“Một mình không thể đảm đương được trọng trách, mà phải dựa vào dân, dựa vào nhân tài”

02/03/2022 | 10:09 GMT+7

Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh trong phần giải pháp thực hiện các nhiệm vụ đột phá, có đoạn: “làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách thu hút nhân tài sâu rộng trong Nhân dân; vận dụng, thực hiện đúng đắn cơ chế, chính sách về phát triển, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực”. “Nhân tài” và “sử dụng nguồn nhân lực” “đúng đắn” từ cổ chí kim thường xuyên được nhắc đến để người đủ phẩm chất, năng lực cùng “ghé vai vào” dựng xây nước nhà thêm hùng mạnh.

Tiến sĩ Lê Hồng Việt (đứng), Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, trao đổi với người dân về trồng trọt trên địa bàn.

Cổ kim trọng dụng nhân tài

Hẳn chúng ta còn nhớ vua Lê Thái Tổ - Lê Lợi lên ngôi (năm 1428) chưa lâu, sau hàng loạt biện pháp cải tổ, củng cố giang sơn đã ban chiếu về việc tiến cử hiền tài. Áng văn mẫu mực về chiêu hiền đãi sĩ này mang đầy tâm huyết muốn có nhiều nhân tài cho đất nước của đức anh minh.

Chiếu viết: “Nay, Trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng bờ vực thẳm, chỉ vì chưa tìm kiếm được người hiền tài giúp đỡ trị nước”… “nhân tài ở đời cố nhiên là không ít, nên đường lối tìm người cũng không phải chỉ có một phương. Nếu có ai ôm ấp tài lược kinh bang tế thế nhưng vẫn phải chịu khuất ở hàng quan thấp, không có người tiến cử cho, cùng là những hào kiệt còn bị vùi dập ở bụi bờ, hay lẫn lộn trong quân ngũ, nếu không tự đề đạt thì trẫm làm sao biết được? Từ nay về sau, các bậc quân tử, có ai muốn theo ta, đều cho tự tiến cử”.

Đức minh quân thiết tha kêu gọi: “Khi chiếu này ban ra, các quan hãy đem hết lòng thành, lo việc tiến cử. Còn như kẻ sĩ hàn vi ở chốn hương thôn, cũng chớ cho thế là phải đem ngọc bán rao mà hổ thẹn, để Trẫm phải thở than vì thiếu nhân tài”.

Vua Lê Thánh Tông trị vì thiên hạ 37 năm (1460-1497), từng răn bảo Thái tử: “Dù là Thiên tử, con trời, đứng đầu trăm họ, có quyền uy tuyệt đối với thần dân, có quyền phong chức tước cho thần linh, các vị vua chúa các triều đại vẫn thấy rằng một mình không thể đảm đương được trọng trách, mà phải dựa vào dân, dựa vào nhân tài của đất nước”.

Thời đại Hồ Chí Minh, Bác Hồ kính yêu cũng từng thiết tha kêu gọi hiền tài khi đất nước trong tình cảnh vô vàn khó khăn (năm 1946). Bài báo “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu Quốc ngày 20-11-1946, Bác viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức.

E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.

Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết...”.

Sử sách truyền lưu với biết bao điều đáng kính, đáng quý để thấy rõ hơn rằng từ cổ chí kim luôn trọng dụng nhân tài, cần “hiền tài giúp đỡ trị nước”, chứ “một mình không thể đảm đương được trọng trách, mà phải dựa vào dân, dựa vào nhân tài của đất nước”...

Quan điểm trọng dụng nhân tài được Đảng ta tiếp tục khẳng định tại Đại hội XIII: “có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài”, “đãi ngộ nhân tài”.

Trọng dụng như thế nào ?

Nhân tài, hiền tài được hiểu với nhiều nghĩa khác nhau, cho đến nay, một khái niệm với nội hàm đầy đủ, thuyết phục có thể còn phải bàn, nhưng cũng có thể khái quát nhân tài, hiền tài là người có đạo đức, có trình độ nhất định, biết suy nghĩ, lo và hành động tích cực cho cái chung chính đáng, vì quê hương, Tổ quốc.

Để có được nhân tài và lực lượng cán bộ có đạo đức, trình độ nhất định, hành động tích cực vì quê hương, Hậu Giang có những chính sách, đề án, quy định để xây dựng một lực lượng đủ mạnh tiếp tục kiến thiết quê hương.

Về “Nhân tài”, ông Lương Bằng Thiên, nguyên Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, đòi hỏi con người mang danh phận như vậy phải có tâm lo cho dân, cho nước, phải có biện pháp đưa phong trào thi đua ở địa phương phát triển, đời sống Nhân dân thật sự đi lên; tâm và tầm là 2 thứ cần thiết nhất, học hàm và học vị bổ sung cho vế trước. Dĩ nhiên, nếu có đầy đủ các yếu tố trên thì càng tốt.

Về “sử dụng nguồn nhân lực” “đúng đắn”, sử dụng “người tài”, nguyên Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp mong muốn người đứng đầu phải công tâm, khách quan một cách thực sự; không công tâm, có óc hẹp hòi, ích kỷ chỉ mang đến thiệt thòi cho thuộc cấp, dần họ sẽ thoái chí, không hăng hái sáng tạo, phục vụ nữa.

Từng quyết định nhiều vấn đề về cán bộ khi đương chức, ông Lương Bằng Thiên kể rằng, dứt khoát không bao giờ ông có định kiến với cấp dưới; họ phát biểu đúng mình phải tiếp thu, nếu chưa đúng thì mình có trách nhiệm giải trình, làm rõ, có như vậy thì tinh thần đoàn kết của một tập thể mới bền lâu.

Nguyên Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp cũng cho biết lực lượng cán bộ tại chỗ là rất quan trọng, vì chính họ mới toàn tâm toàn ý phục vụ quê hương.

Với ông Huỳnh Văn Hoàng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, “người tài” cũng phải đảm bảo yếu tố đức và tài. Chủ trương của Đảng, của cấp ủy về đãi ngộ, sử dụng “nhân tài” rất đúng đắn nhưng ông trăn trở về cách tổ chức thực hiện.

Ông Huỳnh Văn Hoàng mong muốn các cấp cần mạnh dạn xoắn tay vào thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; hết sức quan tâm cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Hậu quả của tham nhũng thời gian qua ở nước ta có một phần do cán bộ mình không dám nói hoặc nói thì cũng ít người nghe, vì vậy, để tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương trên, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói rằng Đảng nên có lực lượng lắng nghe thật sự, nếu đã có rồi thì nên củng cố lại để thường xuyên thấu hiểu người tài.

Trọng dụng người đủ phẩm chất, năng lực; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để họ tiếp tục cùng “ghé vai vào” dựng xây quê hương thêm phát triển… Trong Chương trình 50 ngày 9/8/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định nhiệm vụ đột phá đầu tiên là về cán bộ: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đãi ngộ nhân tài…

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>