Bảo vệ sức khỏe học sinh

07/09/2022 | 08:31 GMT+7

Tình hình dịch Covid-19, bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng đều diễn biến tăng ở tỉnh và đối diện với nguy cơ dịch đậu mùa khỉ có thể xâm nhập bất cứ lúc nào ở trường học. Trước nguy cơ này, ngành y tế, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã phối hợp tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng dịch ở trường học, bảo vệ an toàn sức khỏe học sinh khi các em trở lại trường.

Giáo viên vệ sinh dụng cụ, đồ chơi của trẻ tại Trường Mầm non Hướng Dương, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A.

Đối diện nguy cơ nhiều dịch bệnh xâm nhập

Ông Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, thông tin: “Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm đang có chiều hướng gia tăng ở tỉnh. Trong tháng 8, Hậu Giang ghi nhận trên 170 ca Covid-19, tháng 7 trước đó chỉ ghi nhận 10 trường hợp. Riêng ngày 31-8 ghi nhận 21 ca Covid-19, ngày có số mắc cao nhất từ nhiều tháng qua. Dịch sốt xuất huyết và tay - chân - miệng cũng vào mùa cao điểm số mắc. Đến nay đã ghi nhận 501 ca sốt xuất huyết, tăng gần 11 lần so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận 433 ca bệnh tay - chân - miệng, tăng 126 ca so với cùng kỳ năm trước. Cả 2 dịch bệnh này cũng tập trung số mắc trong tháng 8 là nhiều nhất”.

Trước tình hình dịch bệnh gia tăng, cũng là lúc học sinh đi học, từ đây nguy cơ nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập cùng lúc và lây lan ở trường học là rất cao, nếu không chủ động phòng ngừa, nhất là cấp học mầm non, mẫu giáo khi các em hầu như chưa được tiêm phòng dịch Covid-19 và bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng cũng không có vắc-xin phòng bệnh. Trong đó, tay - chân - miệng đối tượng mắc tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi. Bà Nguyễn Phú Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Dương, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Năm nay, trường được giao chỉ tiêu nhận 300 trẻ, tất cả các em đều chưa được tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19. Trẻ 5 tuổi được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 năm trước giờ đã lên lớp 1. Trẻ nhỏ cũng không thực hiện được việc đeo khẩu trang. Nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập và lây lan là rất cao nếu có trẻ mắc bệnh đến trường. Bên cạnh đó, bệnh tay - chân - miệng và sốt xuất huyết cũng có thể xảy ra. Các em đối diện với nhiều loại dịch bệnh cần được chủ động phòng dịch, bảo vệ sức khỏe. Nếu dịch bệnh xảy ra ở trường học, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh mà còn ảnh hưởng đến hoạt động dạy học ở trường”.

Có những điểm trường tập trung rất nhiều học sinh, nguy cơ dịch bệnh xảy ra và lây lan càng cao, trong khi vẫn còn một số học sinh chưa tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin phòng dịch Covid-19. Ông Trần Trường Vũ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Hữu Hạnh 1, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Trường năm nay được giao chỉ tiêu huy động trên 850 em học sinh. Chúng tôi nhận định nguy cơ dịch bệnh phức tạp, trong khi học sinh của trường đông nhất so với các trường tiểu học khác trên địa bàn, nên nguy cơ xảy ra dịch càng cao hơn. Sau lễ, các em đi đây đó trở lại trường, một số gia đình vì lý do trẻ bị bệnh chưa tiêm đầy đủ vắc-xin phòng Covid-19. Trường luôn xác định không thể lơ là, chủ quan với dịch bệnh, đang lập danh sách về số mũi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của học sinh để đánh giá nguy cơ và chủ động các biện pháp phòng dịch hiệu quả”.

