Bảo tồn nghệ thuật hát Aday

01/06/2018 | 10:08 GMT+7

Một trong những cách để tạo điểm nhấn trong việc giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam là tổ chức truyền dạy để các thế hệ sau biết mà gìn giữ... và nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer đã và đang được bảo tồn theo cách này.

Tiết mục biểu diễn của học viên lớp bồi dưỡng “Công tác truyền dạy phương pháp trình diễn cơ bản về nghệ thuật hát Aday”.

Gieo mầm…

Mới đây, lớp học về nghệ thuật hát Aday dù chỉ diễn ra khoảng 20 ngày, nhưng đã tạo một dấu ấn đẹp trong mỗi học viên theo học. Theo Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Hậu Giang, Phạm Ngọc Thuần, đây là các học sinh có năng khiếu, ở khối 10 và 11 của trường. Các em không chỉ có năng khiếu múa, hát, mà còn rất năng động, sáng tạo. Hy vọng rằng các em sẽ tiếp thu tốt, để lĩnh hội hết được những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật hát, múa Aday, để có thể truyền lại cho các bạn, các em, cùng góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Những em học sinh tham gia lớp bồi dưỡng “Công tác truyền dạy phương pháp trình diễn cơ bản về nghệ thuật hát Aday” đều có chung sự háo hức lẫn xúc động. Em Huỳnh Thị Thảo Xuyên hồ hởi: “Trước giờ đâu có biết Aday đâu, chỉ nghe thoáng qua. Giờ mới học, thấy hay quá. Em cũng biết ít chữ Khmer, mà để hát được phải đọc chữ được, nên phải cố gắng rất nhiều. Múa thì có phần dễ hơn, nhưng để thể hiện cho đúng chất của Aday, đòi hỏi tụi em phải tập rất nhiều. Nhờ vậy, tình cảm bạn bè, thầy trò gắn bó hơn và em càng thấy yêu nét văn hóa của dân tộc mình”…

Là người truyền dạy múa, hát Khmer dân gian nhiều năm ở các tỉnh ĐBSCL, nghệ sĩ Thạch Si Phonl chia sẻ: “Được đi gieo những hạt mầm văn hóa như vậy tôi thấy vui lắm! Vui vì vẫn có nhiều nơi quan tâm bảo tồn và phát huy, hạnh phúc vì nét văn hóa của dân tộc mình được các thế hệ tiếp sau gìn giữ và phát huy. Tôi cùng học trò vượt qua những khó khăn của động tác múa ban đầu, rồi còn phải dạy các em đọc tiếng Khmer nữa. Cực lắm nhưng cũng đầy kỷ niệm…”. Thế nhưng, điều ông còn trăn trở là hát và múa Aday phải có nhạc mới thể hiện được. Dàn nhạc cũng phải có đến 3 người chơi, nhưng ở Hậu Giang, hiếm có nhạc công chơi được. Vì thế, nếu chỉ truyền dạy hát, múa mà thiếu người đờn thì cũng không phát huy được nhiều. Nhưng dù sao, được hiểu thêm nét đẹp của văn hóa dân tộc mình đã là tốt lắm rồi… Nghệ nhân tin rằng từ tình yêu và niềm đam mê, các em sẽ phát huy và học hỏi được nhiều hơn khi qua lớp tập huấn lần này.

“Tham vọng” ý nghĩa

Lớp tập huấn thuộc Đề án Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ giai đoạn 2016-2020 đã đi gần được nửa chặng đường. Tổ chức truyền dạy nghệ thuật hát Aday để lối hát dân gian độc đáo này được lưu truyền trong cộng đồng của dân tộc Khmer. Đề án này ra đời từ kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Đây cũng là cách thiết thực thực hiện những định hướng đã được nói đến trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nghị quyết của ngành văn hóa, thể thao và du lịch về phát huy giá trị di sản văn hóa, văn hóa kháng chiến và đặc biệt là văn hóa truyền thống của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, đi vào cuộc sống một cách nhẹ nhàng, thấm sâu vào trong mỗi người.

Mục tiêu của đề án nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung, văn hóa đặc trưng của dân tộc Khmer nói riêng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Từ đó, có chính sách gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc, góp phần xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Aday, tạo thành nét sinh hoạt dân gian độc đáo. Theo đề án, đến năm 2019, sẽ có 8 lớp truyền dạy ở các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn. Năm cuối cùng của đề án sẽ còn một lớp nâng cao và tổ chức một liên hoan nghệ thuật hát Aday. Tham vọng của những người làm văn hóa sau khi đề án kết thúc còn xây dựng những CLB hát Aday trong vùng có người Khmer sinh sống, tạo nên những buổi giao lưu vui tươi, ý nghĩa, lưu truyền và gìn giữ nét văn hóa đặc sắc đang dần mai một này.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ, những năm qua, ngành đã cố gắng tận dụng nhiều nguồn để hỗ trợ, tạo điều kiện cho hai trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn duy trì, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Mỗi trường với thế mạnh của mình sẽ được phát huy đào tạo hát, múa truyền thống hoặc nhạc cụ phù hợp. Từ đó, mỗi khi có hội diễn trong và ngoài tỉnh, các em tham gia và mang lại hiệu quả rất cao. Ngành sẽ tiếp tục phát huy để nét văn hóa đẹp của dân tộc Khmer nói riêng, cùng với các nét đẹp văn hóa của các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh, sẽ được lưu truyền và phát huy, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…

Hát Aday là hát đối đáp giữa hai bên trai và gái, mang nhiều nội dung, màu sắc phong phú. Khi là một lời ví von, khi là một lời ướm hỏi, trao nhau tình cảm thân thương, nồng nàn. Hát Aday đôi khi có kèm theo múa. Lời hát, điệu múa mang tính thần bí, tín ngưỡng của người Khmer, cầu mong cho phum sóc bình yên, mọi người được sống trong tình yêu thương, ấm no, hạnh phúc…

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>