Chuyển mình sau bốn năm sáp nhập

14/10/2020 | 08:42 GMT+7

Bốn năm thực hiện sáp nhập, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) đã từng bước tạo được chuyển biến tích cực ở cả công tác giáo dục văn hóa và đào tạo nghề.

Sau sáp nhập, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ở hệ GDTX ngày càng cao. Trong ảnh lớp học tại Trung tâm GDNN – GDTX Châu Thành A.

Bộ máy tinh gọn, cơ sở vật chất được tận dụng

Là một trong những trung tâm được thực hiện sáp nhập đầu tiên, hơn 4 năm đi vào hoạt động với chức năng vừa đào tạo nghề, vừa dạy bổ túc văn hóa, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vị Thủy đã đáp ứng kịp thời nhu cầu cho lao động tại địa phương. Ông Lý Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: “Sáp nhập từ năm 2016 đến nay, trung tâm đã chủ động khảo sát nhu cầu của người dân địa phương và nhu cầu học nghề của người lao động để thực hiện tuyển sinh và mở các lớp nghề phù hợp. Song song đó, trung tâm còn tập trung tuyển sinh học sinh đã tốt nghiệp THCS để mở các lớp dạy văn hóa THPT. Ở những lớp này, chúng tôi chủ động liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng để kết hợp dạy nghề cho các em”.

Trung bình mỗi năm, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vị Thủy tổ chức khoảng 12 lớp đào tạo nghề cho khoảng 300 lao động nông thôn. Trung tâm còn tuyển sinh liên kết đào tạo hơn 100 học viên tham gia vừa học văn hóa kết hợp học nghề. Sau khi sáp nhập, không chỉ thuận lợi trong việc tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội giáo viên ở hai mảng thường xuyên và dạy nghề cũng có thể bổ trợ cho nhau hiệu quả. Trong số 10 giáo viên đang dạy ở hệ GDTX tại trung tâm, có 1 giáo viên tin học có đủ điều kiện để dạy nghề sửa chữa máy tính.

Còn tại thành phố Ngã Bảy, do khi thực hiện theo quyết định sáp nhập trên địa bàn không có trung tâm dạy nghề nên khi thành lập Trung tâm GDNN - GDTX thành phố Ngã Bảy, trung tâm đã được bổ sung thêm chức năng dạy nghề. Đi kèm với việc bổ sung chức năng, trung tâm được đầu tư kinh phí hơn 1 tỉ đồng để mua sắm thêm trang thiết bị dạy nghề. Ngoài ra, để đảm bảo tốt hoạt động giảng dạy, UBND thành phố cũng đầu tư kinh phí hơn 6 tỉ đồng để nâng cấp các phòng học, phòng chức năng và một số công trình phụ trợ khác…

Ông Nguyễn Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Sau khi sáp nhập, được lãnh đạo quan tâm bổ sung cả về cơ sở vật chất và trang thiết bị nên trung tâm đã đảm bảo kịp thời cho nhu cầu dạy và học. Riêng đội ngũ giáo viên dạy nghề hiện không có, UBND thành phố đã có chủ trương cho hợp đồng để trung tâm đủ điều kiện mở các mã nghề đáp ứng nhu cầu cho người học. Theo tôi, việc sáp nhập giữa hai trung tâm đã đi đúng với xu thế hiện tại, trong đó bộ máy tổ chức được tinh gọn, cơ sở vật chất được tận dụng tối đa”. 

Đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Sau khi sáp nhập, dạy học văn hóa và đào tạo nghề của Trung tâm GDNN - GDTX huyện Châu Thành có nhiều khởi sắc cả về quy mô lẫn chất lượng đào tạo. Ông Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Trung tâm, tâm sự: “Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh học hệ bổ túc văn hóa tại trung tâm đậu tốt nghiệp THPT đạt từ 80-100%. Riêng đối với mảng dạy nghề, trung tâm cũng chủ động phối hợp với các đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động để mở các lớp phù hợp. Nhờ đó, người lao động học nghề tại trung tâm đều được giải quyết việc làm tại chỗ”.

Trung tâm GDNN - GDTX huyện Châu Thành đã từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng quy chế hoạt động, đảm bảo thực hiện đúng các chức năng nhiệm vụ được giao. Việc hoạt động cũng thuận lợi hơn khi đơn vị có cơ sở vật chất khang trang, đủ trang thiết bị đảm bảo yêu cầu dạy nghề sơ cấp và tổ chức các hoạt động GDTX.

Là đơn vị có nhiều nỗ lực vượt khó sau sáp nhập, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Châu Thành A, có nhiều cách làm hay để thu hút người học, đảm bảo đầu ra. Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Việc sáp nhập phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Giảm đầu mối quản lý nhưng hiệu quả hoạt động vẫn ổn định. Khoảng 4 năm qua, công tác tuyển sinh tại trung tâm vẫn duy trì được số lượng, chất lượng đầu vào và đầu ra luôn ổn định. Bên cạnh đó, việc sáp nhập này cũng phù hợp với xu thế phát triển hiện nay là đào tạo lao động vừa có trình độ kiến thức THPT, vừa có kỹ năng trung cấp nghề, góp phần nâng cao chất lượng thị trường lao động phổ thông”.

 Ngoài chủ động liên hệ với các trường THPT để tuyển sinh học viên ở hệ GDTX, Trung tâm GDNN - GDTX Châu Thành A còn chủ động đổi mới phương pháp dạy và học để nâng cao chất lượng. Nhờ đó, những năm gần đây, hệ GDTX tại đây thu hút được cả học viên có học lực khá, giỏi. Ngoài tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT hàng năm khá cao trong năm 2020 này, trung tâm còn có học viên đậu vào Trường Đại học Cần Thơ. Trong công tác đào tạo nghề, không chỉ đảm bảo nguồn cung ứng lao động đào tạo cho doanh nghiệp trên địa bàn, trung tâm còn mời doanh nghiệp về địa phương để giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động sau khi học nghề.

Khó khăn chưa phải đã hết, nhất là sự thu hút người học vào các trung tâm này nhưng qua 4 năm sáp nhập, hiệu quả bước đầu đem lại như vậy đã giúp các trung tâm GDNN - GDTX vững tin bước tới…

Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 39/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ về hướng dẫn sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm GDTX, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp cấp huyện thành trung tâm GDNN - GDTX, năm 2016 Hậu Giang đã công bố quyết định sáp nhập 4 trung tâm dạy nghề và trung tâm GDTX. Ngoài ra, bổ sung chức năng dạy nghề cho 2 trung tâm tại thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ, bổ sung chức năng GDTX cho 1 trung tâm (huyện Long Mỹ). Tính đến nay, toàn tỉnh có 7 trung tâm GDNN - GDTX và 1 trung tâm GDTX tỉnh.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>