Dù rất nỗ lực những ngày cuối tháng 8 tập trung tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhóm tuổi từ 5 đến dưới 18 tuổi nhưng vẫn còn chưa bao phủ được tỷ lệ tiêm vắc-xin theo yêu cầu đề ra. Tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 3 cho nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi chỉ đạt gần 76%, mũi 2 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt trên 78%. Đặc biệt, ở một số địa bàn tỷ lệ này còn thấp dưới 70%, như: huyện Long Mỹ tỷ lệ tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi chỉ đạt 55%, huyện Châu Thành A đạt gần 67%,… Bà Trương Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Huyện gặp khó khăn để tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi. Các em chưa tích cực đi tiêm vắc-xin, một số trường hợp đi theo gia đình đến địa phương khác. Tỷ lệ tiêm thấp nguy cơ dịch bệnh xảy ra và lây lan sẽ cao hơn khi các em trở lại trường. Chúng tôi đang rà soát nguyên nhân cụ thể và phối hợp với trường để vận động các em tiêm vắc-xin sau khai giảng”.

Chủ động nhiều giải pháp

Ông Trần Trường Vũ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Hữu Hạnh 1, cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế, vệ sinh khử khuẩn trường lớp trước khi các em tựu trường. Các hoạt động truyền thông được chủ động triển khai tuyên truyền qua nhóm zalo lớp và qua họp phụ huynh học sinh đầu năm học để nâng cao ý thức của học sinh và phụ huynh về phòng dịch bệnh, lợi ích tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Mong muốn mỗi học sinh chủ động phòng dịch bệnh cho bản thân, vận động gia đình thường xuyên diệt muỗi, lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết,… giảm thấp nhất nguy cơ dịch xảy ra ở trường học”.

Tại Trường Mầm non Hướng Dương, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, ngoài các hoạt động phòng dịch trước khi các em tựu trường cũng sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch trong suốt thời gian học sinh đến lớp. Bà Nguyễn Phú Thảo, Hiệu trưởng của trường, cho biết thêm: “Trường có máy đo thân nhiệt cho trẻ khi các em đến trường, tăng cường rửa tay sát khuẩn phòng dịch Covid-19 và phòng bệnh tay - chân - miệng. Bố trí các vòi rửa tay và khuyến khích học sinh rửa tay thường xuyên. Khi các em đến lớp, giáo viên nhận bé sẽ quan sát và phát hiện sớm trẻ có dấu hiệu bệnh để báo phụ huynh đưa đi khám bệnh. Kết hợp chặt chẽ với trạm y tế thông báo các trường hợp trẻ bệnh để triển khai các biện pháp phòng dịch lây lan ở trường. Đầu năm học, trường đã vệ sinh bằng cloramin B tất cả khuôn viên, đồ chơi của trẻ,... Sau này, khi các em vào học sẽ định kỳ hàng tuần vệ sinh trường lớp, đồ chơi bằng cloramin B. Đối với nhóm trẻ 5 tuổi sẽ lập danh sách và phối hợp với y tế để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các em”. 

Những ngày tới, ngành y tế và ngành giáo dục và đào tạo tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ để tăng tỷ lệ học sinh được tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19. Các trường rà soát lại danh sách học sinh chưa tiêm vắc-xin, tuyên truyền để các em tiêm vắc-xin phòng dịch hiệu quả. Ngành y tế đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất để các em tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19.

Ông Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho hay: “Nguồn vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi hầu như không thiếu, chỉ chưa được cấp vắc-xin moderna tiêm cho trẻ. Tại các địa phương ngành y tế duy trì thường xuyên các điểm tiêm để học sinh dễ tiếp cận. Thời gian qua, tiêm vắc-xin đảm bảo an toàn tiêm chủng vì vậy người dân nên đưa còn em mình đi tiêm vắc-xin và thực hiện các biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết, tay - chân - miệng hiệu quả”.

Bên cạnh đẩy mạnh tiêm vắc-xin, ngành y tế tăng cường giám sát, khống chế phòng lây lan khi xuất hiện các ca bệnh truyền nhiễm, ổ dịch Covid-19, sốt xuất huyết, tay - chân - miệng để hạn chế thấp nhất dịch lây lan trong cộng đồng, trong đó có trường học bảo vệ an toàn sức khỏe học sinh khi các em trở lại trường học.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>