Phát triển không gian, sản phẩm du lịch đặc thù

05/09/2022 | 07:21 GMT+7

Cùng với các lĩnh vực khác, du lịch được quy hoạch cả chiều rộng lẫn chiều sâu, để tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, mở ra nhiều hướng sáng để phát triển du lịch toàn diện.

Kênh xáng Xà No sẽ là sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt của tỉnh. Ảnh: TRUNG QUÂN

Phát triển du lịch chất lượng cao

Đây là một trong những định hướng chung trong quy hoạch phát triển lĩnh vực du lịch, 1 trong 4 trụ cột để phát triển của tỉnh. Trong đó, phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn các sản phẩm dựa trên thế mạnh của tỉnh để đầu tư, nhằm từng bước quảng bá hình ảnh Hậu Giang với du khách trong và ngoài nước, để đến năm 2030, khách đến Hậu Giang đạt 1,5 triệu lượt.

 Nếu như năm 2010, lượt khách đến Hậu Giang chỉ 4.500 lượt, thì đến năm 2020 là 194.000 lượt, nên chỉ tiêu 1,5 triệu lượt khách nói trên là khả quan. Những năm gần đây, do dịch bệnh, lượng khách giảm nhiều, nhưng hiện tại, đang trên đà phục hồi, khi Hậu Giang tổ chức nhiều sự kiện có tiếng vang, thu hút nhiều du khách đến. Cùng với đó là việc đầu tư, khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù, dần đưa du lịch phát triển trở lại. Sự đầu tư có định hướng, chiều sâu đã tạo đà cho du lịch phát triển.

Định hướng giải pháp phát triển du lịch là mở rộng tài nguyên du lịch chính gồm văn hóa lịch sử, hệ sinh thái ngập nước, cảnh quan nông nghiệp miệt vườn. Hậu Giang có điểm mạnh là đa dạng tài nguyên du lịch tự nhiên lẫn nhân văn, với nét văn hóa miệt vườn sông nước, tài nguyên thiên nhiên nổi bật, khác biệt.

Cùng với đó là định hướng sản phẩm theo ý tưởng mới lạ, độc đáo, quốc tế trên cơ sở khai thác 4 thế mạnh: du lịch sông (sông Hậu, Xà No, Phụng Hiệp), du lịch sinh thái ngập nước, du lịch văn hóa miệt vườn và du lịch lịch sử cách mạng vùng. Từ đó, những nhiệm vụ đặt ra cho từng giai đoạn cụ thể là: Đến 2025, Hậu Giang xây dựng 1 khu du lịch cấp tỉnh, 6 điểm du lịch, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng phát triển thành điểm du lịch tiềm năng, để đến 2030 trở thành khu du lịch quốc gia.

Bên cạnh đó là đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ du lịch; khuyến khích xã hội hóa đầu tư hệ thống nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi, giải trí… Từ đó, định hướng thị trường khách du lịch của Hậu Giang trong giai đoạn 2022-2025 là khách có mức chi tiêu trung bình trở lên và đến năm 2030 là khách có mức chi tiêu trung bình cao...

Phát triển không gian du lịch, xây dựng sản phẩm đặc thù

Du lịch muốn phát triển, phải có không gian phù hợp và sản phẩm đặc thù, độc, lạ, để hút khách. Từ đó, việc quy hoạch không gian phát triển du lịch là điều quan trọng. Nó thể hiện quan điểm, tầm nhìn sâu rộng của tỉnh, để có thể phát triển du lịch xứng tầm.

Theo quy hoạch, không gian du lịch ở Hậu Giang gắn với vùng du lịch và các khu, điểm du lịch trọng yếu, phù hợp với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và du lịch lịch sử, tâm linh, gồm 3 không gian chính: Vị Thanh, Vị Thủy, huyện Long Mỹ; Châu Thành, Châu Thành A; Ngã Bảy, Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ. Mỗi không gian sẽ có những sản phẩm đặc trưng phù hợp với từng địa bàn và việc định hướng phát triển sản phẩm du lịch cũng bám vào không gian du lịch này.

Sản phẩm du lịch chủ đạo của Hậu Giang sẽ là du lịch sinh thái sông nước miệt vườn. Từ đó, Hậu Giang phát triển tuyến du lịch đường thủy kênh xáng Xà No để phục vụ nhu cầu trải nghiệm sông nước; phát triển du lịch khám phá thiên nhiên với việc kêu gọi đầu tư, khai thác Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Bên cạnh đó là khai thác các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa bản địa. Sản phẩm du lịch bổ trợ sẽ là du lịch mua sắm tại các chợ đêm, khu du lịch trọng điểm, du lịch ẩm thực...

Từ quy hoạch phát triển không gian, sản phẩm du lịch, sẽ tiến đến việc định hướng tua, tuyến và kết nối tua trong tỉnh, liên tỉnh, liên vùng, quốc tế phù hợp với từng đối tượng du khách, phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển ngành dịch vụ du lịch phù hợp. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Du lịch là 1 trong 4 lĩnh vực được tỉnh đầu tư phát triển. Việc quy hoạch là điều kiện tiên quyết, để du lịch phát triển đúng hướng, xứng tầm. Đây sẽ tiếp tục là cơ hội để du lịch Hậu Giang phát triển, trở thành điểm thu hút khách trong tương lai”.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Hậu Giang định vị thành công 2 điểm nhấn du lịch mang tầm khu vực và cả nước là: du lịch tàu trên kênh xáng Xà No và du lịch huyện Phụng Hiệp gắn với khai thác các di tích lịch sử trên địa bàn, Chợ nổi Ngã Bảy. Năm 2030, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tổng thu từ du lịch đạt 1.500 tỉ đồng...

 

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích