vươn lên, không vì hoàn cảnh mà bó buộc sự sáng tạo, ước mơ của mình!

Những thành tích nổi bật của Lý Minh Mẫn

 

Là đại biểu Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Hậu Giang, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc giai đoạn 2016-2020, đoạt giải nhất cùng em Châu Thế Khanh (hiện học ở Trường THPT Châu Thành A) Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2019. Cũng trong năm 2019, Mẫn cùng em Châu Thế Khanh đoạt giải nhất Hội thi Tin học trẻ cấp huyện, tỉnh; giải nhất huyện, nhì tỉnh Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng. Mới đây nhất, em có sản phẩm đoạt giải nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp huyện, được chọn dự thi cấp tỉnh. Mẫn đã nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh và huyện Châu Thành A.

 

HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>